Từ phim ngoại
Năm 2019, khán giả Việt được thưởng thức Rocketman (tựa Việt: Người hỏa tiễn), bộ phim ca nhạc về những năm tháng ngoạn mục nhất trong cuộc đời của nam danh ca Elton John. Cùng ở thể loại phim tiểu sử ca nhạc, năm 2018, Bohemian Rhapsody (Huyền thoại ngôi sao nhạc rock) tái hiện hình ảnh ban nhạc rock huyền thoại người Anh - Queen, đặc biệt là ca sĩ chính Freddie Mercury.
Mỗi năm, ở Hollywood có không ít nhân vật có thật được tái hiện trên màn ảnh rộng: các chính trị gia, các nghệ sĩ, nhà hoạt động xã hội… Những năm gần đây, các tác phẩm tiêu biểu ở thể loại này có thể kể đến: The King’s speech (Diễn văn của nhà vua) về ông vua nói lắp George VI; Bước chân đầu tiên (First Man) về hành trình chinh phục mặt trăng trên con tàu Apollo 11 của Neil A. Armstrong; The Danish Girl (Cô gái Đan Mạch) dựa trên cuộc đời của 2 nhà họa sĩ Lili Elbe và Gerda Wegener; 12 Years a Slave (12 năm nô lệ) là câu chuyện về Solomon Northup, một người Mỹ gốc Phi ở tiểu bang New York thế kỷ 19, bị bắt làm nô lệ và cuối cùng được phóng thích; Steve Jobs kể về cuộc đời của nhà sáng tạo máy tính cá nhân và đồng sáng lập Apple; Snowden (Mật vụ Snowden) tái hiện cuộc đời của Edward Snowden, từ lúc phục vụ trong quân đội đến khi tiết lộ bí mật về chương trình do thám của NSA; Into the Wild (Vào trong hoang dã) kể một câu chuyện có thật về chuyến đi xuyên Bắc Mỹ của Christopher McCandless cùng với cuộc sống của anh ở vùng hoang dã Alaska vào đầu những năm 1990.
Dù nhiều bộ phim tiểu sử được đánh giá cao, thậm chí được vinh danh tại các giải thưởng điện ảnh lớn như Oscar, Quả cầu vàng…, nhưng trên thực tế không ít phim cũng gây tranh cãi về việc có trung thành với các câu chuyện có thật. Hầu hết các bộ phim này đều trải qua quá trình chuẩn bị lâu dài. Rocketman được chính Elton John lên kế hoạch từ trước đó 20 năm. Bohemian Rhapsody lên kế hoạch sản xuất từ năm 2010 cho đến khi kịch bản đầu tiên được hình thành vào tháng 2-2016.
Tương tự, First Man hình thành dự án từ năm 2003 và đến 2018 mới được ra mắt. Quá trình của The Danish Girl kéo dài từ năm 2004-2015. Việc lựa chọn ê kíp sản xuất, đặc biệt là diễn viên vô cùng gian khó. Một điểm chung đó là quá trình casting cho nhân vật thủ vai chính luôn cần cân bằng giữa sự tương đồng về ngoại hình và khả năng diễn xuất.
Đến phim ta
Màn ảnh Việt vừa công chiếu bộ phim Sắc đẹp dối trá, lấy cảm hứng từ chính câu chuyện đời của người đẹp chuyển giới Hương Giang Idol. Không thuộc thể loại phim tiểu sử, nhưng vì có nhiều chi tiết giống với cuộc đời của Hương Giang nên bộ phim không tránh khỏi những so sánh từ khán giả.
Trên thực tế, điện ảnh Việt từng có khá nhiều những nhân vật có thật được khắc họa trên phim và được đông đảo khán giả yêu mến, đặc biệt ở lĩnh vực truyền hình. Những Đại úy Thành Luân, người đẹp Tây Đô, chiến sĩ tình báo Tư Chung, ông cố vấn, bà cố vấn… đều là những vai diễn được xếp vào hàng kinh điển. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của quá khứ. Thời gian gần đây, đặc biệt khi điện ảnh Việt bùng nổ về số lượng, phim tiểu sử vẫn là mảnh đất cấm với hầu hết các nhà làm phim. Do đó, số lượng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết các bộ phim khai thác nhân vật lịch sử hơn là một bộ phim tiểu sử đúng nghĩa. Có thể kể đến: Long thành cầm giả ca, Tây Sơn hào kiệt, Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long, Thiên mệnh anh hùng, Thái sư Trần Thủ Độ…
Vòng eo 56 cũng từng được nhắc đến một thời gian với nguyên mẫu là cuộc đời người mẫu Ngọc Trinh. Tuy nhiên, dự án này có không ít tranh cãi. Sắp tới đây, thể loại phim tiểu sử hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả những lựa chọn mới. Em và Trịnh, bộ phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang trong quá trình ráo riết tuyển chọn diễn viên. Trưng Vương là huyền sử về 2 vị nữ vương nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, cũng đang trong quá trình chuẩn bị. Trong khi đó, ở lĩnh vực web-drama, Phượng Khấu dù thuộc thể loại dã sử, cổ trang nhưng sẽ tái hiện cuộc đời của nhân vật lịch sử có thật là Phạm Hiệu Nguyệt (tức Từ Dụ Hoàng thái hậu).
Không thể phủ nhận, phim tiểu sử luôn là thách thức không hề nhỏ. Từ việc tập hợp tư liệu, lên ý tưởng kịch bản, chọn diễn viên, bối cảnh, đạo cụ cho đến các công tác hậu kỳ đều đòi hỏi sự chỉn chu.
“Theo tôi, cần dũng cảm khi làm phim về Trịnh Công Sơn... Có thể phim chưa làm hài lòng tất cả mọi người, nhưng về sau sẽ còn những bộ phim tiếp theo bổ sung, hoàn thiện”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, nhà sản xuất dự án, từng chia sẻ.
Bộ phim này đã mất hàng năm trời tìm kiếm tư liệu với sự hỗ trợ từ phía gia đình nhạc sĩ, đồng nghiệp, người hâm mộ... Tương tự, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh tiết lộ, cô và ê kíp mất đến 3 năm để chuẩn bị dự án.
“Chúng tôi đã làm việc với nhiều giáo sư sử học, nhà nghiên cứu lịch sử... nhằm tạo nên dự án chỉn chu từ kiến trúc, trang phục, bối cảnh và câu chuyện liên quan đến Hai Bà Trưng”, cô tiết lộ.