Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 115 năm ngày mất của Phó bảng Nguyễn Long (1909-2024) và 142 năm ngày diễn ra trận bảo vệ thành Hà Nội (1882-2024). Các tham luận tập trung vào hai chủ đề chính: bối cảnh, diễn biến trận chiến bảo vệ thành Hà Nội, và thân thế, sự nghiệp của Phó bảng Nguyễn Long. Những bài tham luận đã làm rõ vai trò quan trọng của Phó bảng Nguyễn Long trong việc bảo vệ thành Hà Nội và công lao của ông trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Phát biểu tại hội thảo, TS Lê Quang Chắn, Viện phó Viện Sử học nêu rõ, sau khi hoàn thành việc chiếm đóng Nam Kỳ lục tỉnh (1867), âm mưu bành trướng xâm lược ra Bắc Kỳ trở thành một “vấn đề sinh tử” đối với chính sách thuộc địa của thực dân Pháp. Trong đó, mục tiêu quan trọng hàng đầu của Soái phủ Nam Kỳ là việc đánh chiếm thành Hà Nội - trung tâm chính trị của xứ Bắc Kỳ.
Đầu năm 1882, thực dân Pháp quyết định thực hiện kế hoạch xâm lược Bắc Kỳ lần thứ hai, đưa quân ra Bắc, đánh chiếm thành Hà Nội. Cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp đánh thành Hà Nội (diễn ra ngày 25-4-1882) dưới sự chỉ huy của Tổng đốc Hoàng Diệu và các tướng lĩnh diễn ra vô cùng quyết liệt, song trước ưu thế về lực lượng và khí tài của quân Pháp, thành Hà Nội đã thất thủ.
Trong số các tướng lĩnh sát cánh cùng Tổng đốc Hoàng Diệu, Phó bảng Nguyễn Long có vai trò quan trọng. Ông đỗ Cử nhân võ năm 1878 và đỗ Phó bảng khoa thi võ năm Canh Thìn (1880), được giao giữ chức Thủy vệ quân cơ, tổ chức và huấn luyện hàng ngàn quân sĩ trong thành, có ý chí quyết tâm chống Pháp và chiến đấu rất anh dũng trong cuộc chiến giữ thành Hà Nội năm 1882.
Hai bài tham luận Chân dung vị võ tướng tham gia bảo vệ thành Hà Nội của TS Phạm Quốc Quân và Truyền thần lưu sử về bức chân dung cổ hoa Phó bảng Nguyễn Long của nhóm tác giả TS Nguyễn Quốc Sinh (Viện Sử học), TS Lê Xuân Dũng (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) căn cứ vào bức ảnh truyền thần còn lưu lại hiện nay, không chỉ phân tích, đánh giá giá trị về lịch sử - văn hóa, nghệ thuật, mà còn góp thêm nhiều thông tin về thân thế, sự nghiệp của Phó bảng Nguyễn Long.
Cũng theo TS Lê Quang Chắn, trong khuôn khổ của cuộc hội thảo, nhiều nguồn tư liệu mới được bổ sung, cập nhật; nhiều vấn đề lịch sử gắn với Phó bảng Nguyễn Long đã được đi sâu, làm rõ. Tuy nhiên, do thời gian lùi xa nên vẫn còn những nội dung cần phải tiếp tục nghiên cứu.