Phim Tro tàn rực rỡ: Thăng hoa vụn vỡ

Sự kết hợp từ hai truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư - cây viết đậm màu sắc Nam bộ - và sự chỉn chu, khó tính của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, đã mang đến một tác phẩm ám ảnh người xem.  
Thân phận người phụ nữ đầy ám ảnh trong Tro tàn rực rỡ. Ảnh: ĐPCC
Thân phận người phụ nữ đầy ám ảnh trong Tro tàn rực rỡ. Ảnh: ĐPCC

Truyện phim kéo dài trong khoảng 2 giờ là những bi kịch nối tiếp về thân phận, tình yêu của 3 người phụ nữ với những hoàn cảnh, số phận khác nhau: Hậu (Juliet Bảo Ngọc Doling) vì một lần trót dại nên phải sống cô độc trong thứ tình yêu tuyệt vọng; Nhàn (Phương Anh Đào) những tưởng có cuộc hôn nhân đáng mơ ước, rực rỡ nhưng hóa ra thứ còn lại cuối cùng chỉ là nắm tro tàn; và Loan (NSƯT Hạnh Thúy) mang thân hình của người phụ nữ trưởng thành nhưng ký ức mãi mãi dừng lại ở tuổi 12 sau lần bị cưỡng hiếp. Tất nhiên, đan cài trong những bi kịch ấy vẫn có những phân cảnh làm mềm nhờ tuyến nhân vật của Mai Thế Hiệp hay Thạch Kim Long. Đôi khi chính sự hồn nhiên của NSƯT Hạnh Thúy cũng khiến khán giả đau đó, nhưng rồi cũng bật cười trong khoảnh khắc rất vô tư.  

Không khí miền Tây được tái hiện kỳ công trong Tro tàn rực rỡ. Hình ảnh chiếc tắc ráng trượt qua con đường rồi lại tiếp tục lướt trên mặt nước là ký ức của nhiều người dân miền Tây, nhưng là lần hiếm hoi xuất hiện trên màn ảnh rộng mang đến cảm giác thích thú cho người xem. Hình ảnh những ngôi nhà gỗ, nhà lợp lá dừa; nghề làm chuối khô; nghề đáy hàng khơi; bắt cua trong rừng đước; những món ăn đặc trưng, chuyển đồ qua những chiếc phao kéo bằng dây thừng…, cho thấy quá trình thiết kế bối cảnh vô cùng dụng công của ê kíp. Không khí sông nước như từ những trang sách của Nguyễn Ngọc Tư bước lên màn ảnh rộng rất tự nhiên, rất đời. Sự kết hợp ấy tạo nên ngôn ngữ điện ảnh đậm đặc với những nút thắt, mở đầy kịch tính, dẫn khán giả qua các mê cung cảm xúc có yêu, giận, hờn, ghen, hy vọng, thăng hoa và cả vụn vỡ. 

Cũng chính vì sự khó tính của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nên mỗi nhân vật trong phim được trao cho một ngành nghề khác nhau và việc của họ là làm sao để khán giả không thấy mình đang diễn. Bảo Ngọc đã phải tự học lái tắc ráng, làm chuối khô. Quang Tuấn mất cả tháng trời học trong những lò đốt than. Lê Công Hoàng lênh đênh trên sóng biển để học nghề đánh cá. Với bối cảnh sông nước, các diễn viên phải chấp nhận lặn lội dưới sông ngòi, kênh rạch, đầm lầy… Và có lẽ, hiếm có bộ phim nào dàn diễn viên lại đồng đều cùng nâng nhau để hoàn thành vai diễn một cách tròn trịa như thế.

Tất nhiên, Tro tàn rực rỡ vẫn có những điểm còn đáng tiếc. Sự kết hợp giữa hai tuyến nhân vật của Nhàn, Hậu và Loan đôi khi chưa thật sự bền chặt, vẫn còn những khoảng trống. Do đó, việc chuyển tiếp phân cảnh giữa hai tuyến truyện đôi lúc có cảm giác chưa thật sự mượt mà. Cũng phải thừa nhận, vì rất giàu tính ẩn dụ, đặc biệt thông qua hai hình ảnh đối lập là những ngọn lửa và dòng nước chòng chành nên việc cắt nghĩa thông điệp phim đòi hỏi khán giả phải rất dụng công. 

Tin cùng chuyên mục