Được mùa Việt hóa
Những ngày cuối năm 2017, Google vừa công bố tốp 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất ở Việt Nam. Hai bộ phim truyền hình Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử lần lượt đứng ở vị trí số 3 và 5. Đây là kết quả không gây bất ngờ, bởi trong năm qua, 2 bộ phim truyền hình đình đám này đã tạo nên cơn sốt. Mỗi tập phim thu hút hàng triệu lượt xem khi được phát lại trên YouTube. Đặc biệt, có thời điểm rating cao nhất của Người phán xử đạt 19%, trong khi Sống chung với mẹ chồng là 14%. Đây là con số đáng mơ ước đối với bất kỳ nhà làm phim nào. Điều đáng nói, cả hai đều là phim Việt hóa. Người phán xử được chuyển thể từ kịch bản của Israel. Sống chung với mẹ chồng được phóng tác từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Giả Hiểu (Trung Quốc).
Liên quan đến Việt hóa, 2 thông tin mới nhất vừa được công bố cũng gây nhiều chú ý. Đầu tiên, Hãng phim truyền hình - Đài truyền hình Việt Nam (VFC) vừa lên sóng Cả một đời ân oán chuyển thể từ phim truyền hình ăn khách Cô dâu bạc triệu của lãnh thổ Đài Loan. Sau 2 tập phát sóng đầu tiên, phim nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả. Bộ phim của NSƯT Trọng Trinh quy tụ dàn diễn viên hùng hậu Hồng Đăng, Mạnh Trường, Hồng Diễm, Lan Phương, NSƯT Minh Vượng, Mạnh Cường, Mỹ Uyên… Phim cũng được ví là “bom tấn mới” của truyền hình Việt, hứa hẹn sẽ tạo nên cơn sốt như Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử.
Mới đây, nhà sản xuất BHD cũng vừa công bố thông tin sẽ Việt hóa phim ăn khách Vì sao đưa anh tới của Hàn Quốc, sẽ ra mắt khán giả vào đầu năm 2018. Đáng nói hơn, đây là phim truyền hình thứ 2 được sản xuất và phát trên các nền tảng xem phim theo yêu cầu (VOD). Trước đó, đơn vị này cũng thực hiện Glee Việt Nam, dù nhận nhiều ý kiến trái chiều, nhưng cũng có những kết quả khả quan.
Không dễ ăn khách
Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, Phó Giám đốc Hãng phim truyền hình TPHCM (TFS), từng đưa ra nhận định tại Telefilm 2017: “Thật sự, không phải bây giờ mới bắt đầu có phim Việt hóa từ kịch bản ăn khách nước ngoài. Từ 10 năm trước, phim truyền hình phía Nam đã có thời rộ lên phong trào này, nhưng lại không được đánh giá cao và cũng không mấy thành công. Hầu hết ý kiến vào thời điểm ấy đều cho rằng, kịch bản Việt hóa chưa nhuần nhuyễn, không thuần Việt, song tôi lại nghĩ vấn đề là ở tâm lý. Khán giả chưa được chuẩn bị tâm lý để xem một bộ phim kịch bản Việt hóa từ nước ngoài, vì hình thức này còn mới, quá lạ lẫm”.
Xét ở góc độ tâm lý, khán giả đã không còn đặt nặng yếu tố có phải phim Việt hóa hay không, vấn đề mấu chốt của câu chuyện nằm ở việc bộ phim đó có đủ sức hút hay không. Và để biến một kịch bản nước ngoài đã rất ăn khách, thành công trong nước không đơn giản. Đơn cử, Người phán xử mất 1 năm để chỉnh sửa kịch bản và Việt hóa 50% nội dung cho phù hợp với khán giả Việt Nam. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC, trong buổi ra mắt Cả một đời ân oán, chia sẻ, quá trình chuyển thể kịch bản để phù hợp với khán giả Việt kéo dài trong gần 4 năm. Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình chia sẻ, việc Việt hóa Glee rất khó khăn, bởi phải trau chuốt từng ngôn từ cho phù hợp với văn hóa Việt.
Nhưng, đó chưa phải tất cả. Thành công của bộ phim, sau kịch bản còn là tổng hòa các yếu tố về diễn xuất, kỹ thuật truyền hình hiện đại... Theo NSND Hoàng Dũng - diễn viên của Người phán xử, bản thân diễn viên cần đạt đến sự chuyên nghiệp, từ khâu đào tạo cho đến việc dồn toàn tâm, toàn ý cho vai diễn, bởi họ chính là linh hồn của bộ phim. Cũng bởi kỹ thuật làm phim truyền hình ngày càng thay đổi nên diễn viên cũng phải thích ứng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả.
Những Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Cả một đời ân oán... đều đang áp dụng những kỹ thuật tiên tiến bậc nhất trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình. Theo ông Hồ Trọng Hữu, Phó Giám đốc VFC, chất lượng hình ảnh phải đáp ứng được yêu cầu chuẩn HD. Về mặt âm thanh, kỹ thuật thu thanh đồng bộ là tối quan trọng, trong đó đòi hỏi yêu cầu rất cao đối với giọng nói của diễn viên. Hiện nay, sau khi ghi hình, dựng nhiều phim của VTV còn trải qua công đoạn chỉnh màu trước khi phát sóng.
Không phải bỗng dưng phim Việt hóa trở lại rầm rộ. Và cũng không phải ngẫu nhiên các phim thành công. Ở lĩnh vực điện ảnh, có hàng chục tác phẩm Việt hóa trong năm 2017, nhưng đa phần không thành công. Đã qua rồi thời “ăn xổi ở thì”, bám vào thành công của bản gốc để quảng bá bộ phim, bởi hiện nay, khán giả có quá nhiều lựa chọn và thừa sự thông minh để chọn “món ngon”. Xu hướng Việt hóa liệu có tiếp tục gây sốt trong tương lai, điều đó phụ thuộc vào cách làm tử tế, chuyên nghiệp của các nhà làm phim, bởi đánh giá cuối cùng vẫn nằm ở chất lượng phim.