Bộ phim được lấy cảm hứng từ ý chí và tinh thần của con người vùng đất phương Nam xưa, giàu nghị lực, đã chiến đấu và vươn lên trên mảnh đất này để sinh tồn và tạo dựng cơ ngơi trù phú. Câu chuyện trong Ra biển lớn là sự kết nối của mạch ngầm từ ý chí sống, từ nghị lực mang tính nguồn cội. Ở đó, câu chuyện chung được kể lồng ghép trong những câu chuyện riêng về những con người cụ thể. Họ được sinh trưởng hoặc hội tụ từ nhiều nơi về mảnh đất này và đã để lại những dấu ấn đậm nét. 5 câu chuyện trong chương trình biểu trưng cho ý chí, nghị lực, khát vọng vươn xa.
Đó là câu chuyện về doanh nhân Trương Văn Bền, người sáng lập thương hiệu xà bông Cô Ba được yêu thích qua gần trăm năm. Câu chuyện về “người đi xây tổ”, bà Nguyễn Thị Nghĩa, nữ doanh nhân được trui rèn từ “lửa đỏ” đã dẫn dắt “con tàu” kinh thương của Liên hiệp Hợp tác xã TPHCM trước thềm đổi mới. Vị giáo sư đáng kính Đặng Lương Mô, người suốt 40 năm với mong muốn được trở về quê hương để gầy dựng ngành vi mạch mang thương hiệu Việt Nam. Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Chí Cường, bàn tay vàng trong ngành can thiệp đột quỵ mạch máu não. Và, Tiến sĩ Lương Việt Quốc - CEO sáng lập hãng máy bay không người lái phi quân sự, với câu chuyện lay động về nghị lực và ý chí chắp cánh cho những ước mơ được bay cao.
Với mục tiêu thu hút và truyền cảm hứng đến khán giả trẻ, Ra biển lớn được TFS tin tưởng giao cho đội ngũ làm phim trẻ. Đây cũng là lần đầu tiên TFS thể nghiệm dạng phim tài liệu nghệ thuật. Theo đạo diễn Hồ Thanh Tuấn, để đem lại những hình ảnh chân thực nhất về Chợ Lớn, thương cảng sầm uất bậc nhất Nam kỳ lục tỉnh đầu thế kỷ 20, ê kíp và hãng phim quyết định dàn dựng lại bối cảnh trên. Khung cảnh bến Bình Đông “trên bến dưới thuyền” (quận 6 và 8, TPHCM) đã được tái hiện lại. Đạo diễn Hồ Thanh Tuấn khẳng định, đó là quyết định đầu tư đầy táo bạo.
Theo họa sĩ thiết kế Lê Cương, đây là công việc khó khăn, vì từ đạo cụ đến chất liệu phải làm sao thể hiện cho đúng. “Ghe thuyền không còn mẫu như trong các tư liệu hình ảnh còn lưu giữ. Chúng tôi phải làm mui giả để che đi chất liệu đương đại. Trên bờ, phải tái tạo sao cho có sự sống, nhộn nhịp với hình ảnh những người khuân vác gạo để tạo cảm giác hòa quyện giữa con người với thiên nhiên”, họa sĩ Lê Cương chia sẻ.
Ra biển lớn đánh dấu bước chuyển mình trong cách thực hiện phim tài liệu mới. Phim kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật, thế mạnh về đồ họa và kỹ xảo, đồng thời duy trì hình thức sân khấu hóa. Khó khăn về bối cảnh là vậy nhưng ê kíp tự tin việc sử dụng kỹ xảo hiện đại mang đến cảm giác chân thực, thú vị, mới mẻ để khán giả hiểu hơn về Sài Gòn xưa. Theo tiết lộ của ê kíp làm phim, một phông xanh với kích thước hơn 100m2 được căng ra trên một đoạn cuối của Kênh Tẻ ngay tại TPHCM để phục vụ cho thể hiện kỹ xảo.
70 phút phim tài liệu Ra biển lớn hứa hẹn khiến khán giả ngạc nhiên, thích thú, cảm phục tài năng, bản lĩnh của người Sài Gòn xưa và ngưỡng mộ, thán phục về nghị lực, nỗ lực của con người TPHCM hôm nay. Phim sẽ được phát sóng vào đúng ngày 30-4-2020 trên kênh HTV9.