Tuy đã rời Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, nơi ông gắn bó từ lúc ra trường cho tới khi đủ tuổi hưu, song đạo diễn - NSND Nguyễn Thước vẫn tiếp tục làm phim, vẫn luôn trăn trở làm sao để phim tài liệu tiếp cận gần hơn với khán giả.
PHÓNG VIÊN: Phim tài liệu rõ ràng có sức hút rất riêng, song tới thời điểm này, số lượng phim có thể trình chiếu ngoài rạp rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phải chăng vì phim tài liệu kén khán giả?
Đạo diễn NGUYỄN THƯỚC: Tôi không cho là vậy. Việc kén khán giả hay không, phần nhiều phụ thuộc vào dân trí. Tại sao nhiều nước vẫn có những rạp riêng để chiếu phim tài liệu và vẫn tồn tại. Hay như cách đây 30 năm, khán giả từng ùn ùn kéo đến rạp để được xem Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế. Hai phim của đạo diễn Trần Văn Thủy trình chiếu đúng thời điểm trước đổi mới và có sự cộng hưởng của xã hội rất lớn. Vào thời điểm đó, chưa có phim truyện “bom tấn” nào có nguồn thu lớn như 2 phim tài liệu ấy. Hai phim được chiếu trong cùng một buổi, dài gần 100 phút, nhưng những rạp lớn ở các thành phố lớn luôn đỏ đèn đến 12 giờ đêm.
Rõ ràng sức sống, hiệu ứng của những bộ phim tài liệu khi được cộng hưởng với cuộc sống sẽ tạo nên một sức mạnh to lớn. Tất nhiên, về sau này cũng vẫn có rất nhiều phim có tác động đến cuộc sống, nhưng tôi chưa thấy bộ phim nào được như 2 phim đó. Gần đây, có Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, cách làm mới, ngôn ngữ, cách kể của nước ngoài do nhóm các bạn chuyên làm phim độc lập thực hiện, cũng được chiếu rạp và tạo được dư luận tốt. Sau đó, phim tài liệu chiếu rạp còn có Lửa Thiện Nhân, một câu chuyện rất hay và xúc động. Song cũng công bằng nhìn nhận, để phim tài liệu ra rạp cần thay đổi nhiều.
Đạo diễn có thể nói rõ hơn về những điểm cần phải thay đổi?
Trước hết phải nói, định dạng phim tài liệu trong nước hiện nay quá cũ. Trên thế giới làm phim tài liệu là phải đủ thời lượng để chiếu rạp và độ dài thường 60-70 phút trở lên. Nhưng phim tài liệu trong nước từ nhiều năm nay vẫn giữ thời lượng khoảng 28-30 phút, rất ít phim dài hơi. Nay có một số bạn trẻ chịu khó làm phim dài nhưng để giữ được người xem chú ý theo dõi mạch phim 50-60 phút là cả một vấn đề. Chúng ta có một số phim dài nhưng vẫn mang hơi hướng của phim ngắn kéo dài. Phim dài đích thực thì format phải khác, cách khai thác, ngôn ngữ phải khác.
Chiến tranh đã lùi xa 45 năm và hiện có luồng quan điểm cho rằng, đề tài chiến tranh đã cũ, nhàm chán; rằng đừng làm phim về chiến tranh nữa…
Tất nhiên, theo tôi đó là suy nghĩ nông nổi. Chúng ta còn phải tiếp tục làm phim về chiến tranh. Vấn đề là anh nhìn từ góc nào. Ví dụ như phim Đất tổ quê cha, đã rất thành công khi khai thác một góc nhìn rất khác về chiến tranh. Trong những năm chiến tranh, có một dòng lính trẻ từ Bắc vào Nam và sau 30-40 năm, lại có dòng những bạn trẻ lúc này đã ngoài 30 tuổi, trở lại ra Bắc tìm cha. Những năm tháng đó là như vậy. Có người biết, có người không biết, và khi đứa con ra Bắc tìm lại họ, họ vô cùng ngỡ ngàng. Cũng có người biết, nhưng vì cuộc sống, vì có gia đình mới, người ta cũng không muốn xới lên. Bộ phim kể về câu chuyện đó, một tứ hay, một góc nhìn khác... Gần đây có phim Những người lính sinh viên, đó cũng là một góc nhìn khác về chiến tranh, được khai thác tốt.
Trong Hồi ký của Nguyễn Cao Kỳ có một câu tôi tâm đắc: Người Mỹ đã cố thắng người Việt trong cuộc chiến này, nhưng việc đó đã không xảy ra và sẽ không bao giờ xảy ra, bởi 2 dân tộc này quá khác nhau về quan điểm triết học.
Mỹ và nhiều nước khác vẫn tiếp tục làm phim về chiến tranh. Người Mỹ vẫn tiếp tục làm phim về cuộc chiến Việt Nam. Tôi nghĩ, nhiều năm nữa, chúng ta vẫn phải làm phim về các cuộc chiến của chúng ta. Vấn đề là tiếp cận ở góc nhìn nào.