2 tác phẩm điện ảnh về cùng một con người, cùng một ê-kíp sản xuất, ra mắt cùng một thời điểm là điều xưa nay hiếm với điện ảnh Việt. Cũng dễ hiểu với kho tư liệu hàng nghìn giờ quay phim, ê-kíp có lý do để cho ra đời 2 bản phim.
Đó cũng là cơ hội cho khán giả, những người dù rất yêu mến nhạc Trịnh hay chỉ biết chút ít về âm nhạc của ông có cơ hội khám phá giai đoạn cuộc đời nhiều thăng trầm nhưng cũng thăng hoa nhất. Nếu Trịnh Công Sơn là những thước phim chỉ xoay quanh về “thời thanh niên sôi nổi” của chàng Trịnh thì Em và Trịnh gần gũi hơn, với những đắm say và bối rối đời thường.
Âm nhạc thăng hoa
Là một bộ phim tiểu sử về một nhân vật có thật – một nhạc sĩ tài hoa nên âm nhạc chính là điểm nhấn đặc biệt trong cả hai tác phẩm. Âm nhạc cất tiếng vang từ những hình ảnh mở màn, rồi cuốn khán giả phiêu lãng trong thế giới của những cuộc tình dù là yêu đơn phương hay đắm say từ cả hai phía đều chất chứa đầy những hoài niệm.
Âm nhạc còn là phương tiện để người nhạc sĩ bộc bạch những nỗi lòng về thế thái, nhân tình đặc biệt về thân phận con người. Âm nhạc – tình yêu - thân phận là 3 mắt xích quan trọng được nối kết bằng sợi dây vô hình bền chặt, lay động lòng người.
Nhạc sĩ Đức Trí từng chia sẻ, từ 58 ca khúc được đề xuất, anh và ê-kíp đã chắt lọc còn 39 ca khúc được sử dụng chính thức trong phim. Với thời lượng hai bản phim dài 95 phút và 136 phút, đó là một thử thách không tưởng bởi hầu hết các sáng tác được sử dụng đều là những nhạc phẩm đã quá nổi tiếng.
Thử thách đặt ra cho ê-kíp là đồng thời khoác chiếc áo mới mà không làm mất đi linh hồn của mỗi ca khúc và kể được câu chuyện về hoàn cảnh ra đời của nó. Những lát cắt trong phim đã hoàn thành nhiệm vụ đó.
Âm nhạc của nhạc sĩ Đức Trí và Trần Hữu Tuấn Bách khớp theo từng chuyển động trên màn ảnh, dẫn dụ đầy mê hoặc với khán giả. Nó không làm nền cho câu chuyện hay mang tính minh họa. Âm nhạc chính là nhân vật trung tâm, kết nối xuyên suốt và đẩy cảm xúc khán giả qua đầy đủ các cung bậc khác nhau.
Có cái e ấp, tiếc nuối của tình đầu. Có những bâng khuâng, xao xuyến của tình đơn phương. Có những nhớ nhung, khắc khoải khi chia xa. Có những day dứt, tiếc nuối vì “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”. Có cả những đau đáu, xót xa của thời cuộc. Thật khó để bắt lỗi âm nhạc trong cả 2 bộ phim.
Một điều cũng rất thú vị, âm nhạc trong 2 bộ phim được cất tiếng hát từ chính các diễn viên. Có những người có lợi thế xuất thân là ca sĩ như: Bùi Lan Hương, Avin Lu… hay có khả năng về âm nhạc như NSUT Trần Lực, Nakatani Akari, nhưng cũng có người hoàn toàn là tay ngang như: Lan Thy, Phạm Nhật Linh…
Thế nhưng, để hóa thân thành các nhân vật họ đã vượt qua giới hạn của chính bản thân mình để vừa hát, vừa diễn và sống trọn vẹn với nhân vật. Dẫu các giọng hát ấy không giống 100% so với phiên bản đời thực nhưng chính sự tươi mới đó lại tạo nên mạch nguồn cảm xúc riêng cho khán giả.
Lại nói thêm, điều thú vị ở cả hai tác phẩm lần này đó là không bị sa đà vào thể loại tài liệu, tức là nặng về liệt kê và kể lể. Yếu tố tiểu sử và âm nhạc được cân đối khá hài hòa. Ngay cả những ai chưa biết nhiều về cuộc đời nhạc sĩ khi xem phim xong sẽ có những hình dung về những cột mốc trong cuộc đời và sáng tác của ông, từ khi ở Huế rồi lên B’lao dạy học, gặp Khánh Ly ở Đà Lạt trước khi chuyển vào Sài Gòn và đặc biệt, cơ duyên gặp gỡ với Michiko tại Paris… Những lát cắt ấy đều mang tính chọn lọc và điển hình.
Từng khung hình đậm chất thơ
5 năm chuẩn bị cùng nhiều đại cảnh trải dài từ Huế đến TP HCM xuyên suốt thời kỳ từ 1960-1990 trong suốt 65 ngày quay đặt ra vô vàn thách thức cho ê-kíp thực hiện. Hiếm có tác phẩm điện ảnh Việt nào trong nhiều năm trở lại đây có khả năng tái hiện lại từng bối cảnh chân thực như thế. Nhiều khán giả đã rất xúc động khi nhìn thấy một Sài Gòn xưa qua hình ảnh chợ Bến Thành, giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, bưu điện Cây Gõ, nhà hàng nổi 5 sao trên sông Sài Gòn...
