Lạc quan
“Trong những năm qua, phim ngắn Việt Nam đã tìm được đường đến các LHP quốc tế quan trọng. Chúng ta có những tiếng nói mới đầy tự tin, có dấu ấn cá nhân, có cả sự tươi mới và độc đáo”, là chia sẻ của đại diện CGV Việt Nam. Từ kinh nghiệm của phim Cha cõng con, đạo diễn Lương Đình Dũng cũng cho rằng việc này giờ đây khá dễ dàng, khi các nhà làm phim có thể tìm kiếm thông tin trên các kênh chính thức của mỗi LHP.
“Có những LHP mỗi năm nhận hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn phim tham dự nên không tránh việc ban tuyển chọn có thể xảy ra sơ suất, bỏ lọt. Các bạn hãy tìm kiếm các mối quan hệ quen biết với LHP mà mình muốn tham gia để nhờ những người có uy tín giới thiệu trực tiếp tới ban tuyển chọn”, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ kinh nghiệm. Anh cũng nhấn mạnh, việc được giới thiệu sẽ đảm bảo ban giám khảo xem bộ phim, còn được lựa chọn hay không thì chất lượng là quan trọng nhất.
Hiện đang tham gia 2 LHP (gồm LHP quốc tế Seattle và LHP hoạt hình quốc tế Stuttgart) với phim hoạt hình ngắn U linh tích ký: Bột thần kỳ, đạo diễn Leo Đinh kể: “Quá trình nộp phim không quá khó khăn, có thể cũng do tôi gặp may mắn. Trước khi tham dự, tôi chuẩn bị danh sách các LHP, tới khi họ mở cổng đăng ký thì nộp phim, lệ phí tham gia. Khi phim được chọn, họ sẽ thông báo và yêu cầu gửi các thông tin cần thiết”.
May mắn cũng là điều đạo diễn Lê Bình Giang gặp khi “chu du” các LHP quốc tế với tác phẩm điện ảnh đầu tay KFC cách đây vài năm. “Khi tôi đưa phim đến chiếu tại một LHP nhỏ ở Đan Mạch thì bất ngờ nhận được lời mời tham dự LHP tiếp theo. Vì đây là LHP lớn ở châu Âu nên khi chiếu, có rất nhiều giám tuyển ở các LHP khác nhau đến xem, vì vậy những lời mời liên tiếp đến”, đạo diễn Leo Đinh nhớ lại.
Niềm vui của nhiều nhà làm phim Việt hiện nay, đặc biệt với các nhà làm phim trẻ, đó là đường đến các LHP đang rộng mở hơn khi họ không đơn thương độc mã. Đạo diễn Hà Lệ Diễm (đạo diễn phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương) cho biết: “Phim của tôi có nhà phát hành quốc tế nên họ sẽ tự gửi đi, và tôi không phải tham gia vào quá trình này”.
Nhiều nhà làm phim trẻ của Dự án phim ngắn CJ nhận được sự hậu thuẫn từ khâu tìm kiếm, tài trợ ngân sách làm phim và hỗ trợ 100% chi phí nộp phim, chi phí gửi ra nước ngoài tham dự các LHP quốc tế nếu bộ phim được đề cử giải thưởng. Không ít nhà sản xuất phim ở Việt Nam cũng đang làm công việc làm cầu nối đưa các dự án đến các LHP một cách thuận lợi.
Đường đi khó
Đạo diễn Lê Bình Giang khẳng định, việc tự mày mò đưa phim đến các LHP là cách làm chưa chuyên nghiệp. Do đó, rất cần các nhà phát hành, nhà sản xuất, agency (đại lý) thay nhà làm phim làm công việc này, bởi đưa phim đến các LHP có nhiều yếu tố, không cứ phim hay là được đi. Tại workshop “Quảng bá phim và nộp phim đến các LHP”, nhà làm phim Clarissa Jacobson cũng cho rằng: “Làm phim đã khổ, đưa phim đi các LHP quốc tế còn khổ hơn. Bạn phải tìm cách gửi phim đi khắp nơi, nhiều khi chán nản, mất lòng tin do bị từ chối và rất dễ bỏ cuộc”.
