Ít lựa chọn
“Mỗi khi dự án bắt đầu, để tìm kiếm được diễn viên phù hợp, đặc biệt là tìm gương mặt mới vô cùng khó khăn. Có những dự án chúng tôi phải casting (tuyển chọn) hàng tháng, thậm chí hàng năm trời để tìm được diễn viên mong muốn”, đạo diễn Namcito mở đầu câu chuyện.
Những trăn trở nói trên cũng là thực trạng chung nhiều nhà sản xuất (NSX) đang đối diện. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng thừa nhận: “Hiện tại, nữ chính khoảng 20 tuổi, nam chính dưới 30 tuổi vừa có ngoại hình vừa diễn xuất được... gần như không có. Mỗi lần có dự án mới chúng tôi không biết gọi ai, Việt Nam đang thực sự thiếu ngôi sao điện ảnh”.
Vì thiếu diễn viên nên điện ảnh Việt nhìn qua nhìn lại hiện cũng chỉ từng đó gương mặt xuất hiện trong hầu hết các dự án phim. Về phía nữ, nổi trội có Kaity Nguyễn, Ninh Dương Lan Ngọc, Minh Hằng, Phương Anh Đào, Diễm My 9X… Điểm chung, họ có sự ổn định và ít nhiều đột phá qua các dự án. Một số gương mặt mới nổi thời gian qua như Hoàng Hà, Đồng Ánh Quỳnh, Rima Thanh Vy, Trúc Anh… cần nhiều thời gian hơn để định hình hướng đi và trau dồi kinh nghiệm. Trong khi đó, với các gương mặt nam, quanh quẩn cũng là sự xuất hiện của Thái Hòa, Quang Tuấn, Kiều Minh Tuấn, Hứa Vĩ Văn, Tiến Luật… Những Trần Nghĩa, Avin Lu, Song Luân, Tuấn Trần, Thuận Nguyễn, Liên Bỉnh Phát, Hiếu Nguyễn… đóng hay, dở cũng tùy phim.
Cũng bởi có quá ít sự lựa chọn, nhiều NSX phải chấp nhận mời các diễn viên ở lĩnh vực phim truyền hình, sân khấu hay web drama. Với Vong nhi, dàn diễn viên chính của phim hầu hết là gương mặt quen thuộc ở phim truyền hình: Lê Phương, Quốc Huy, Nhật Kim Anh… Chính Lê Phương thừa nhận, trong 15 năm làm nghề cô chỉ tham gia truyền hình. Lần đầu xuất hiện trên màn ảnh rộng cô gặp quá nhiều áp lực.
Theo đạo diễn Namcito: “Mỗi đặc thù diễn viên có kỹ năng và tư duy diễn xuất khác nhau. Muốn trở thành diễn viên điện ảnh thực sự, nhất là diễn viên từ sân khấu, truyền hình, web drama, các bạn phải học và thay đổi rất nhiều”. Không đánh giá diễn viên nào giỏi hay tệ hơn, đạo diễn Hoàng Tuấn Cường cho rằng, với những bạn đã nổi tiếng ở lĩnh vực truyền hình bước sang điện ảnh cần sự điều chỉnh. Đó là diễn xuất phải tiết chế, lời thoại súc tích, có chiều sâu, đặc biệt là diễn xuất qua đôi mắt.
Học nghề thế nào?
Theo đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, diễn hay khác diễn hấp dẫn, thú vị. Một ngôi sao điện ảnh đúng nghĩa luôn cần sự hấp dẫn trong diễn xuất để lôi cuốn khán giả. Từ kinh nghiệm sản xuất dự án Bẫy ngọt ngào, MC Tùng Leo nêu một thực trạng: “Nhiều bạn đang giả vờ, cố gắng mặc thêm chiếc áo của người khác và hành động tương tự. Họ nghĩ kỹ thuật giải quyết được trải nghiệm và cảm xúc. Càng diễn kỹ thuật, càng mất phần cảm xúc. Ngược lại, có cảm xúc nhưng thiếu kỹ thuật giống như nấu cơm hôm nay ngon, hôm sau không biết tại sao dở”.
Tùng Leo nêu dẫn chứng khá sinh động, ngày xưa khi ca sĩ hát luôn có người kiệu bài (vỡ bài), để họ hiểu hết ý nghĩa ca từ trong ca khúc. Hiện trong diễn xuất không có ai nói cho diễn viên hiểu phải tại sao phải như vậy. Đây cũng là thực trạng và tồn tại liên quan đến công tác đào tạo diễn viên hiện nay. Theo đạo diễn Namcito: “Với một nền điện ảnh đang phát triển, mỗi năm có khoảng 40-60 phim, thì số lượng diễn viên hiện không đủ đáp ứng. Số cơ sở đào tạo đếm trên đầu ngón tay, chất lượng không đồng đều. Các cơ sở tư nhân có giáo trình, phương pháp riêng nên chất lượng đầu ra không có tiêu chuẩn nhất định. Vì thế cả nguồn cung và chất lượng diễn viên đều chưa ổn định”.
Hiện nay, ngoài cơ sở đào tạo chính thống, các khóa học ngắn hạn được mở rất nhiều. Phổ biến nhất là lớp học diễn xuất ở các sân khấu kịch Idecaf, Minh Nhí, Hồng Vân, Trịnh Kim Chi, Quốc Thảo... Sự kiện điện ảnh thường niên Gặp gỡ mùa thu cũng có lớp diễn xuất bài bản. Từ năm 2016, diễn viên Kathy Uyên cũng mở các khóa đào tạo diễn viên chuyên sâu thu hút nhiều diễn viên. Mới đây, NSND Lê Khanh ra mắt Học viện Nghệ thuật Điện ảnh CAA (Cinematic Arts Academy) với khóa học từ cơ bản đến nâng cao và chuyên sâu.
Để trở thành ngôi sao điện ảnh là đường dài, không thể một sớm một chiều. Ngoài năng khiếu, cần phải học. NSND Lê Khanh nhận xét: “Không học thì không đi được đường dài trong điện ảnh”. Thực tế cũng chứng minh, nhiều diễn viên vụt sáng sau 1 dự án nhưng sau đó loay hoay, mà tiêu biểu nhất có lẽ là Ninh Dương Lan Ngọc. Nữ diễn viên cho biết, với phim đầu tay Cánh đồng bất tận, đạo diễn nói sao mình làm vậy. Và may mắn cách nghĩ, cách làm của chị phù hợp với nhân vật nên được khen ngợi. “Tôi tưởng mình diễn được, nhưng sau này mới nhận ra từ điểm bắt đầu đến thành công của tôi là lỗ hổng lớn. Nhiều người nói tôi thành cỗ máy chứ không phải diễn viên, nhưng không ai nói cho tôi biết sự khác nhau nằm ở đâu. Từ đó, tôi hiểu rằng nếu không học sẽ không làm được bất cứ điều gì trong tác phẩm tiếp theo”, Lan Ngọc chia sẻ.
Từ thành công của bản thân, NSND Lê Khanh cho rằng có 2 yếu tố quan trọng trong học hỏi để hướng đến trở thành ngôi sao điện ảnh thực thụ: tập trung tối đa và không bỏ cuộc. Chị chia sẻ: “Để tìm kiếm cảm xúc phải có kỹ năng. Nhiều người có thể ăn may 1-2 lần nhưng lần thứ 3 sẽ tự chán mình. Và muốn thoát ra phải có kỹ thuật thông qua việc học, quan sát cuộc sống, xem phim…”.
Đạo diễn Namcito cho rằng, muốn điện ảnh đi đúng quỹ đạo phải có những con người làm điện ảnh đúng nghĩa, thuộc về điện ảnh. Không phải vì thiếu thốn mà lấy từ nhiều nguồn khác nhau và dần dần, nó sẽ không đi đúng quỹ đạo.