Căn nhà của nhạc sĩ cũng chứa đầy hoài niệm. Huế với hình ảnh gác Trịnh hay căn nhà thời thanh niên của nhạc sĩ, “đường phượng bay mù không lối vào”, cầu và nhà thờ Phủ Cam, cầu Trường Tiền… cũng gợi đầy ký ức. Hay, Đà Lạt với café Tùng, trường sơ học Bảo An… đều được tính toán và dàn dựng rất công phu.
Phim chỉ nhấn nhá, không lạm dụng nhưng các toàn cảnh, đặc biệt các đại cảnh khiến khán giả mãn nhãn. Ngược lại, các cảnh đặc tả với từng chi tiết rất nhỏ như: bức phong thư, tấm vé xe lửa, những tờ nhạc nhám vàng, chiếc hộp đựng đồ của thiếu nữ Huế… đều được tính toán rất kỹ lưỡng. Nhờ phần thiết kế mỹ thuật rất công phu và ấn tượng, khán giả có cơ hội ngược dòng để thăm lại ngôi trường sơ học Bảo An, những con đường ký ức ở Huế hay Đà Lạt.
Khoảnh khắc ca sĩ Khánh Ly cởi giày hát tại quán Văn, ca sĩ Thanh Thúy hát tại phòng trà, Michiko cất lời hát Diễm xưa bằng tiếng Nhật hay nhạc sĩ hát Huyền thoại mẹ giữa những chiếc đèn pin, đèn măng xông soi rọi từ khán giả… không chỉ giàu chất điện ảnh, chất thơ. Không ít trong số đó có tính giai thoại lịch sử, gắn chặt với cuộc đời nhạc sĩ. Mỗi khung hình đều đậm chất nhạc, lời thơ.
Em và Trịnh hay Trịnh Công Sơn có hai cách kể khác nhau. Nếu Trịnh Công Sơn khá tuân thủ tuyến tính thời gian khi lần lượt khắc họa những diễn biến, biến cố những năm tháng tuổi trẻ trong cuộc đời nhạc sĩ. Thì Em và Trịnh lại là sự đan xen giữa quá khứ và thực tại. Bộ phim mở màn từ cuộc gặp gỡ với giữa Michiko và Trịnh Công Sơn trên đất Pháp khi cô tiếp cận ông để làm luận văn về âm nhạc phản chiến.
Men theo dòng ký ức ấy, những ký ức xưa được kể lại. Những năm tháng thanh xuân trong Trịnh Công Sơn được kể chi tiết, liền mạch vá khá logic thì trong Em và Trịnh lại mang tính lược tả. Do đó, nếu xem cả hai tác phẩm khán giả không tránh khỏi sự so sánh.
... cả những luyến tiếc
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh từng chia sẻ, bản dựng đầu tiên của bộ phim dài hơn 4 tiếng và sau đó phải cắt dần dần. Anh thừa nhận, bản phim cuối có thể không như mình nghĩ nhưng là sự chắt lọc, tinh túy nhất. Chọn lối kể đa tuyến nên bộ phim không tránh khỏi sự ôm đồm, đôi khi dàn trải, đặc biệt trong bản phim Em và Trịnh.
Khi phim đang lên cao trào phải đột ngột chuyển cảnh gây cảm giác hụt hẫng cho khán giả. Trong khi đó, ở bản Trịnh Công Sơn, dẫu biết việc sử dụng các tư liệu chiến tranh là chủ đích nhưng có phần lạm dụng và sự ráp nối chưa hẳn mượt mà.
Diễn xuất ở cả hai tác phẩm vừa mang đến cảm giác bất ngờ nhưng cũng còn nhiều tiếc nuối. Bùi Lan Hương thủ vai Khánh Ly hay Hoàng Hà vai Dao Ánh là hai vai diễn đáng khen ngợi nhất. Thông qua diễn xuất và đặc biệt chất giọng của Bùi Lan Hương, khán giả thấy được hình ảnh của Khánh Ly.
Trong khi đó, vai Dao Ánh cũng có không ít thuận lợi bởi đây là nàng thơ duy nhất ê-kíp tiếp cận được trong quá trình sưu tập tư liệu. Chính đạo diễn Nhật Linh thừa nhận, nhờ có cuộc gặp gỡ để nghe bà lần đầu tiên kể hết, anh và ê-kíp mới tìm ra được lời giải cho kết phim.
Avin Lu hay NSUT Trần Lực cho thấy những nỗ lực nhập vai để tròn trịa nhất có thể. Nhưng, hai vai diễn này mới chỉ dừng lại ở mức… sạch sẽ. Cái ngô nghê, si tình của chàng Trịnh thời trẻ hay sự sâu sắc, điềm đạm pha cả hóm hỉnh ở tuổi trung niên mới chỉ được thể hiện nhiều ở bề nổi.
Chất giọng “giả Huế” cũng là điểm trừ đáng tiếc. Khí chất, thần thái của nhạc sĩ là điều không dễ để cảm và thể hiện trên màn ảnh. Chưa kể, khán giả chưa thấy bước chuyển về mặt tính cách của nhân vật Trịnh Công Sơn ở hai giai đoạn cuộc đời.
Làm phim về nhân vật có thật đã khó. Làm phim về một tượng đài âm nhạc như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khó khăn gấp bội. Có thể xem có vừa là thử thách và nước cờ mạo hiểm của ê-kíp sản xuất. Dẫu còn nhiều tiếc nuối, cả hai tác phẩm vẫn xứng đáng nhận được sự đón nhận của khán giả.
Phim hiện đang có các suất chiếu sớm, từ 19g ngày 10-6 trước khi công chiếu chính thức từ ngày 17-6 tại các cụm rạp trên toàn quốc.