Đây là nhận định của Cục Điện ảnh đưa ra trong hội nghị “Đổi mới và nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong công tác phát hành, phổ biến phim” do Bộ VH-TT-DL vừa tổ chức.
Ra rạp, phim ngoại áp đảo
Theo khảo sát của Cục Điện ảnh, cả nước hiện có 5 cơ sở phát hành có vốn của Nhà nước; 7 cơ sở có vốn nước ngoài thường xuyên tham gia hoạt động phổ biến, phát hành phim. Số lượng các nhà phát hành, các cụm rạp chiếu, phòng chiếu hiện đại tăng lên nhanh chóng, song tiếc rằng số lượng phim Việt Nam chỉ chiếm một tỷ trọng rất ít so với phim ngoại. Như năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phim nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam giảm mạnh nên đây được xem là cơ hội để phim Việt Nam chiếm lĩnh thị trường phòng vé trong nước. Tuy nhiên, số phim nội chỉ 36/175 phim nhập và buổi chiếu phim Việt Nam chỉ đạt 28,09% (tương đương 289.038 buổi trên tổng số 1.028.812 buổi chiếu phim tại rạp).
Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia, thẳng thắn nhận định: Điện ảnh Việt Nam mất thị phần ngay trên “sân nhà”. Theo ông Nguyễn Danh Dương, các công ty nước ngoài ồ ạt đầu tư vào xây dựng các cụm rạp chiếu phim ở nước ta với số lượng cụm rạp, phòng chiếu hiện đại đã góp phần đáp ứng nhu cầu tiếp cận, hưởng thụ điện ảnh của người dân, song cũng khiến nhiều cơ sở chiếu phim của Việt Nam gần như tê liệt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động điện ảnh, sự phát triển của điện ảnh, văn hóa Việt Nam.
“Phim Việt Nam khi sản xuất ra khó vào được hệ thống rạp của họ, nếu có vào được thì số suất chiếu cũng chỉ mở mức tối thiểu và chịu một tỷ lệ phân chia lợi nhuận không công bằng, dẫn đến việc những người làm phim Việt Nam không thể thu hồi vốn”, ông Nguyễn Danh Dương cho hay.
Cùng nhận định, bà Bích Hạnh, đại diện Công ty BHD rõ phim Việt Nam sản xuất đưa vào rạp có doanh thu thấp hơn phim Mỹ đến 20%-30%. Không chỉ với phim sản xuất trong nước mà phim nhập khẩu của nước ngoài, do nhiều nhà nhập khẩu nắm trong tay hệ thống rạp chiếu hiện đại nên để phim hay, phim tốt ra các cụm rạp nhỏ lẻ, địa phương phục vụ khán giả cũng khá gian nan.
Bởi vậy, với mong muốn tạo ra một môi trường phát hành mang tính khích lệ đối với người làm phim trong nước, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý, vai trò điều tiết trong lĩnh vực nhập khẩu và phát hành phim. Điều tiết mâu thuẫn lợi ích giữa công ty phát hành và đơn vị phổ biến phim (các rạp), đảm bảo công bằng, tránh tình trạng cá lớn nuốt cá bé và độc quyền trong lĩnh vực phổ biến, phát hành phim. Đặc biệt, phải có chính sách quy định bắt buộc đối với các công ty phát hành phim tư nhân có trách nhiệm phát hành phim đối với các tỉnh…
Thiếu những giải pháp mang tính đường dài
Trong phát hành, phim Việt “lép vế” ngay với khán giả trong nước là thực trạng hiển hiện. Song điều đó không có nghĩa là các rạp chiếu hay khán giả “quay lưng” lại với phim Việt, bởi thực tế rất nhiều tác phẩm điện ảnh trong nước đã nhanh chóng chiếm vị trí áp đảo, trở thành bom tấn ở các phòng chiếu. Đứng đầu doanh thu là Bố già của 2 đạo diễn Trấn Thành, Vũ Ngọc Đãng thu về 400 tỷ đồng; tiếp sau là Hai Phượng của Ngô Thanh Vân, 200 tỷ đồng; Cua lại vợ bầu của Nhất Trung là 191,8 tỷ đồng; Mắt biếc của Victor Vũ (được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) 180 tỷ đồng…
Dẫn chứng trên cho thấy nếu phim được đầu tư nắm bắt đúng thị hiếu khán giả thì sẽ nhanh chóng vượt qua các rào cản về giờ chiếu, suất chiếu… Về lý thuyết là vậy nhưng rõ ràng để nắm bắt lợi thế đó với phim Việt không hề đơn giản trong mặt bằng phát triển chung hiện thời của điện ảnh trong nước.
Phim điện ảnh đã vậy, với phim hoạt hình thì câu chuyện phát hành còn khó khăn hơn. Trong khi nhiều bom tấn hoạt hình làm rung chuyển các phòng chiếu như Kungfu Panda, Nữ hoàng băng giá… thì hoạt hình Việt vắng bóng ngay cả trên truyền hình. Đại diện Hãng phim hoạt hình Việt Nam chia sẻ, dù phim làm ra, phát hành trên các mạng xã hội thu được nhiều kết quả khả quan, nhưng đường đến với khán giả qua đài truyền hình là vô cùng khó khăn.
Vị này cho biết thêm, để phim hoạt hình làm ra đến được với khán giả qua truyền hình Trung ương thì hãng - đơn vị sản xuất không những không được tiền mà còn phải mất thêm tiền. Chi phí này khá lớn nên cũng đành chuyển hướng sang một số đài truyền hình địa phương. Thậm chí, ngay cả việc phát trên app là VTVgo thì mức phí cũng là 15 triệu đồng/phim.
Đường đến với khán giả gian nan, nhưng cũng cần nhìn nhận hạn chế của hoạt hình Việt vẫn là ở cách thể hiện xưa cũ, ở cách thức làm phim ngắn chỉ 15-20 phút nên không thể ra rạp, tự người sản xuất đã “chặn” lối đầu ra của chính mình. Vì thế, dù là phim đặc thù, là có đối tượng khán giả rất riêng, nhưng nếu không có sự chuyển mình, thay đổi cả về nội dung lẫn hình thức cho phù hợp với nhu cầu khán giả thì câu chuyện phát hành ngoài rạp với hoạt hình vẫn rất xa vời.
Trong điện ảnh, mối liên hệ cộng sinh giữa sản xuất, phát hành, phổ biến không thể tách rời. Bởi vậy, muốn điện ảnh có những bước phát triển nhanh, mạnh, đưa điện ảnh Việt trở thành ngành công nghiệp thì cần cùng lúc đầu tư đồng bộ có tính đường dài về nguồn nhân lực, ngân sách đầu tư, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị… và tháo gỡ những vướng mắc về chính sách. Chỉ có như vậy thì điện ảnh Việt mới không còn lâm vào cảnh thua trên chính sân nhà.
Thống kê cho thấy, số lượng cụm rạp chiếu của một số công ty nước ngoài tại Việt Nam là: CGV chiếm 43% thị phần, Lotte chiếm khoảng 30%, Platinum chiếm 10%. Hai công ty tư nhân của Việt Nam là Galaxy chiếm 9%, BHD chiếm 6%. Hệ thống rạp chiếu của Nhà nước chỉ có 2%. |