Nói Ống kính sát nhân là món lạ là bởi giữa dòng chảy phim trẻ ngập tràn màn ảnh rộng, việc xuất hiện một bộ phim với đề tài, câu chuyện, thể loại rất riêng biệt, rõ ràng là cuộc ngược dòng. Một đạo diễn 9X như Nguyễn Hữu Hoàng quyết định dấn thân ngay trong lần đầu chạm ngõ điện ảnh cũng là một trường hợp lạ. Và một chàng “soái ca” (Hứa Vĩ Văn), một tiểu thư (Diễm My 9X), hay kiểu tưng tửng (Khương Ngọc) cũng có những vai diễn “thoát xác”. Ba cái lạ đó khiến Ống kính sát nhân trở nên đặc biệt.
Truyện phim xoay quanh K - thanh tra sáng giá nhất ở đồn cảnh sát, một con người đầy mẫn cán, say mê - gián tiếp gây ra cái chết hy hữu cho một nữ đồng nghiệp, rồi bị ám ảnh. Anh không có cơ hội thụ lý vụ án vợ chồng nghệ sĩ Liên Hoa bị mưu sát. Câu chuyện rẽ hướng khi K tiếp nhận hàng loạt thông tin về những vụ bắt cóc trẻ em bí ẩn và quyết tâm tìm ra chân tướng sự việc.
Ống kính sát nhân gây cảm giác rờn rợn bởi một màu u ám trải dài đến 99% bối cảnh phim. Từ hình ảnh thị trấn chìm trong sương mù u tịch, những góc phố đêm mưa đèn vàng vọt, những ngôi nhà lạnh lẽo và đặc biệt là ngôi nhà, địa điểm hành động của kẻ chủ mưu. Từng góc máy được chăm chút, đặc tả, đặt để rất kỹ lưỡng cho thấy sự tính toán tỉ mỉ của ê kíp thực hiện. Cái u ám đó đẩy khán giả vào tâm thế thưởng thức phim trong nơm nớp lo sợ, nhiều khi giật mình thảng thốt. Một cách làm có chủ đích và ít nhiều đã thành công.
Khương Ngọc có vai diễn ấn tượng - một nhân vật có số phận, tính cách rõ ràng nhất. “Tôi đã tự cô lập mình và sống như một người tự kỷ để hiểu nhân vật hơn”, chia sẻ của Khương Ngọc là những nỗ lực đáng trân trọng. Một chút tỉnh táo để điều khiển tốt hơn chiều sâu tâm lý sẽ khiến nhân vật phản diện này đạt đến sự thăng hoa.
Phim tâm lý tội phạm hình sự không mới ở Hollywood nhưng ở Việt Nam, nó vẫn là cánh cửa quá hẹp, ít ai dám mạo hiểm bước qua. Do đó, không nên so sánh, bởi nó sẽ luôn là sự khiên cưỡng. Tuy nhiên, điều khá đáng tiếc là đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Hoàng và ê kíp dường như có phần tham lam. Không thể phủ nhận phim có ý tưởng và sự sáng tạo, nhưng việc bày biện quá nhiều chi tiết, trong khi sự nối kết và cách giải quyết vấn đề đôi khi chưa đủ mạch lạc, thậm chí có chi tiết còn rối rắm, phi lý, vô tình làm giảm đi sự chú ý. Mặt khác, việc cố tình tạo nên kịch bản dễ đoán nhưng chưa đủ khôn ngoan và cao tay trong xử lý tình huống khiến phim mất đi sự bất ngờ, kịch tính.
Thành hay bại của bộ phim, giờ quyền quyết định thuộc về khán giả, đặc biệt trong bối cảnh phim được gắn mác C18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi).