Phim lịch sử kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội: Vừa làm, vừa lo…

Phim lịch sử kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội: Vừa làm, vừa lo…

Đến thời điểm nay, 3 bộ phim lịch sử kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã có kế hoạch chính thức đưa vào sản xuất. Mặc dù Ban chỉ đạo sản xuất phim 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã lên kế hoạch bấm máy cả ba bộ phim trong năm nay và “tuyên bố” đầu tư “không tiếc tiền”, nhưng xem ra chặng đường “cán đích” hãy còn chật vật...

Tất cả đã sẵn sàng?

Theo kế hoạch của Hãng Phim truyện VN, bộ phim truyện nhựa Thái Tổ Lý Công Uẩn (kịch bản: Đinh Thiên Phúc; tổng đạo diễn: Lê Đức Tiến) sẽ khởi quay vào tháng 11-2008 và đóng máy vào tháng 9-2009 với các bối cảnh tại VN, phim trường Hoành Điếm và Côn Minh của Trung Quốc. Chỉ riêng số tiền dự kiến xin tạm ứng chi cho sản xuất bối cảnh, chế tác phục trang, đạo cụ… ước khoảng 30 - 50 tỷ đồng.

Trong 15 đầu việc quan trọng thì có đến 11 đầu việc cần hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, như: điều hành sản xuất, công tác đạo diễn, quay phim, thiết kế bối cảnh, hóa trang, dựng cảnh, âm thanh, dựng phim, âm nhạc, khói lửa… Theo đó, 8 đơn vị nước ngoài tham gia bộ phim từ giai đoạn quay, kỹ xảo, dựng phim, âm thanh, hậu kỳ. Ngoài đội ngũ nghệ sĩ của hãng, nhiều chuyên gia tên tuổi trong và ngoài nước nằm trong danh sách mời cố vấn: nhạc sĩ người Nhật Bản Kitaro, nhà quay phim Đỗ Khả Phong; nghệ sĩ hóa trang người Trung Quốc Mao Tiên Bình…

Phim lịch sử kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội: Vừa làm, vừa lo… ảnh 1

Phác thảo bối cảnh phố phường Thăng Long xưa cho phim “Thái Tổ Lý Công Uẩn”.

Hãng Phim truyện 1 cũng dự định bấm máy bộ phim truyện video Trần Thủ Độ (15 tập, kịch bản: Nguyễn Mạnh Tuấn; tổng đạo diễn: Đào Duy Phúc) vào quý 4-2008. Ngoài bối cảnh VN thì phim trường Hoành Điếm đã được lựa chọn. Không “cầu viện” nhiều đến nhân sự ngoại, quan điểm của hãng là sử dụng lực lượng sẵn có trong nước nếu đáp ứng được yêu cầu.

Hãng chính thức có lời mời Johnny Trí Nguyễn làm đạo diễn võ thuật cho phim. Trong trường hợp chàng diễn viên đang nổi như cồn này không sắp xếp được thời gian để theo đoàn phim suốt 2 - 3 tháng thì chắc chắn phải mời người nước ngoài. Đạo diễn kỹ xảo và chuyên gia hóa trang phim lịch sử cũng khó có thể tìm được chuyên gia trong nước đáp ứng được yêu cầu của phim. Khoảng 10 chú ngựa chuyên dùng quay phim sẽ thuê từ Trung Quốc cùng với những mã phu và… một xe tải chở khoảng 10 tấn cỏ phục vụ cho những chú ngựa này. Đội ngũ nhân sự chuẩn bị cho dự án gồm hơn 70 người đang ráo riết xúc tiến các bước công việc triển khai dự án theo tiến độ.

Ngoài hai dự án phim truyện đã rục rịch từ vài năm nay, dự án phim hoạt hình thuộc dạng “sinh sau đẻ muộn”. Sau khi Hãng phim hoạt hình VN từ chối kịch bản Chuyện về người con của Rồng, được sự đồng ý từ phía đặt hàng, đích thân bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh VN, trực tiếp hoàn chỉnh kịch bản. NSƯT Phạm Minh Trí, người được mời làm đạo diễn bộ phim này, đang viết kịch bản phân cảnh đạo diễn, tạo hình và sẽ hoàn thành trong năm 2008.

Việc vẽ các hình ảnh động mất khoảng 8 - 9 tháng, sau đó mới đến giai đoạn tô màu và làm hậu kỳ. Với 30 họa sĩ thuộc Xưởng phim hoạt hình của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình VN và các họa sĩ - đạo diễn nhiều kinh nghiệm, ông Trí phần nào yên tâm về đội ngũ nhân sự để triển khai với thời lượng 90 phút cho phim. Phần hòa âm và làm âm thanh, tiếng động có thể đưa sang nước ngoài.

Chưa hết lo...

Trong khi các bộ phim lịch sử còn… nằm trên giấy, các chuyên gia về bối cảnh, kiến trúc, đạo cụ, phục trang… vẫn miệt mài nghiên cứu và tìm tòi cách thể hiện trên phim sao cho thuyết phục và hiệu quả… thì đã diễn ra những cuộc tranh luận khá rôm rả xung quanh ranh giới giữa lịch sử và nghệ thuật khi triển khai các bộ phim này. Người thì cho rằng phải tôn trọng tính chân xác của lịch sử. Người lại cho phép sáng tạo và tưởng tượng. Ý kiến khác lo lắng cho việc bộ phim mang hơi hướng của Trung Quốc khi mà một số cảnh quay nội sẽ thực hiện tại nước bạn.

Ngoài những thiếu hụt về kinh nghiệm làm phim lịch sử và… thiếu nhiều thứ khác thì việc không có những cứ liệu lịch sử xác đáng để lấy làm căn cứ cho việc phục dựng các bối cảnh, đạo cụ... cũng khiến các nhà làm phim “đau đầu”. Đạo diễn Tất Bình - Giám đốc Hãng Phim truyện 1- bộc bạch: “Giá như các nhà sử học có những nhận định thống nhất thì chúng tôi dễ bề xoay xở. Đằng này, nhiều vấn đề mà chính giới sử học vẫn còn trong vòng tranh cãi”. Cả ông Bình và ông Trí đều chỉ ra thực tế làm phim lịch sử của các nước đều cho phép các nhà làm phim được quyền sáng tạo. Thậm chí, có những bộ phim còn… áp đặt khán giả khi nhìn lại lịch sử. Ông Trí nhấn mạnh, yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo bộ phim hấp dẫn vẫn là việc xây dựng hình tượng nhân vật có sức thuyết phục với những tình huống, xung đột… hấp dẫn.

Mặc dù các hãng đều đã sẵn sàng “xung trận”, nhưng với thủ tục hành chính trì trệ của các hãng phim nhà nước, nhất là việc sản xuất phim vẫn theo cơ chế “xin cho” thì không dễ đảm bảo tiến độ, dù về danh nghĩa là ai cũng cố gắng. Hơn nữa, các hãng mạnh miệng mời chuyên gia “ngoại” nhưng không phải có tiền là có thể mời được đúng người sang trợ giúp ngay!

Trong điều kiện làm phim còn hạn chế về nhiều mặt và thời gian không còn nhiều, việc ta lần đầu tiên bắt tay sản xuất những dự án phim lớn chắc chắn không tránh khỏi những sai sót và bất cập. Ba bộ phim chỉ nằm trong hàng chục hạng mục quan trọng khác để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội…  

TÙNG SƠN

Tin cùng chuyên mục