Theo dự kiến, phim Separated của đạo diễn Errol Morris, một góc nhìn về chính sách nhập cư của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump tại biên giới Mỹ, sẽ ra mắt ở liên hoan phim (LHP) Venice (diễn ra từ ngày 28-8 đến 7-9).
Các phim tài liệu về Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, kiểm soát súng và chủ nghĩa bài Do Thái cũng đang được thực hiện và có thể sẽ ra mắt tại các LHP mùa thu. Ngoài ra, còn có tin một bộ phim tài liệu tập trung vào ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Kamala Harris đang được thực hiện.
Tuy nhiên, tạp chí Variety cho biết việc phân phối những bộ phim này lại không dễ. Trước đây, các bộ phim tài liệu chính trị như Fahrenheit 9/11 của Michael Moore và All In: The Fight for Democracy của Amazon Prime Video năm 2020, do Liz Garbus và Lisa Cortés đạo diễn gây tiếng vang nhưng nay, tình hình đã khác. Những năm gần đây, Apple TV+, Netflix, Disney và Amazon không mặn mà với các bộ phim chính trị mà thiên về ủng hộ các phim tài liệu thương mại, thể thao, người nổi tiếng và tội phạm có thật.
Trong số những bộ phim bị bỏ quên có Adrift của Rory Kennedy, được công chiếu lần đầu tiên vào năm ngoái tại LHP Mill Valley và nhận được phản hồi nồng nhiệt. Đến nay, phim về cuộc khủng hoảng người tị nạn toàn cầu này vẫn chưa tìm được nhà phân phối.
Kennedy, vốn xuất thân từ một gia đình chính trị lâu đời và từng được đề cử giải Oscar cho phim Last Days in Vietnam, cho biết: “Chúng tôi đã nghĩ, làm sao để đưa bộ phim này ra ngoài? Mọi người cần phải xem nó… Chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ, quay ở nhiều quốc gia. Phải mất rất nhiều thời gian để chỉnh sửa và giờ thì rất khó để thu hút sự chú ý”. “Thật bực bội”, Kennedy thừa nhận.
Trong khi đó, Alex Gibney, người có bề dày kinh nghiệm trong việc xử lý các chủ đề đầy thách thức và năm ngoái đã bán cho HBO bản quyền phát trực tuyến trong nước bộ phim tài liệu sắp ra mắt về Elon Musk, phản bác lại quan điểm cho rằng người xem không quan tâm đến các phim chính trị.
“Khán giả muốn những thứ này, nhưng vì một lý do nào đó, chúng ta đang sống trong thời điểm mà các dịch vụ toàn cầu không muốn phát sóng những chương trình có khả năng gây phẫn nộ hoặc xúc phạm”, Alex Gibney nói.
Hồi tháng 3, bộ phim về xung đột Ukraine 20 Days in Mariupol của Frontline đã giành giải Oscar cho phim tài liệu hay nhất. Cho đến nay, bộ phim đã có 3,8 triệu lượt xem trên tất cả các nền tảng, bao gồm cả người xem YouTube theo thỏa thuận nhiều năm của PBS với gã khổng lồ phát trực tuyến.
Hay Democracy on Trial, một phim khác của Frontline điều tra nguồn gốc của các vụ án hình sự chống lại cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump được xem nhiều nhất là Amazon Empire: The Rise and Reign of Jeff Bezos, ra mắt vào đầu năm 2020. Cho đến nay, bộ phim dài 114 phút này đã thu hút được 39,6 triệu lượt xem. Ngược lại, Union, một bộ phim tài liệu của Sundance năm 2024 kể về nỗ lực của một nhóm công nhân thành lập công đoàn cho các nhân viên Amazon làm việc tại một cơ sở ở Staten Island, New York cũng vẫn chưa được phân phối.
Nhìn chung, thị trường phim chiếu rạp đang là thách thức lớn đối với các bộ phim tài liệu nghiêm túc. "Các dịch vụ phát trực tuyến không muốn động đến những thứ mang đậm nét chính trị vì nhiều lý do, trong đó có kiểm duyệt và cả chuyển dịch quảng cáo”, Bruce Newman, người sáng lập Sub-Genre, một công ty tư vấn chiến lược truyền thông, cho biết.
Nhưng bất chấp tình hình khó khăn, các nhà làm phim vẫn cam kết làm phim tài liệu về các vấn đề thời sự. Ngoài Frontline, HBO, CNN Films và MSNBC Films cũng đang lên kế hoạch sản xuất các phim tài liệu chính trị phi hư cấu trong thời gian tới.