Phim tài liệu trong hành trình chinh phục khán giả

Những nhà làm phim tài liệu phải “ăn dầm nằm dề” tại hiện trường, hay đi theo nhân vật trong nhiều năm để lột tả hết sự tự nhiên, chân thực của tác phẩm. Sự đầu tư về công sức không hề nhỏ để tạo ra sản phẩm chất lượng.
Đoàn phim tài liệu “Hồ Chí Minh - Con đường phía trước” đang thực hiện cảnh quay tại Nga
Đoàn phim tài liệu “Hồ Chí Minh - Con đường phía trước” đang thực hiện cảnh quay tại Nga

Phim tài liệu mặc dù là một thể loại khá đặc biệt nhưng từ lâu đã có chỗ đứng rất riêng trong lòng người yêu thích môn nghệ thuật thứ 7. Nhà làm phim tài liệu nổi tiếng người Chile, Patricio Guzman từng nói: “Một quốc gia không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album ảnh". Quả thật, phim tài liệu được ví như người ghi chép sự thật. Không diễn viên, không dàn dựng, không hư cấu, những người làm phim tài liệu luôn có mặt ở "điểm nóng" để kể lại câu chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh.

Trước đây, từng có nhiều phim tài liệu giá trị và ghi dấu ấn trong lòng công chúng, như "Chuyện tử tế", "Hà Nội trong mắt ai", "Trở lại Ngư Thủy", "Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai", "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng"... Ngày nay, một thế hệ làm phim mới sáng tạo, đam mê, nhiệt huyết cũng đã gặt hái được nhiều thành công, điển hình mới đây nhất là bộ phim "Ranh giới" kể về hành trình giành giật sự sống của các thiên thần áo trắng cho những sản phụ bị mắc Covid-19 nặng. Ngày tháng chiến đấu sinh tử đó được đội ngũ làm phim ghi lại trong tâm dịch đã gây xúc động mạnh mẽ cho người xem.

Hay như bộ phim “Những đứa bé trong sương” của Hà Lệ Diễm vinh dự được trao giải thưởng "Ðạo diễn xuất sắc nhất" ở hạng mục Tranh giải quốc tế của Liên hoan Phim tài liệu quốc tế Amsterdam 2021.

Những nhà làm phim tài liệu phải “ăn dầm nằm dề” tại hiện trường, hay đi theo nhân vật hàng năm trời để lột tả hết sự tự nhiên, chân thực của tác phẩm. Sự đầu tư về công sức không hề nhỏ để tạo ra sản phẩm chất lượng.

Tuy nhiên, thực hiện một bộ phim tài liệu không chỉ đòi hỏi về thời gian, công sức mà vấn đề lớn nhất chính là kinh phí sản xuất. Phim tài liệu ít thu lại tiền quảng cáo, tiền vé như các phim truyền hình hay điện ảnh, nhưng không thể làm phim tài liệu nếu không có kinh phí, hoặc kinh phí quá hạn hẹp. Đó cũng là bài toán đau đầu cho cả các hãng phim nhà nước và các nhà làm phim độc lập hiện nay.

Trước những khó khăn chung đó, Hãng phim Truyền hình TPHCM (TFS) vẫn âm thầm bền bỉ sản xuất nhiều bộ phim hay phục vụ khán giả truyền hình.

TFS là thương hiệu lớn về phim ảnh, truyền hình phía Nam. Hơn 30 năm hình thành và phát triển, TFS đã có hàng ngàn tập phim tài liệu, phim truyền hình ghi dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng.

Nếu nói về dòng phim tài liệu thì TFS là “anh cả” và cũng là người dẫn đầu cho thể loại này ở Nam bộ. Năm 2006, “Mekong ký sự” ra mắt, từng được xem là hiện tượng của thể loại "discovery", thành công vang dội, tạo tiếng vang lớn trong công chúng lúc bấy giờ. Tiếp theo thành công đó, TFS có thêm những "Hành trình theo chân Bác", "Ký sự hỏa xa", "Ký sự Amazon", "Huyền bí sông Hằng", "Bên dòng Mississippi"…

Bên cạnh đó, nhiều bộ phim tài liệu khác cũng ghi đậm dấu ấn cá nhân, khắc hoạ những giá trị văn hoá, ca ngợi vùng đất, con người Việt Nam, như: "Khi đàn sếu trở về", "Người khơi nguồn nước", "Những người gác rừng", "Qua những dòng kênh đen", "Ra biển lớn", "Thành phố trẻ", "Trở về từ trăm năm", "Gìn giữ dòng tranh xưa", "Ở đó là biên cương", "Thành phố giao thương", "Người thành phố"…

Đoàn phim tài liệu “Hồ Chí Minh - Con đường phía trước” trong một cảnh quay

Đoàn phim tài liệu “Hồ Chí Minh - Con đường phía trước” trong một cảnh quay

Giờ đây, trong lúc thị trường phim ảnh cả nước đang gặp nhiều khó khăn, nhất là dòng phim tài liệu đang chật vật tìm chỗ đứng trong lòng công chúng, lẫn trong giờ vàng phát sóng, nhưng với nhiệm vụ và sứ mệnh của mình, TFS vẫn đều đặn lên sóng những bộ phim chất lượng phục vụ khán giả truyền hình.

Nối tiếp thành công chuỗi series ký sự “Hành trình theo chân Bác” và “Hồ Chí Minh - Một hành trình”, lần theo dấu chân của Bác năm xưa, khi Người có hơn 30 năm bôn ba hải ngoại, TFS tiếp tục thực hiện bộ phim tài liệu “Hồ Chí Minh - Con đường phía trước” dài 2 tập. Bộ phim “giải mã” hành trình lần đầu Bác đến Liên Xô. Bộ phim vừa lên sóng trên kênh HTV 9 cho thấy sự đầu tư chỉnh chu của ekip làm phim và TFS.

Đặc biệt, trong những tháng ngày lịch sử thì những thước phim tài liệu quý bỗng trở nên càng quý giá hơn rất nhiều, bởi nó không chỉ đơn thuần mang giá trị của điện ảnh mà còn mang giá trị của dân tộc, của lòng yêu nước.

Trong tương lai, với nhiều đề tài đang tiếp tục triển khai, nhất là đề tài về chiến tranh cách mạng, TFS kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo ra những thước phim sáng tạo, có giá trị nghệ thuật cao, giúp người xem đi ngược dòng lịch sử để quan sát, để sống lại những hồi ức đẹp đẽ, bi tráng của cha ông ta.

Tin cùng chuyên mục