Phim về du lịch: Bước qua vùng an toàn

Không còn thể hiện theo cách truyền thống là phóng sự, ký sự hay truyền hình thực tế, một số nhà làm phim đã mạnh dạn khai thác đề tài du lịch theo hướng mới.  

Mở đường

“Quyết định thực hiện Travel Drama Series (phim về du lịch) không đến từ tài chính mà đến từ đam mê. Chúng tôi luôn muốn thực hiện những dự án có ý nghĩa. Khi bắt đầu ngồi bàn bạc, cả ê kíp đều rất thích ý tưởng lớn: Chuyến đi chữa lành” - là chia sẻ của nhà sản xuất (NSX) Tọa độ hạnh phúc về ý tưởng thực hiện phim. Sự hào hứng của ê kíp cũng xuất phát từ thực tế, sau một khoảng thời gian dài cuộc sống mọi người “chững”, “trầm” lại vì dịch Covid-19 và du lịch Việt Nam gặp không ít khó khăn để khôi phục lại.  

Ê kíp phim Live Fully in Vietnam khảo sát bối cảnh tại Quảng Nam. Ảnh: ĐPCC
Trước đó, tổ hợp truyền thông My Vietnam cũng giới thiệu dự án Travel Drama Series Live Fully in Vietnam. Theo ông Lê Ngọc Lượng, đại diện NSX, ý tưởng thực hiện dự án này được ấp ủ từ năm 2019, nhưng phải tạm hoãn 2 năm qua. Ông cho biết: “Chúng tôi mong muốn thông qua bộ phim để viết tiếp ước mơ chinh phục trọn vẹn Việt Nam cho những người chưa thực hiện được. Ở đó sẽ có câu chuyện đầy cảm xúc về những người trẻ đam mê xê dịch, thích khám phá thế giới xung quanh và mong muốn ghi những dấu ấn đẹp cho tuổi thanh xuân của mình. Chắc chắn, phim sẽ không thiếu những cuộc phiêu lưu hấp dẫn đầy kịch tính, đưa người xem đến những nơi đẹp nhất, độc đáo nhất, thú vị nhất về cảnh quan, văn hóa, ẩm thực, con người Việt Nam...”. 


Ở mảng du lịch, khán giả đã quá quen thuộc với hình thức thể hiện dưới dạng phóng sự, ký sự hay truyền hình thực tế. Có thể kể đến những chương trình: 2 phần Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan và Robert Danhi, Dọc đường ẩm thực, Cuộc đua kỳ thú, Amazing Việt Nam… Một số phim điện ảnh cũng chỉ dừng lại ở việc góp phần quảng bá du lịch: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc, Kiều… Nói về xu hướng làm phim du lịch, ông Ngọc Lượng cho biết, sự ra đời của các Travel Drama Series sẽ tạo nên sức cộng hưởng tốt, thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch nước nhà. “Một điều cũng quan trọng không kém, qua các dự án, lòng tự hào dân tộc, kiến thức lịch sử, địa lý của các bạn trẻ Việt Nam sẽ được nâng lên ít nhiều”, ông nhấn mạnh. 

NSX Tọa độ hạnh phúc cũng cho rằng: “Đề tài du lịch trong phim không mới, nhưng sẽ còn rất nhiều ngách khác nhau để khai thác chứ không dừng lại ở cảnh đẹp hay món ăn. Du lịch kết hợp chữa lành là một ví dụ. Đây là một xu hướng phim ảnh mới sau dịch Covid-19 trên thế giới, và được thể hiện thành công qua những series nổi tiếng như Hometown Cha Cha Cha...”.  

Nhiều thách thức

Theo đạo diễn Võ Thanh Hòa, làm phim về du lịch ở thời điểm này không đơn giản. Anh cho biết: “Khó ở chỗ là mình chưa có kinh nghiệm về mảng này. Trải nghiệm của khán giả về nó cũng khác. Nếu không khéo sẽ rất giống các chương trình về du lịch, thể loại khác xa so với phim. Bên cạnh đó, còn là bài toán phân phối, phát hành”.   

Theo ê kíp Tọa độ hạnh phúc, thách thức lớn nhất trong quá trình thực hiện là thời tiết, vì 80-90% quay ngoại cảnh. Chưa kể, việc vận chuyển thiết bị hiện đại đến các địa điểm quay có địa hình hiểm hóc như đồi núi, thung lũng, hồ nước có nhiều nguy hiểm. Mỗi tập phim là 1 câu chuyện độc lập diễn ra ở những địa phương khác nhau, nên quá trình sản xuất không khác gì 6 bộ phim riêng biệt với 6 dàn diễn viên khác nhau, khối lượng công việc nặng hơn rất nhiều so với 1 series phim bình thường. Vì phát hành quốc tế không chỉ đòi hỏi cao ở chất lượng, mà còn phải cân nhắc yếu tố nội dung và văn hóa, cân bằng để khán giả quốc tế, khán giả Việt Nam và khán giả địa phương nơi đoàn phim ghi hình đều cảm thấy hài lòng khi thưởng thức những thước phim về vùng đất ấy.    

Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề vẫn nằm ở bài toán dung hòa giữa câu chuyện và các yếu tố đặc trưng của phim du lịch. Theo biên kịch Khánh Hoàng, trước hết anh muốn khán giả theo dõi câu chuyện và nhân vật trong Tọa độ hạnh phúc. “Đó không chỉ là chuyến du lịch đơn thuần. Nó còn là hành trình về tâm thức để tự chữa lành, trở thành phiên bản tốt hơn. Tính khám phá của cá nhân trong mỗi hành trình rất quan trọng. Từ câu chuyện của nhân vật, mỗi người sẽ có trải nghiệm thú vị cho riêng mình”, anh chia sẻ.  

Nhắc đến phim về du lịch, chắc chắn không thể bỏ qua hai yếu tố đặc trưng: phong cảnh và ẩm thực. Ê kíp Tọa độ hạnh phúc đã chọn 6 tỉnh, thành: TPHCM, An Giang, Hà Giang, Ninh Bình, Phú Yên, Bình Định làm điểm dừng chân. Phim sẽ khai thác du lịch trên đa góc nhìn, không chỉ thể hiện vẻ đẹp của phong cảnh và ẩm thực, mà còn tập trung khai thác yếu tố văn hóa và những câu chuyện về các món ăn hay địa điểm.

Cũng liên quan đến kịch bản, ông Ngọc Lượng cho rằng, cái khó là đội ngũ biên kịch về đề tài này khá hiếm và đòi hỏi phải có trải nghiệm thực tế. Ê kíp đã làm việc với nhiều biên kịch trong nhiều tháng, tham khảo ý kiến của khán giả trong và ngoài nước, trải nghiệm của các travel blogger… 

Tin cùng chuyên mục