Và từ khoảng 30 năm nay ở phường Hố Nai, TP Biên Hòa, Đồng Nai, đã hình thành hẳn một “phố bánh chưng” hoạt động quanh năm với gần 30 cơ sở làm bánh chưng chuyên nghiệp, cung cấp cho những siêu thị, trung tâm thương mại lớn ở TPHCM, thậm chí là xuất khẩu ra nước ngoài.
Nhộn nhịp vào vụ tết
Chúng tôi tìm về “phố bánh chưng” ở khu phố 13, phường Hố Nai khi nơi đây đang vào thời kỳ cao điểm đáp ứng đơn đặt hàng trong và ngoài nước phục vụ cho Tết Kỷ Hợi 2019. Mới chỉ đặt chân đến đầu khu phố, chúng tôi đã cảm nhận được mùi vị đặc trưng của những nồi luộc bánh chưng trong căn bếp của các gia đình.
Ở đây, không khí tết thường đến sớm hơn các nơi khác vì thường vào dịp cuối năm, người dân rất tất bật cho việc gói bánh chưng để cung ứng ra thị trường. Khoảng thời gian này, xe tải chở nguyên liệu, bánh chưng vào ra khu phố rất nhộn nhịp và người già, người trẻ cùng nhau làm bánh. Không khí làm việc gấp gáp, phấn chấn khiến khu phố trở nên vui nhộn hơn bao giờ hết.
Ngày thường mỗi cơ sở làm bánh chưng ở Hố Nai chỉ làm khoảng vài trăm chiếc bánh nhưng vào những ngày cận tết, nhất là từ rằm tháng Chạp, các doanh nghiệp bắt đầu đến đặt bánh thì năng suất tăng gấp hàng chục lần. Thời gian sản xuất bánh chưng tết ngắn, trong khi lượng đơn hàng lớn nên các cơ sở phải gấp rút làm việc, tăng cường nhân lực và tranh thủ làm cả ngày lẫn đêm.
Dịp cận tết, giá gạo nếp, thịt và các nguyên liệu làm bánh chưng cũng lên cao nên giá thành sản xuất bánh bị đẩy lên cao, khiến nhiều cơ sở sản xuất buộc phải nâng giá sản phẩm để đảm bảo lợi nhuận.
Để kịp giao hàng phục vụ tết, bà Hiền phải thuê thêm 20 nhân công. Còn cơ sở sản xuất bánh chưng của chị Nguyễn Thị Là ở gần đó có khoảng hơn 10 người được phân công phụ trách nhiều công đoạn khác nhau như làm sạch lá dong, ướp gạo nếp, cắt lá làm khuôn…
Đậm đà hương vị xứ Bắc
Hầu hết những người làm bánh chưng ở Hố Nai đều là dân gốc Nam Sách (tỉnh Hải Hưng cũ), nơi có nghề làm bánh chưng lâu đời nhất Việt Nam. Gần 30 năm trước đây, bà con ở khu phố 13 đem kinh nghiệm làm bánh chưng ở quê nhà vào Đồng Nai làm kế sinh nhai. Lúc đầu bà con làm theo phương thức nhỏ lẻ và chủ yếu đem bánh chưng đi bán dạo. Lâu dần, bánh chưng Hố Nai được biết tiếng và được các trung tâm thương mại, siêu thị đặt hàng nên chuyển mình làm ăn lớn.
Theo bà Hiền, bánh chưng là loại bánh truyền thống của Việt Nam, ai cũng có thể làm được, nhưng để làm được bánh chưng ngon có thương hiệu như ở Hố Nai đòi hỏi phải có tay nghề. Đặc biệt là chọn lựa nguyên liệu như nếp, đậu phải đảm bảo chất lượng, khâu ướp gia vị làm nhân cũng là một bí quyết để bảo đảm hương vị đặc trưng của bánh chưng.
Ngay việc chọn lá dong để gói bánh cũng phải tươi non để bánh chưng vừa đẹp mắt mà để cả tuần không sợ thiu. Thịt đặt tại lò có uy tín, đậu, gạo nếp đưa từ miền Bắc vào, lá dong gửi từ Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) lên và tất cả phải được tuyển chọn rất kỹ.
“Bánh chưng ở Hố Nai được sản xuất theo phương thức truyền thống. Để đảm bảo hương vị thơm, ngon, những người làm bánh tự đặt ra các quy chuẩn trong vệ sinh, lựa chọn nếp, thịt heo, lá gói… Tùy vào mỗi loại nếp mà chúng tôi áp dụng cách nấu và thời gian nấu khác nhau. Bánh làm xong sẽ được nấu chín bằng bếp củi, khi bánh nguội, chúng tôi cho vào máy hút chân không đóng gói để đảm bảo vệ sinh và bảo quản”, bà Hiền cho biết.
“Phố bánh chưng” ở phường Hố Nai tồn tại gần 30 năm và mỗi gia đình làm bánh đều có bí quyết gia truyền nhưng tất cả đều có một điểm chung là đề cao chữ “Tín” trong sản xuất và luôn muốn làm ra những chiếc bánh ngon nhất có thể. Nhiều cơ sở sản xuất bánh chưng đã trở thành công ty lớn, có thương hiệu và giúp nhiều gia đình làm giàu chính đáng từ nghề truyền thống này.