“Quyết định của hội đồng là chính xác”
Việc phim Vị “từ bỏ” quốc tịch, do không được phép phổ biến tại Việt Nam vì “không phù hợp với văn hóa” khiến dư luận ồn ào những ngày qua. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho rằng, các nhà sản xuất có thể sử dụng tới quyền hồi tố, có Luật Khiếu nại tố cáo để yêu cầu xem xét lại các quyết định về tác phẩm của mình. Cụ thể, nếu đơn vị sản xuất đưa đơn lên tòa, tòa sẽ thẩm tra và xử lý. “Ở góc độ cơ quan quản lý ngành điện ảnh, tôi khẳng định, quyết định hoàn toàn chính xác, không có gì băn khoăn cả”, ông Vi Kiến Thành cho biết.
Rõ ràng, xung đột giữa cơ quan quản lý và nhà sản xuất sẽ còn dài. Nghệ sĩ bao giờ cũng muốn sự tự do tuyệt đối trong sáng tạo; nhà quản lý thì phải theo luật, các văn bản hướng dẫn và quan điểm, tiêu chí của Nhà nước, của chính thể. Ông Vi Kiến Thành nói thêm: “Nghệ thuật không phải là toán học, không rõ ràng những con số. Mỗi nghệ sĩ, chuyên gia có quan điểm, nhận thức và đánh giá khác nhau. Vì vậy, ở bất cứ quốc gia nào thì nghệ thuật cũng đều phải cần có hội đồng để dung hòa mọi sự khác nhau đó. Có ý kiến cho rằng, hội đồng yêu cầu sửa, cắt phim vì có những yếu tố không phù hợp là vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ. Nhưng cần hiểu thế nào là can thiệp vào tác phẩm, nếu tác phẩm đó do cá nhân sáng tác và sử dụng một mình thì không ai ý kiến. Khi đưa ra xã hội thì phải tuân thủ quy định luật pháp để phổ biến. Hội đồng chỉ có ý kiến khi tác phẩm phổ biến ra ngoài xã hội”.
Cần nói thêm, khi thẩm định phim Vị, Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện chỉ có một thành viên duy nhất đề nghị xem xét phổ biến phim này ở phạm vi hẹp, phục vụ các nhà chuyên môn, còn lại đều nhất trí không phổ biến. Sau đó, Cục Điện ảnh tổ chức chiếu phim, mời các chuyên gia tư vấn ngoài hội đồng đến xem và cho ý kiến. 100% hội đồng tư vấn nhất trí không phổ biến phim Vị ở Việt Nam. Khi đó, Cục Điện ảnh mới ra quyết định không cho phổ biến.
Có nên thành lập hội đồng chuyên biệt?
Theo Cục Điện ảnh, từ trước đến nay, việc cấm phổ biến phim tại Việt Nam là rất ít, chỉ khoảng 5-6 phim và đều dựa trên cơ sở Luật Điện ảnh 2006.
Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh, trước những bất cập nảy sinh của Luật Điện ảnh, dự thảo luật lần này chỉ đang theo hướng cụ thể hơn, chứ không thêm nội dung cấm gì mới. “Tôi hiểu rằng các nhà làm phim đều mong muốn có một luật quy định chi tiết, cụ thể, đó là mong muốn phù hợp của các nghệ sĩ cũng như của ban soạn thảo. Nhưng nói thì dễ, cụ thể trong luật lại không dễ. Quy định cụ thể này có thể giải quyết được vấn đề của một dự án phim, nhưng với phim khác lại sẽ là bất hợp lý”, ông Vi Kiến Thành lý giải.
Cũng cần nói rõ, việc chính của các hội đồng thẩm định là phân loại tác phẩm để dán nhãn theo độ tuổi; tư vấn cho chủ tịch hội đồng đối với những trường hợp cắt bỏ hoặc cấm. Chủ tịch hội đồng thẩm định sẽ là người ra quyết định cuối cùng. Hiện nay, Hội đồng duyệt phim đã thay đổi hơn trước rất nhiều, với đủ tiếng nói của các thành phần làm phim, từ nhà sản xuất, đạo diễn, nhà làm phim độc lập… Ông Vi Kiến Thành khẳng định: “Hội đồng luôn đồng hành với các nhà sản xuất nhằm thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh, chứ không ai muốn kìm hãm, làm khó các nhà làm phim”.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi, có nên cởi mở hơn trong việc cho phép phim đi dự thi, nhất là tại thời điểm này, khi các liên hoan phim (LHP) quốc tế ngày một nhiều với các tiêu chí đa dạng khác nhau, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nói: “Cũng đã có những ý kiến cho rằng, để tạo điều kiện cho phim Việt ra nước ngoài dự các LHP nhiều hơn thì nên có một cơ chế riêng, như thành lập một hội đồng chuyên biệt để thẩm định các phim tham gia LHP nước ngoài. Đương nhiên, việc cấp giấy phép cho phim đi dự LHP quốc tế khác với giấy phép thẩm định của Hội đồng duyệt phim quốc gia khi bộ phim đó quay lại và muốn phát hành trong nước. Điều khoản quy định đối với phim đi tham dự LHP nước ngoài đã được ban soạn thảo cân nhắc, tính toán và tiếp thu để đưa vào Luật Điện ảnh sửa đổi trình Quốc hội sắp tới”.