Thạch Thảo xoay quanh câu chuyện về Thạch (ca sĩ Tùng Maru) - cậu học trò hoạt bát mới chuyển từ Kon Tum về thành thị ở cùng anh trai của mình - thầy Thiết (ca sĩ Khắc Minh).
Ở trường học mới, Thạch làm quen với nhiều bạn học, và có cảm tình với Thảo (Bích Ngọc) - cô bạn xinh đẹp cùng lớp có tính cách khá kỳ lạ. Cha mất sớm, sống cùng mẹ và dượng trong biệt thự rộng lớn, Thảo mang trong mình sự u uất, đặc biệt là sau cái chết của cô bạn thân vì bị cưỡng hiếp. Nhưng dần dần, tình bạn của Thạch và các bạn học cùng lớp khiến cô mở lòng, trút đi gánh nặng để được sống đúng với lứa tuổi.
(Ảnh: Đ.P.C.C)
Về mặt tích cực, phim đã cố gắng đưa nhiều tình tiết gắn liền với đời sống học đường: trốn học, đi học muộn, cuốn “sổ tử thần” của lớp trưởng nghiêm túc, sự ganh ghét đố kỵ, mê trà sữa, tình yêu tuổi mới lớn bộc trực, tính hai mặt của mạng xã hội…
Phim cài cắm vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay đó là xâm hại tình dục, khiến Thạch Thảo dù không mới nhưng vẫn mang tính thời sự, xã hội nhất định.
Tuy nhiên, kịch bản phim chưa thật sự liền lạc, chặt chẽ và thiếu đi cao trào. Phim có mở đầu trong sáng, ấn tượng, dẫn dắt khán giả vào câu chuyện học đường nhiều màu sắc và cả những góc khuất, nhưng có phần dài dòng, đôi khi tham lam và lan man. Việc khai thác nhiều mẩu chuyện khác nhau nhưng phần chính không được tập trung kỹ lưỡng cũng dẫn đến sự dàn trải đáng tiếc.
Các tình tiết thắt - mở, cao trào diễn ra khá đơn giản, lộ rõ sự sắp đặt khiến kết thúc phim, dù là có hậu nhưng quá chóng vánh, chưa đủ sức nặng với khán giả. Đặc biệt, việc xây dựng nhân vật chưa làm bật lên tính cách, sự chuyển biến về mặt tâm lý, số phận. Chính bởi những điểm yếu về kịch bản khiến cho thông điệp và chủ đề tư tưởng của bộ phim có phần mơ hồ.
Là phim Việt đầu tiên chọn bối cảnh Kon Tum là tâm điểm, Thạch Thảo có những khung hình đẹp. Phố núi trẻ trung, giàu sức sống và đang chuyển mình với những cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn, nhà thờ gỗ, cây cầu treo, thác nước nổi tiếng hay các đặc sản canh cà đắng, cơm lam muối é… được đan cài để làm nổi bật không khí Tây Nguyên.
Hình ảnh đồi hoa thạch thảo tím trong phim, kết quả của quá trình gieo trồng nhiều tháng là điểm nhấn thú vị. Khá đáng tiếc, phần âm nhạc chưa thật sự xuất sắc và không có ca khúc nhạc phim nào tạo hiệu ứng sâu đậm cho khán giả.
Dàn diễn viên gạo cội xuất hiện trong phim: NSND Bạch Tuyết, NSƯT Hạnh Thúy, NSƯT Trương Minh Quốc Thái, Kiều Trinh, Ngọc Trinh, Tấn Thi… dù có người chỉ có 1-2 phân đoạn nhưng đã hoàn thành nhiệm vụ nâng đỡ cho các diễn viên trẻ.
Trong dàn diễn viên, điểm sáng lớn nhất thuộc về tuyến nhân vật phụ, đa phần lần đầu chạm ngõ điện ảnh. K.U.S trong vai Tùng Ú, bạn học của Thạch và Thảo có nét diễn tự nhiên cùng những câu thoại “chất”, mang đến nhiều tiếng cười và sự sảng khoái trong phim. Mai Ngô lần đầu chạm ngõ điện ảnh với vai cô tổng phụ trách cũng khiến khán giả bật cười bởi nét duyên khá “lạ”. Cậu học sinh A Rok (Anh Tú) - chàng trai của núi rừng cũng toát lên được nét diễn giản dị, mộc mạc.
Trong khi đó, bộ đôi nhân vật chính thì Tùng Maru tương đối tròn trịa, còn Bích Ngọc lại cho thấy sự gượng gạo, chưa có nhiều biến chuyển về tâm lý. Đây là nhân vật đầy sức nặng và có nhiều đất diễn để phô bày khả năng diễn xuất nếu làm tốt. Các vai diễn của Khắc Minh, nhóm tam cô nương, hay vai lớp trưởng Kiên (Lâm Văn Quốc)… cũng khá dễ chịu.
Theo tiết lộ, kinh phí sản xuất của Thạch Thảo khoảng 15 tỷ đồng, trong đó được nhà nước tài trợ 70%. Sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2014), đây là bộ phim tiếp theo được thực hiện dưới hình thức này. Chính thức ra rạp từ ngày 16-11, Thạch Thảo (gắn mác C13 - Cấm trẻ em dưới 13) hy vọng sẽ được khán giả đón nhận.