Thua trên sân nhà
Doraemon: Nobita và vùng đất lý tưởng trên bầu trời thu về hơn 16,8 tỷ trong tuần khởi chiếu. Tính đến hiện tại, phim đã vượt mốc doanh thu 40 tỷ đồng và chưa hạ nhiệt. Điều đáng nói hơn, màn ra mắt của phần phim mới nhất này còn vượt mặt các bom tấn Fast X hay Nàng tiên cá. Mùa hè này, khán giả Việt tiếp tục có cơ hội thưởng thức nhiều phim hoạt hình hấp dẫn như: Bé trứng náo loạn châu Phi, Thám tử lừng danh Conan - Tàu ngầm sắt màu đen, Xứ sở các nguyên tố...
Với điện ảnh Việt, trong vòng 3 năm trở lại đây, số phim dành cho đối tượng thiếu nhi hay cả gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Gần nhất và thành công hơn cả về doanh thu có Dân chơi không sợ con rơi với hơn 45 tỷ đồng. Trước đó, Trạng Tí phiêu lưu ký hay Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác dù được đánh giá tốt cũng chỉ thu về hơn 22 tỷ đồng và 6,5 tỷ đồng.
Theo biên kịch Trần Khánh Hoàng, thất bại của một số phim như Trạng Tí phiêu lưu ký hay Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác là điều vô cùng đáng tiếc. “Các phim đều có kinh phí sản xuất cao, đòi hỏi đầu tư nhiều về mọi mặt. Tuy nhiên, việc không đạt doanh số như kỳ vọng rất khó để tạo niềm tin cho các nhà sản xuất tiếp tục phát triển thể loại này”, anh nhấn mạnh.
Trên màn ảnh nhỏ từ nhiều năm qua, bền bỉ nhất vẫn là loạt phim Cổ tích Việt Nam hay mới đây nhất là Thế giới cổ tích phát sóng đều đặn trên Truyền hình Vĩnh Long (THVL) vào chủ nhật hàng tuần.
"Theo tôi, dù gặp phải áp lực cạnh tranh với phim ngoại nhưng phim Việt Nam vẫn có vị trí riêng. Nếu làm chất lượng, kỹ lưỡng, có duyên sẽ vẫn được khán giả đón nhận và có sức hút riêng"
Bà PHAN MỘNG THÚY, Giám đốc Phương Nam phim
Khán giả quyết định
Nói về những khó khăn của thể loại phim thiếu nhi, đạo diễn Huỳnh Đông đề cập hai yếu tố: bài toán kinh phí và đầu ra. “Hầu như ai cũng thấy đầu ra cho thể loại này không được đại chúng như phim cho người lớn. Đề tài phim thiếu nhi hạn hẹp, các nhà đầu tư không mấy mặn mà. Thậm chí ngay cả khi có đề tài tốt, diễn viên tốt, chúng tôi cũng không biết tại sao khán giả Việt không đón nhận; khác hẳn các vở kịch cho thiếu nhi luôn được ưa chuộng. Các nhà làm phim khi nhận đề tài này luôn phải đắn đo, suy nghĩ và điều đó khiến họ chùn chân”, đạo diễn Huỳnh Đông chia sẻ.
Bền bỉ với dòng phim cổ tích hơn 30 năm qua, bà Phan Mộng Thúy, Giám đốc Phương Nam phim, cho biết: “Với phim dành cho người lớn có thể không thích nhưng họ vẫn sẽ theo dõi để biết diễn biến, kết cục bộ phim như thế nào. Nhưng với phim thiếu nhi, không ai có thể ép buộc các bé phải xem. Nếu không thích, các con sẽ lập tức tắt tivi. Ngược lại, các bé có thể xem lại rất nhiều lần”.
Cũng theo bà Thúy, sản xuất phim cổ tích đòi hỏi chi phí cao, quá trình làm rất cực, đặc biệt liên quan đến khâu bối cảnh. Ê kíp sản xuất ngày càng phải đi các vùng sâu, vùng xa nhưng cũng chưa chắc tìm được bối cảnh ưng ý. Bên cạnh đó, các câu chuyện cổ tích hầu như ai cũng biết nội dung, khó tạo bất ngờ. Để lôi cuốn, phụ thuộc cách kể như thế nào, hình thức thể hiện ra sao. Chưa kể, không phải truyện cổ tích nào cũng có thể làm thành phim, vì phải phù hợp với đối tượng thiếu nhi. Nhiều truyện hay nhưng đòi hỏi kinh phí sản xuất lớn cũng là trở ngại.
Hiện nay, điều kiện tiên quyết khiến các đơn vị, nhà làm phim vẫn đeo đuổi sản xuất dòng phim này là khi có sự ủng hộ từ khán giả. Biên kịch Khánh Hoàng tiết lộ, sau khi thực hiện xong Đất rừng phương Nam, anh và ê kíp cũng phải chờ sự đón nhận của khán giả để quyết định có làm phần tiếp theo hay không. Trước đây, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từng ấp ủ làm “vũ trụ cổ tích”, trong đó loạt phim về Trạng Tí dự kiến có đến 3 phần. Nhưng, với việc thất thu phòng vé ở ngay phần đầu tiên dẫn đến kế hoạch này chưa biết có thể tiếp tục không.
Theo đạo diễn Huỳnh Đông, để gỡ khó thực tế này cần sự tập trung trong thời gian dài với sự chung tay, góp sức của nhiều nhà làm phim cũng như cơ quan quản lý như Cục Điện ảnh. Đề tài này cần có sự hỗ trợ lớn của các nhà tài trợ, nhà đầu tư để có nhiều hơn các phim tốt. Anh cũng nhấn mạnh, không phải chỉ một phim thiếu nhi hay đã đủ để thay đổi cái nhìn của khán giả.