Khoảng trống phim Việt
Tại Liên hoan phim quốc tế TPHCM (HIFF) năm nay, 2 trong số 3 hạng mục dự thi chính thức dành cho thể loại phim truyện gồm: Phim Đông Nam Á và Phim đầu tay hoặc thứ 2. Mỗi hạng mục được ban tổ chức lựa chọn 11 tác phẩm tranh giải từ hàng trăm phim gửi về. Đáng chú ý, trong danh sách được ban tổ chức công bố tính đến sáng ngày 3-4, không có đại diện nào của Việt Nam.
Hạng mục quan trọng nhất - Phim Đông Nam Á với 11 phim dự thi là nơi tôn vinh những tác phẩm xuất sắc nhất của điện ảnh khu vực, thúc đẩy và truyền cảm hứng cho các nhà làm phim, mở rộng hợp tác toàn cầu.
Theo đại diện ban tổ chức: “Từ một khu vực nằm ngoài radar quan sát của điện ảnh thế giới, Đông Nam Á dần trở nên thu hút giới chuyên môn. Điển hình, các liên hoan phim hàng đầu thế giới như Berlinale, Cannes, Venice hay Busan đều có giám tuyển phim dành riêng cho khu vực này. Không chỉ những tài năng điện ảnh Đông Nam Á được chú ý, khu vực này còn là thị trường điện ảnh đầy tiềm năng, thu hút đầu tư”.
Điện ảnh Việt ban đầu có bộ phim Ầu ơ ví dầu (đạo diễn: Lê Bình Giang) tranh giải. Tuy nhiên, hiện tại trên website của LHP thông tin về phim đã bị gỡ. Ban tổ chức hiện cũng chưa đưa ra thông báo lý do cụ thể phim có tiếp tục tranh giải hay không.
Hạng mục Phim đầu tay và phim thứ 2 là nơi ngợi ca những bước chân đầu tiên, mở rộng cánh cửa cho những giấc mơ và sự sáng tạo không giới hạn của các nhà làm phim. Đây không chỉ là một cuộc thi mà còn là sự khởi đầu của những hành trình điện ảnh hứa hẹn, một bước đệm vững chắc cho các nhà làm phim trên con đường sáng tạo của mình.
Ở hạng mục này có một phim của đạo diễn Việt Nam là Waiting For The Light To Change (tựa Việt: Đợi nắng đổi màu) của đạo diễn Linh Tran (Trần Lê Mỹ Linh, quê Hà Tĩnh). Tuy nhiên, bộ phim lại mang quốc tịch Mỹ tranh giải trong hạng mục này.
Hạng mục phim ngắn có hơn 20 phim ngắn tranh giải, trong đó có 3 đại diện của Việt Nam gồm: Eight Horses Chasing The Wind (Nguyễn Đức Huy), Home Is Where The Star Fruits Taste Sour (Huy Nguyễn), The House That Stays (Lê Duy Ngọc). Ngoài ra, còn có phim của các quốc gia: Nhật Bản, Thụy Điển, Chile, Anh, Mỹ, Đức, Thụy Sĩ... cùng phim của các quốc gia trong khu vực.
Sôi nổi gala phim và các hoạt động chuyên môn
Dự kiến có khoảng hơn 60 phim sẽ tham dự gala phim (phim trình chiếu, không tranh giải). Trong đó, phim mở màn là tác phẩm Boléro (đạo diễn Anne Fontaine) thuộc thể loại âm nhạc. Theo thông báo trước đó của ban tổ chức, đạo diễn và nam diễn viên chính Raphaël Personnaz sẽ xuất hiện trên thảm đỏ lễ khai mạc vào tối 6-4 tới đây. Hiện, bộ phim được trình chiếu trong lễ bế mạc chưa được ban tổ chức tiết lộ.
