Chỉn chu và mực thước là điều đầu tiên có thể cảm nhận được từ Song lang. Khung cảnh đầu tiên hiện trên màn ảnh, TPHCM thập niên 80 của thế kỷ trước như được sống dậy một cách trọn vẹn. Những người đã từng sinh ra, từng lớn lên vào thời kỳ đó chắc hẳn sẽ tìm thấy bóng dáng của mình trong phim.
Đó là những khu phố cũ kỹ, những tòa nhà loang lổ, chằng chịt dây điện với những chiếc loa phát thanh, ban ngày rè rè tiếng của những ca khúc thời kỳ đổi mới, nhưng ban đêm, trong từng khu phố nhỏ, từng nếp nhà là nhạc bolero, cải lương. Đó là tiệm băng đĩa với những băng video Xóm vắng - phim bộ Đài Loan nổi tiếng thời đó, băng cassette, ảnh lịch của Diễm Hương, Lý Thu Thảo; chiếc tủ gạc-măng-rê...
Và không thể thiếu những rạp hát cải lương khi sáng đèn lúc nào cũng chật cứng người đến mua vé. Khán giả xếp hàng dài đợi để gặp gỡ, tặng bông cho nghệ sĩ sau mỗi suất diễn. Một không khí vàng vọt, náo nhiệt đấy, nhưng thoáng chút cô đơn.
Đạo diễn Leon Lê và ê kíp đã rất kỹ tính khi chọn từng đạo cụ, chăm chút từng chi tiết nhỏ. Một TPHCM gần như vẹn nguyên, như từ ký ức bước ra để khơi gợi lại những ngày cũ. Song lang đã dẫn dụ người xem lạc vào trong đó.
Câu chuyện của Song lang lấy cải lương là nhân vật trung tâm. Một cậu bé quê nghèo vì mê cải lương nên mỗi lần được đi nghe hát thường lén nhặt những hạt kim sa cất riêng như báu vật và chỉ mong lớn lên được theo nghề hát. Chính cậu sau này đã trở thành kép chính Linh Phụng.
Một cậu bé khác, sinh ra trong gia đình có truyền thống cải lương nhưng vì sự đổ vỡ tình thân đã khép chặt niềm đam mê và sau này trở thành một tay giang hồ chuyên đi đòi nợ thuê.
Trong Song lang còn có một chủ kép hát sẵn sàng đi mượn nợ để dựng vở mới, một ông thầy lão luyện nghề, một bà cụ chăm chút từng trang phục cho diễn viên và những người nhắc vở với tiếng vọng từ cánh gà. Rồi khi tấm màn sân khấu mở ra, người nghệ sĩ hóa thân trọn vẹn vào từng vai diễn. Dưới hàng ghế, khán giả chăm chú dõi theo, những giọt nước mắt đồng cảm tuôn rơi. Màn nhung khép lại, những tiếng vỗ tay không ngớt.
Cải lương chính là mạch ngầm nối kết những mảnh đời ấy. Người đời trân quý kép hát và cũng khinh khi cái nghề gọi là nghề “xướng ca vô loài” - đó là chuyện đời cải lương.
Song lang có phải là một bộ phim đồng tính nam, một Bá vương biệt cơ phiên bản Việt như đồn đoán? Điều đó phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Hai nhân vật chính kép hát Linh Phụng và tay đòi nợ thuê Dũng Thiên Lôi gặp nhau trong tình huống trớ trêu: Một người trên hành trình đi tìm thiện lương, một người đang chơi vơi giữa thánh đường nghệ thuật và sự nghiệt ngã của cuộc đời. Đó dường như là sự sắp đặt của số phận. Nghịch cảnh đã cho hai con người khác biệt ấy gặp nhau và tạo nên một mối tương phùng. Một đêm không dài nhưng cũng đủ để họ tìm thấy sự đồng điệu của những tâm hồn nghệ sĩ.
Câu hát cuối cùng của Linh Phụng trong bản ca mà cha Dũng Thiên Lôi viết năm nào, nức nở và đầy thấu cảm. Mối tình được cho là đồng tính nam ấy chỉ có những lời thoại giật cục, những ánh mắt vội, chẳng có sự đụng chạm nào, nhưng đầy rạo rực. Cả hai dường như có một sợi dây liên kết vô hình để cảm nhận được hạnh phúc, đau đớn mà nửa còn lại trải qua. Giọt nước mắt lăn dài trên má Linh Phụng cũng chính là giây phút thăng hoa, bởi lúc đó, sân khấu và cuộc đời đã quyện hòa làm một.
Chỉ có hơn một tháng học hát cải lương, Isaac trong vai Linh Phụng đã tự thể hiện toàn bộ phần ca của mình trong phim. Chưa thể đạt đến tuyệt kỹ vì có người thậm chí học cả đời cũng không thể hát mùi mẫn, nhưng nỗ lực của Isaac rất đáng khen ngợi, đó thực sự là bước ngoặt trong sự nghiệp diễn xuất của anh.
Còn vai diễn của Liên Bỉnh Phát thì đầy tính phát hiện. Nó đã giúp điện ảnh Việt tìm thấy một nhân tố mới. Phát chính là một Dũng Thiên Lôi bất cần, bặm trợn, giang hồ, nhưng thẳm sâu bên trong chính là chữ tình. Bộ đôi nam chính đã không làm khán giả thất vọng.
Bên cạnh họ còn có tuyến nhân vật phụ của nghệ sĩ Kim Phượng, mẹ con Kiều Trinh - Thanh Tú... rất tròn trịa vai.
Nhiều người mong Song lang có một kết thúc khác. Chính nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, nhìn từ quan điểm của một người kinh doanh, cũng đã đấu tranh kịch liệt cho chính kiến của mình, nhưng rồi thất bại. Leon Lê đã bảo vệ đứa con tinh thần trong tác phẩm đầu tay của mình một cách vẹn nguyên. Chính điều đó đã tạo nên một Song lang đầy ám ảnh. Cuộc đời có vay có trả, có mất mát, đau thương nhưng ở đó cũng có sự thăng hoa, nhất là khi con người ta tìm thấy bản ngã đích thực của mình.