Lợi đủ đường
Trong Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh, nhiều cảnh quay các nhân vật lái xe hơi được thực hiện với công nghệ phim trường ảo. Theo đạo diễn Lý Hải, nếu không nói ra, hầu hết khán giả không hề biết chúng được quay trong nhà. “Chúng tôi giảm được chi phí khá lớn so với khi quay thật, bởi không bị tác động bởi các yếu tố thời tiết cũng như chủ động được về thời gian. Bản thân diễn viên khi quay trong phim trường cũng thuận lợi hơn, diễn xuất tốt hơn. Đặc biệt là kiểm soát được các điều kiện về ánh sáng, thu âm, làm việc với diễn viên cũng dễ dàng hơn”.
Sau thử nghiệm ở Lật mặt 6, trong Lật mặt 7 đạo diễn Lý Hải tiếp tục đưa công nghệ này vào. Tuy nhiên, cảnh quay đã không thể giữ lại do thời lượng phim quá dài. “Đó là những hình ảnh tuyệt đẹp với bối cảnh đèo Khánh Lê khi 5 người con đi đón bà Hai từ viện dưỡng lão về. Phải nói tôi thực sự tiếc khi phải cắt đi phân cảnh này”, đạo diễn Lý Hải chia sẻ thêm.
Đề cập thêm về những lợi điểm, anh Trần Hoàng Hải - nhà sáng lập, CEO LumiGrade Media - đơn vị đang tập trung phát triển công nghệ này tại thị trường Việt Nam, cho biết, phim trường ảo đang thay đổi cách làm phim. Anh phân tích: “Với phim trường ảo, đoàn phim có thể quay được 5-7 địa điểm khác nhau chỉ trong một ngày, điều không thể làm được nếu quay ngoại cảnh”. Cũng theo anh Hoàng Hải, công nghệ này chỉ tốn khoảng 30%-40% so với chi phí đi quay thực tế. Bởi khi mọi thứ đều được thực hiện trong studio sẽ kiểm soát được các điều kiện về giao thông, ánh sáng, thời tiết… Ngoài 2 phần Lật mặt, đã có nhiều phim khác như Người mặt trời, Ma da… sử dụng công nghệ phim trường ảo do LumiGrade Media thực hiện, cùng rất nhiều MV ca nhạc.
Vượt qua rào cản
Theo anh Lý Minh Nhựt - CEO Công ty LED Wall Studio - đơn vị tiên phong mang công nghệ phim trường ảo về Việt Nam, từng có không ít đoàn phim đến tham khảo công nghệ này, nhưng sau đó rút lại do lo ngại không hiệu quả. “Chính vì vậy, để tạo sự tin tưởng, tôi đã mời cả đoàn phim Lật mặt 6 sang trải nghiệm, quay thử trước”, anh Lý Minh Nhựt chia sẻ. Còn theo đạo diễn Lý Hải, ban đầu anh cũng nghĩ đây là công nghệ còn quá xa lạ, giá thành chắc rất đắt đỏ, không phù hợp với điện ảnh trong nước. Phải đến khi quay thử đạt hiệu quả tốt, anh mới hoàn toàn yên tâm.
Trên thực tế, những quan ngại của các nhà làm phim với công nghệ này là điều không tránh khỏi, bởi dù có nhiều ưu việt nhưng nó vẫn còn khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam. Từ việc đầu tư phim trường, thiết bị, phần mềm hiện đại cho đến đội ngũ nhân sự trong ngành này ở Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế và có khoảng cách nhất định so với thế giới. Tuy nhiên, theo anh Hoàng Hải, yếu tố chính cản trở ở đây vẫn là làm thế nào để các nhà sản xuất, nhà đầu tư hiểu và sẵn lòng giao quyền quyết định cho các nhà làm phim. Do đó, đây đang là giai đoạn tạo niềm tin với các nhà sản xuất, nhà làm phim. Cho họ thấy công nghệ này đã và đang được thực hiện như thế nào, ưu điểm ra sao. Tại hội thảo “Bùng nổ sáng tạo cùng công nghệ phim trường ảo” vừa tổ chức tại Hà Nội và TPHCM, LumiGrade Media đã thiết lập một khu trải nghiệm thực tế công nghệ này. Khách tham dự có cơ hội nhập vai làm quay phim và diễn viên ngay trực tiếp trong phim trường ảo và kiểm chứng sản phẩm thực tế.
Để áp dụng công nghệ này vào thực tế, theo những người trong cuộc, một trong những yếu tố quan trọng nhất là giai đoạn tiền kỳ, thậm chí phải được bắt đầu từ khi xây dựng kịch bản. Đạo diễn Lý Hải yêu cầu ê kíp phải làm kịch bản phân cảnh (storyboard) hoặc ít nhất là shotlist (chỉ dẫn về việc thực hiện các cảnh quay) một cách rất chi tiết để đảm bảo hiệu quả. Anh Hoàng Hải cũng khẳng định, khâu tiền kỳ này quyết định rất lớn đến giai đoạn sản xuất cũng như sản phẩm cuối cùng. “Các cảnh quay có thật hay không, hình ảnh có mịn, có bị giả hay không… tất cả phụ thuộc vào khâu tiền kỳ này. Nhưng khi đoàn phim dành thời gian và tiền bạc nhiều hơn ở khâu này sẽ an toàn hơn nhiều”, anh Hoàng Hải nhấn mạnh.
“Trước khi có thể quay toàn bộ phim trong phim trường ảo như nước ngoài, các nhà làm phim trong nước có thể sử dụng công nghệ này trong các phân đoạn khó thực hiện ngoài thực tế. Điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian sản xuất, giảm chi phí, an toàn cho diễn viên và đạo diễn có thời gian trau chuốt diễn xuất cho diễn viên kỹ hơn. Tôi tin trong tương lai gần công nghệ này sẽ phát triển tại Việt Nam bởi nền điện ảnh của chúng ta luôn học hỏi, theo sát với thế giới”, đạo diễn Lý Hải cho biết.