Phim Việt: Tìm về bản sắc

LSau thời gian dài chạy theo các xu hướng ngoại lai, điện ảnh Việt đã có sự “quay đầu ngoạn mục” khi tìm về khai thác kho tàng văn hóa bản địa. Những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, truyền miệng dân gian… tưởng chừng đã bị lãng quên, nay được các nhà làm phim “hồi sinh” đầy sáng tạo.

Bản sắc là nền tảng

Ngay trong tuần đầu tiên ra mắt, bộ phim Đèn âm hồn (đạo diễn Hoàng Nam) đã có doanh thu phòng vé khá ấn tượng. Phim thu về hơn 44 tỷ đồng trong 3 ngày đầu khởi chiếu (từ ngày 7 đến 9-2), bám sát doanh thu của Nụ hôn bạc tỷ (đạo diễn Thu Trang) và vượt lên hẳn so với Bộ tứ báo thủ (đạo diễn Trấn Thành). Bộ phim cũng tạo ra làn sóng tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội với không ít lời khen dành cho một tác phẩm đầu tay được thực hiện chỉn chu.

K6a.jpg
Đèn âm hồn là hành trình tìm kiếm nguồn cội và truyền tải thông điệp văn hóa. Ảnh: ĐPCC

Một điểm đáng chú ý, bên cạnh những phân tích, bình luận trái chiều của khán giả về những điểm được và chưa được của bộ phim, từ kịch bản, bối cảnh đến diễn xuất của dàn diễn viên..., có không ít ý kiến so sánh bộ phim với một tác phẩm đình đám của Hàn Quốc - Quật mộ trùng ma. Trong đó, phân cảnh làm lễ trừ tà do diễn viên Hoàng Kim Ngọc thủ vai được đem ra so sánh nhiều nhất, dù về bản chất cảnh quay này trong Đèn âm hồn được ê kíp làm phim chăm chút, mang đậm màu sắc văn hóa Việt.

Thời gian gần đây, điện ảnh Việt nổi bật lên xu hướng tìm về, khai thác và tôn vinh các giá trị văn hóa, bản sắc bản địa và căn tính Việt. Có thể kể đến Linh miêu: Quỷ nhập tràng (đạo diễn Lưu Thành Luân) nhuốm màu tâm linh, kinh dị với hành trình khám phá vẻ đẹp văn hóa Huế qua những hình ảnh quen thuộc như điệu múa cung đình “lục cúng hoa đăng”, nghề khảm sành sứ, tục thả hoa đăng...

Không mấy thành công về doanh thu, nhưng Sáng đèn (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường) cũng mang đến những thước phim chân thực, sống động về đời sống “rày đây mai đó” của một gánh hát cải lương trong giai đoạn thoái trào. Ở đó, giữa biết bao biến động thời cuộc, giữa những hỉ nộ ái ố không chỉ có sự luyến nhớ, mà còn là nỗ lực để gìn giữ một loại hình nghệ thuật truyền thống.

Hay trước đó, trong thành công của các bộ phim như Ma da (doanh thu hơn 127 tỷ đồng), hay Cám (hơn 100 tỷ đồng), dấu ấn để lại chính là việc kết hợp yếu tố kinh dị, vốn đang rất được khán giả trẻ yêu thích, với những câu chuyện dân gian. Điều đó đã tạo nên một công thức thành công mới, thu hút đông đảo khán giả đến rạp.

Trong năm 2025, điện ảnh Việt cũng chào đón hàng loạt tác phẩm được xây dựng trên nền tảng các giá trị văn hóa truyền thống như: Nhà gia tiên (đạo diễn Huỳnh Lập), Quỷ nhập tràng (đạo diễn Pom Nguyễn), Hoàng tử quỷ (đạo diễn Trần Hữu Tấn)…

Tôn vinh căn tính Việt

Theo nhiều chuyên gia về văn hóa, khi đánh giá thành công của các phim Việt được xây dựng dựa trên yếu tố văn hóa bản địa, chúng ta không chỉ nhìn vào bề nổi như bối cảnh, phục trang, đạo cụ, hay các biểu tượng văn hóa, mà còn cần quan tâm đến những giá trị tinh thần ẩn chứa trong từng tác phẩm. Chính những giá trị này đã góp phần tôn vinh “căn tính Việt”, giúp điện ảnh Việt Nam chinh phục khán giả cả trong nước và quốc tế.

Huỳnh Lập tiết lộ, khi xây dựng kịch bản cho Nhà gia tiên, anh có đến 9 hướng đi khác nhau. “Có một vài bạn trẻ thắc mắc, việc thắp nhang cho ông bà có ý nghĩa gì, hay tò mò về việc ăn đám giỗ, tổ chức đám giỗ. Đó là lý do Lập tạo ra Nhà gia tiên nhằm lan tỏa những gì mình biết về tục thờ cúng ông bà của người Việt. Chính vì vậy, dù gắn mác kinh dị nhưng thực ra phim thiên về văn hóa tâm linh”.

Đạo diễn Phạm Ngọc Lân - chủ nhân giải thưởng Phim đầu tay xuất sắc nhất với Cu li không bao giờ khóc tại Liên hoan phim Berlin 2024, từng chia sẻ: “Khi chiếu ở nước ngoài, khán giả chỉ biết đến những biểu tượng văn hóa nổi tiếng, biểu tượng của Việt Nam, mà không hiểu được những tầng lớp văn hóa sâu hơn. Trong khi đó, khi chiếu trong nước, khán giả Việt đã nhanh chóng nhận ra những nét văn hóa đặc trưng, thân thuộc”. Đó là giá trị của tình thân không gì có thể thay thế, là lòng vị tha - liều thuốc xoa dịu cô đơn, giúp mỗi nhân vật bước ra khỏi những uẩn ức và cả mớ bòng bong đau đáu của quá khứ - thực tại.

Điều này cho thấy, điện ảnh Việt đã chạm đến những sợi dây cảm xúc sâu kín của người xem, tạo nên sự cộng hưởng đặc biệt. Nó cũng minh chứng, việc kết hợp yếu tố giải trí với giá trị nhân bản, thuộc về bản sắc văn hóa, căn tính Việt là hoàn toàn có thể. Đó chính là “chìa khóa” để điện ảnh Việt Nam chinh phục khán giả cả trong và ngoài nước.

Tin cùng chuyên mục