Hạng mục Ho Chi Minh City on Screen (TPHCM trên màn ảnh) sẽ trình chiếu các tác phẩm gồm cả cũ và mới, trong đó đáng chú ý có: Đêm tối rực rỡ và tác phẩm sẽ ra mắt từ ngày 12-4 tới đây B4S: Trước giờ yêu.
Hạng mục Cinematic Crossroads (Nơi gặp gỡ điện ảnh - tôn vinh các quốc gia, thành phố) nhằm tôn vinh sự kết nối sâu sắc giữa các thành phố, quốc gia trên toàn thế giới và Việt Nam. Năm nay, Pháp là quốc gia được tuyển chọn để tôn vinh mối liên kết đặc biệt với TPHCM. Cinematic Crossroads năm nay sẽ giới thiệu các tác phẩm với chủ đề New French Animation (Hoạt hình Pháp mới) giới thiệu các phim hoạt hình có tính nghệ thuật và cách kể chuyện độc đáo. Một số tác phẩm được lựa chọn có: Chicken for linda!, Marona’s fantastic tale, Mars express, Robot dreams.
Có 15 tác phẩm được lựa chọn vào cuộc thi Chợ dự án năm nay, dành cho các nhà làm phim từ khắp nơi trên thế giới: Malaysia, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, Singapore, Ấn Độ. Một số dự án của Việt Nam tham gia hạng mục này năm nay có: Fake Truth (Đạo diễn: Nguyễn Việt Anh), Green Valley And The Amber Marbles (Đạo diễn & Nhà sản xuất: Vũ Nguyễn Nam Khuê), The Great Lives Of My Father (Đạo diễn: Vương Hữu Danh), The Heirloom (Đạo diễn: Lê Hoàng), AGARMOON (Đạo diễn: Lê Can Trường), Bubble Era (Đạo diễn: Vũ Minh Nghĩa).
Hạng mục Vườn ươm kịch bản (Vietscript Lab) là chương trình được dẫn dắt bởi 2 đạo diễn Charlie Nguyễn và Phan Gia Nhật Linh với mục đích đem đến môi trường và mở ra cơ hội mới cho những biên kịch trẻ tiềm năng. 12 dự án xuất sắc nhất đã được lựa chọn để tham gia vào chuỗi hội thảo 1-1 cùng ban cố vấn (diễn ra từ ngày 7 - 12-4) và Vòng Thuyết trình cuối cùng trước Ban giám khảo (diễn ra vào ngày 11-4). Kết thúc chương trình, một dự án sẽ được chọn cho mỗi hạng mục kịch bản phim điện ảnh và kịch bản phim truyền hình.
Ngoài các chương trình và hạng mục nói trên, tại HIFF năm nay còn có nhiều cuộc hội thảo, trò chuyện, tọa đàm xung quanh những vấn đề nổi bật của điện ảnh TPHCM nói riêng, điện ảnh Việt và điện ảnh khu vực Đông Nam như: Điện ảnh TPHCM – Tầm nhìn và chiến lược phát triển, Tương lai của điện ảnh Đông Nam Á, Hoạt hình và kỹ xảo Việt: Cơ hội thị trường toàn cầu, Tiếp cận các quỹ làm phim quốc tế…
Các hoạt động trình chiếu, giao lưu với các đoàn phim cũng được tổ chức tại nhiều hệ thống cụm rạp của: CGV, Galaxy, BHD, Cinestar… Nhiều đạo diễn, nghệ sĩ tên tuổi như: đạo diễn Kore Eda, Kim Jee-woon, Anne Fontaine, diễn viên Raphaël Personnaz… cũng được tổ chức trong thời gian diễn ra.
LHP quốc tế TPHCM lần thứ nhất, năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 6 đến 13-4. Lễ khai mạc, bắt đầu với sự kiện thảm đỏ từ 17 giờ ngày 6-4 tại Nhà hát Thành phố và khu vực đường đi bộ Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi (quận 1, TPHCM).