Theo đại diện CGV Việt Nam, cạnh tranh để lọt vào vòng trình chiếu/tranh giải là vô cùng khó khăn, chỉ có thực lực của nhà làm phim và chất lượng bộ phim mới quyết định được thành công của nó. Do đó, việc bị từ chối từ các LHP là hết sức bình thường. Đơn cử, LHP Sudance nhận khoảng 9.000 phim ngắn mỗi năm nhưng chỉ lựa chọn trình chiếu khoảng 50 phim. “Có thể nói đây là cuộc cạnh tranh rất gay gắt mà chỉ những gì nổi bật, độc đáo về sức ảnh hưởng và truyền cảm mới được chọn”, đại diện CGV Việt Nam nhấn mạnh.
Cần phải có kế hoạch ngay từ đầu, đặt mục tiêu và xây dựng lộ trình rõ ràng cho bộ phim của mình, lên danh sách các LHP sẽ tham dự, chuẩn bị toàn bộ tài liệu cần thiết cũng như xây dựng thương hiệu cho tác phẩm và cá nhân mình để gây tiếng vang. Đây là bài học thấm thía với đạo diễn Lương Đình Dũng. Theo anh, nếu từ đầu có ý định làm Cha cõng con để tham dự các LHP, anh sẽ làm theo cách khác. Nghĩa là chỉ tập trung vào các tiêu chí LHP cần, như vậy sẽ dễ tiến gần hơn với giải thưởng mình nhắm tới. Trong thời gian chờ đợi phát hành, anh tìm cách gửi đi LHP và không biết phải bắt đầu từ đâu, làm thế nào để hiệu quả nhất.
“Lúc đó tôi và người sản xuất cùng mày mò tìm trên mạng; gặp LHP là gửi, chẳng biết LHP đó ở vị trí nào, cách thức thế nào. Tôi chỉ gửi với một niềm hy vọng Cha cõng con có cơ hội nào đó ở nước ngoài thôi”, đạo diễn Lương Đình Dũng kể lại. Cũng vì lý do đó, dù được mời đến LHP danh giá Black Nights nhưng vì vi phạm quy định trình chiếu nên anh ngậm ngùi bỏ lỡ.
Thực tế, điện ảnh Việt vẫn có các bộ phim giành giải quốc tế. Hai bộ phim ra rạp gần đây là Người lắng nghe: Lời thì thầm và Đêm tối rực rỡ cũng có cho mình những giải thưởng riêng. Các phim: Maika: Cô bé từ hành tinh khác (đạo diễn Hàm Trần) hay Những đứa trẻ trong sương, Miền ký ức… cũng đã và đang tham gia nhiều LHP uy tín.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận khách quan, phim Việt chưa đủ nội lực để tranh giải trong các hạng mục chính thức ở các LHP hạng A như: Berlin, Cannes, Venice, Sudance, Lorcano, Busan, Tokyo… Trăn trở: “Điều cần làm là sự hỗ trợ dành cho các nhà làm phim mới để con đường ấy không chỉ dừng lại ở việc tìm ra, mà còn là sự khẳng định vị trí và tiếp nối” của đại diện CGV thiết nghĩ cũng là nỗi niềm chung của giới làm phim.
Việc tham dự LHP đa số phải đóng phí, có thể từ 10 USD và có khi lên đến 350 USD như tại LHP Cannes. Đạo diễn Leo Đinh thường chi trả 10-50 USD phí nộp phim, cao nhất là 125 USD. Đạo diễn Lê Bình Giang cho biết, trong một số trường hợp, những phim được giám tuyển thích và chọn thì họ sẽ gửi riêng cho mình một mã code để được miễn phí khi nộp phim. |