Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Hãng Phim truyền hình Việt Nam (VFC), phim chuyên biệt dành cho thanh, thiếu nhi sẽ tiếp tục thiếu vắng trong một thời gian rất dài nữa.
Hiện đang thiếu vắng trầm trọng các bộ phim dành cho khán giả nhỏ tuổi có sức hút như Đất phương Nam
° PHÓNG VIÊN: Ông có thể lý giải gì cho việc vắng bóng phim truyền hình dành cho thiếu nhi trong một thời gian dài như vậy?
° Đạo diễn ĐỖ THANH HẢI: Hoạt động sản xuất phim truyền hình hiện đa phần là phim dài tập. Thể loại phim này cần một quy trình sản xuất dài và diễn viên phải theo đoàn ít nhất từ 4-5 tháng. Như vậy rất khó để các bạn trẻ, đặc biệt là các em nhỏ có thể tham gia do vướng lịch học.
Đặc thù của xã hội Việt Nam hiện nay khó có thể tìm được nguồn diễn viên nhỏ tuổi đáp ứng yêu cầu của người làm phim. Như ở Australia, Mỹ, khi bắt tay vào thực hiện dự án phim truyền hình dành cho thiếu nhi, chẳng hạn như Cô phù thủy, Đại dương xanh…, họ phải xây dựng hợp đồng với gia đình của các diễn viên nhí cùng những điều khoản khá ngặt nghèo mà các bạn nhỏ tham gia thường phải dừng việc học của mình ở trường. Những diễn viên đó được hưởng một chế độ đào tạo, dạy học riêng và được nhà trường, xã hội chấp nhận.
Việt Nam thì không như vậy. Phụ huynh ở Việt Nam dù biết con mình đam mê nghệ thuật, mong muốn con được đóng phim nhưng tất cả đều cân nhắc lựa chọn giữa việc nghỉ học đi đóng phim hay là chỉ coi việc đóng phim là hoạt động vui chơi, thỏa mãn đam mê thôi. Từ thực tế đó, chúng tôi đã phải cân nhắc rất nhiều. Chúng ta đã có dự án dành cho thiếu nhi ở phía Nam, phía Bắc nhưng gần đây hoạt động sản xuất phim có thay đổi và chúng ta phải chấp nhận điều đó. Bù lại, chúng ta lại nở rộ nhiều gameshow và các hoạt động khác dành cho các em...
° Thay vì làm phim dài tập, những người làm phim truyền hình có tính tới việc sản xuất các phim thiếu nhi ngắn tập?
° Hiện VTV không sản xuất phim ngắn tập nữa, vì sau một thời gian thể nghiệm cho thấy đầu tư tốn kém nhưng hiệu quả lại không được như mong muốn. Tuy biết ngắn tập rất hợp để làm đề tài thiếu nhi nhưng chúng tôi đã nghĩ đến những thể loại phim phù hợp hơn, như phim tết 4 tập… thời lượng vừa đủ để mời diễn viên nhí tham gia và xây dựng kịch bản cho các em.
° Khó khăn lớn nhất để thực hiện các phim này là thiếu nguồn diễn viên nhí, kịch bản hay điều kiện sản xuất…?
° Thực ra các yếu tố này đều liên quan đến nhau. Nếu có được điều kiện sản xuất thì mới viết kịch bản và mới tìm diễn viên và ngược lại. Tình cờ, sắp tới VFC có dự án phim về gia đình và có 3 nhân vật là thiếu nhi, tuổi mới lớn là các nhân vật chính xuyên suốt dự án.
° Để đưa các em vào dự án phim này chắc hẳn không dễ dàng?
° Rất phức tạp. Phim dành cho tuổi mới lớn, dưới 18 tuổi, sau khi thử vai thì nhà sản xuất, ê kíp đoàn làm phim phải gặp trực tiếp phụ huynh để thông báo với họ về việc có một bộ phim như vậy, các em đã đến tuyển, trúng tuyển. Chúng tôi cũng phải thông báo cho bố mẹ, người bảo trợ hợp pháp của các em về điều kiện làm phim, nội dung của phim... để hai bên trao đổi. Chỉ khi gia đình chấp nhận thì chúng tôi mới có thể tiến hành.
Các bạn mới lớn, các bạn trẻ ở lứa tuổi 16-17, thường rất mong muốn thể hiện khả năng nghệ thuật, thể hiện sự tìm tòi trong việc đóng phim ảnh, ca nhạc, nghệ thuật... song phần lớn chỉ là sở thích nhất thời chứ chưa xác định là để nuôi dưỡng đam mê theo hướng chuyên nghiệp, lâu dài. Làm phim dài ngày sẽ gặp nhiều áp lực, ví dụ như theo đoàn làm phim 1-2 tuần thấy rất vui, hào hứng, nhưng đến tuần thứ 3, 4 hoặc lâu hơn là bắt đầu oải.
Như đến giờ đi quay thấy trời nắng quá, mưa gió to quá, lại nghỉ, tắt điện thoại, trong khi rất nhiều người khác đã có mặt đầy đủ ở trường quay. Chúng tôi cũng không trách được, vì các bạn ấy coi việc đóng phim là cuộc chơi vui vẻ. Nhưng rõ ràng làm phim không phải là cuộc chơi, đó là sự nghiêm túc, kỷ luật, vì phải liên quan tới nhiều thành phần. Do đó, khi các bạn trẻ tham gia, chúng tôi phải làm rất kỹ về hợp đồng.
° Đó có phải là dấu hiệu của sự thiếu hụt trong đào tạo diễn viên khi mà chỉ có trường duy nhất đào tạo, nhưng lại chỉ dành cho học sinh đã tốt nghiệp cấp 3?
° Đúng vậy, vì chỉ trường nghệ thuật, trường điện ảnh mới đào tạo diễn xuất. Đa phần các em thiếu nhi học hỏi kỹ năng diễn xuất ở các câu lạc bộ. Nhưng chủ yếu đó là hoạt động mang tính ngoại khóa, giải trí, một phần nhỏ khác là thỏa mãn đam mê. Để chuyên nghiệp cần phải được đào tạo bài bản, phải có những ràng buộc về hợp đồng để gia đình và ê kíp sản xuất phối hợp với nhau…
Chúng tôi từng gặp trường hợp đang đóng dở thì gia đình từ chối không cho con tham gia nữa với lý do cần tập trung vào học... Gặp tình huống này, đoàn làm phim biết làm thế nào, phạt hợp đồng ra sao, vì thực sự điều kiện làm phim của chúng ta hiện nay cũng không giàu có gì để có thể đưa nhau ra tòa... Đa phần hai bên phải ngồi lại để thỏa thuận, có thời gian viết lại kịch bản cho phù hợp với sự biến mất của nhân vật...
° Và điều này đồng nghĩa với việc rất lâu nữa sẽ không có phim chuyên biệt dành cho trẻ em?
° Trên thực tế đề tài thiếu nhi luôn được truyền thông cũng như phim ảnh quan tâm, vì thế chúng tôi cố gắng giải quyết bằng cách xây dựng các câu chuyện gia đình, trong đó trẻ em được đề cập tới nhưng không thể xuyên suốt để có thể đáp ứng được yêu cầu sản xuất.