Duy trì sức hút
Đang lên sóng trên VTV3, bộ phim Nước mắt loài cỏ dại (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường) và series Xin chào hạnh phúc (nhiều đạo diễn) nhận được khá nhiều phản hồi tích cực. Nếu Nước mắt loài cỏ dại lấy bối cảnh những năm 1990, xoay quanh sự thịnh - suy của một gia đình giàu có xứ Đà Lạt, thì Xin chào hạnh phúc với cấu trúc 30 phút/tập với nhiều tình huống đa dạng, trong đó đề tài gia đình được phản ánh muôn màu. Cũng trên sóng giờ vàng VTV3, 2 bộ phim Tiệm ăn dì ghẻ (đạo diễn Nguyễn Đức Hiếu - Nguyễn Thu) và Cô gái nhà người ta (đạo diễn Trịnh Lê Phong) dù không hoàn toàn là thể loại phim gia đình, nhưng cũng đề cập đến những vấn đề thời sự trong mỗi nếp nhà, từ nông thôn đến thành thị, từ giàu đến nghèo. Nói như thế để thấy, trên màn ảnh nhỏ câu chuyện gia đình chưa bao giờ thôi cuốn hút.
Theo bà Nguyễn Thị Bảo Trâm, Giám đốc Vietcomfilm, đơn vị sản xuất series Xin chào hạnh phúc: “Đề tài gia đình được khai thác nhiều hơn trong thực tế hiện nay vì gần gũi với khán giả, kịch bản dễ viết hơn. Trong khi một số đề tài khác (như hình sự), đòi hỏi biên kịch phải có các kiến thức chuyên môn nhất định”. Đạo diễn Nhâm Minh Hiền chung quan điểm: “Phim gia đình là đề tài muôn thuở với những ân, oán, tình, thù, chia ly… Khán giả yêu thích dòng phim này bởi họ thấy gần gũi, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng, những câu chuyện cuộc sống được thể hiện trên phim. Xem phim họ được thỏa mãn, được khóc, được cười cùng số phận của các nhân vật. Tôi chắc chắn dòng phim này sẽ không bao giờ mất đi, kể cả trên thế giới”.
Dù số lượng phim truyền hình bị cắt giảm khá nhiều so với thời kỳ hoàng kim, nhưng đề tài gia đình vẫn chiếm tỷ lệ không nhỏ. Cơn sốt thể loại này đã lên đến đỉnh điểm trong năm 2019 với bộ phim “quốc dân” Về nhà đi con. Một câu chuyện tưởng chừng đã quá quen thuộc, nhưng bằng cách thể hiện chân thật, sinh động đã chinh phục khán giả 2 miền. Các nhà làm phim phía Nam cũng có thể tự hào với Tiếng sét trong mưa. Trước đó, những: Gạo nếp gạo tẻ phần 1, Sống chung với mẹ chồng, Nàng dâu order, Bán chồng, Đánh cắp giấc mơ, Sống gượng, Ráng chiều ấm áp… đều là những bộ phim phản ánh đa sắc câu chuyện gia đình trên khắp các kênh sóng. Ngay sau khi bộ phim Sinh tử (NSND Khải Hưng và NSƯT Mai Hiền) kết thúc, nối sóng sẽ là Đừng bắt em phải quên (đạo diễn Vũ Minh Trí). Trong khi đó, một dự án đang trong quá trình thực hiện cũng rất được chú ý là Vua bánh mỳ phiên bản Việt (đạo diễn Nguyễn Phương Điền). Đạo diễn Nhâm Minh Hiền cũng đang thực hiện hậu kỳ phim Giọt máu vô hình đề cập đến chuyện thụ tinh nhân tạo.
Không dễ thành công
Đánh giá chung về mảng phim gia đình, hầu hết các đơn vị sản xuất, đạo diễn có nhìn nhận khá tương đồng. Theo đạo diễn Nhâm Minh Hiền, các câu chuyện đa phần gần gũi, dễ đồng cảm và mọi người trong nhà đều có thể xem, bàn tán. Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Mega GS, cũng nhấn mạnh, ở phương diện kịch bản, hầu hết các tác giả không dám hời hợt kể những câu chuyện phi lý, kém sâu sắc. Thực tế thời gian qua, một số phim như Sống gượng (NSND Phạm Nhuệ Giang) dựa trên cuộc đời của nữ nhà văn Lê Tuyết, hay Đánh cắp giấc mơ (đạo diễn Nguyễn Phương Điền) được biên kịch Mỹ Hà lấy cảm hứng từ một bài báo về câu chuyện có thật, là những điển hình.
Nhiều lợi thế, nhưng để phim gia đình thành công lại không đơn giản. Kịch bản tốt - đạo diễn giỏi - diễn viên có nghề và có tâm là công thức thành công nhận được sự đồng thuận của đa phần nhà sản xuất, đạo diễn. Một điểm chung khác, theo đạo diễn Nhâm Minh Hiền và nhà sản xuất Vũ Thị Bích Liên, từ câu chuyện đến cách thể hiện ngày càng phải chân thật hơn. “Tác giả kịch bản phải chú trọng đến những câu chuyện gần gũi hơn với khán giả để họ tin rằng, nó có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu trong cuộc sống này. Bên cạnh đó, phần bối cảnh cũng không thể qua loa mà phải được chăm chút kỹ lưỡng”, bà Bích Liên nhấn mạnh. Và, để hiện thực hóa điều đó, việc đầu tư từ khâu sáng tác kịch bản, lựa chọn ê kíp, trang thiết bị máy móc, bối cảnh và đạo cụ là điều tất yếu. Theo nhiều nhà làm phim, nếu biết kết hợp khéo léo giữa phim gia đình pha một chút hình sự, khả năng thành công càng cao hơn.