Lậu… cao tay
Tính đến thời điểm bộ phim Diên hy công lược tạm dừng phát sóng trên nền tảng YouTube (trang TK-L) và trên web, cũng như ứng dụng di động của FPT Play (ngày 14-8), trên các trang phim lậu đã phát đến tập 57. Đáng chú ý, có thời điểm phim được phát trước các tài khoản VIP của Trung Quốc đến 10 tập. Không chỉ các đơn vị mua bản quyền chính thức tại Việt Nam, khán giả nước sở tại (Trung Quốc) cũng tỏ ra bức xúc và không hiểu lý do vì sao phim lại được phát tán tại Việt Nam sớm đến như vậy. Trước tình trạng vi phạm bản quyền một cách trắng trợn, phía đơn vị nắm bản quyền tại Việt Nam không còn cách nào khác là phải tiến hành báo cáo vi phạm từng trang và yêu cầu xóa các tập phim.
Sau khi đưa ra đề nghị, hiện Diên hy công lược chỉ còn phát trên HTV7, khung 17 giờ từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. “Vì tình trạng phát lậu phim Diên hy công lược ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp, FPT Play đã tạm dừng phát sóng bộ phim này để đàm phán với đơn vị cung cấp bản quyền”, là dòng thông báo trên trang web của FPT Play. Trên trang YouTube của TK-L hiện cũng tạm dừng phát các tập mới. Động thái này nhằm giữ nhịp độ phát sóng đồng bộ giữa truyền hình và online bởi HTV7 đang phát sóng chậm hơn rất nhiều so với các nền tảng còn lại. Theo kế hoạch, tập cuối của bộ phim sẽ lên sóng vào ngày 28-8 tại nước bạn và khán giả Việt Nam phải chấp nhận xem sau cả tháng.
Trong trường hợp của Diên hy công lược, một câu hỏi rất lớn được đặt ra, đó là tại sao các web xem phim lậu có được các tập phim Diên hy công lược sớm hơn cả nước bản địa? Có chăng tồn tại sơ sót trong quá trình lưu trữ phim gốc của đơn vị nắm bản quyền? Trong thời đại công nghệ như hiện nay, rõ ràng việc vi phạm bản quyền không chỉ diễn ra tràn lan mà còn cho thấy những chiêu thức rất cao tay. Nhà sản xuất Hồng Ánh cũng từng viện dẫn một trường hợp đặc biệt khác. Sau khi phát hành phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, mặc dù bộ phim có phụ đề tiếng Anh nhưng theo dõi các máy chủ phát tán lậu bộ phim ở châu Âu, phụ đề lại là tiếng Pháp. Điều đó cho thấy, việc vi phạm này không đơn thuần là hành động tự phát mà đã có sự tính toán kỹ lưỡng, bởi lợi nhuận thu về từ hành động này là quá lớn.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Hãng phim BHD đưa ra dẫn chứng, một trang web vi phạm tại Mỹ khi bị xử lý có doanh thu 1,4 triệu USD, trong khi chi phí bỏ ra chỉ 110.000 USD, lợi nhuận đạt đến 1.272%. Hiện 72% quảng cáo xuất hiện trên các trang web vi phạm ở Việt Nam đến từ các nhãn hàng chính thống, trong đó có nhiều thương hiệu lớn.
Không thể thụ động
Vì sao các web xem phim lậu vẫn sống tốt và thu hút khán giả? Câu trả lời đã quá rõ ràng: dễ cập nhật và miễn phí. Với Diên hy công lược, để đánh trúng tâm lý số đông, web vi phạm có được những tập phim chất lượng tốt, đầy đủ phụ đề tiếng Việt và trước cả phiên bản gốc. Nhìn rộng ra, có thể thấy các web lậu cũng rất biết cách chiều lòng khán giả khi có rất nhiều nội dung không xuất hiện trên các kênh xem chính thống bởi nó không được mua bản quyền, hoặc xuất hiện trễ. Và tất yếu, khán giả muốn xem sẽ tự động tìm mọi cách vào các trang web này. Nhưng điều quan trọng hơn, tất cả các nội dung này đều hoàn toàn miễn phí. Bà Trần Thị Thanh Mai, Tổng Giám đốc Kantar Media, khẳng định: “Người Việt Nam luôn thích được… miễn phí, không quan trọng chất lượng sản phẩm và cũng không quan tâm nội dung có bản quyền hay không”. Số lượng người xem lớn chính là tiền đề để các đơn vị quảng cáo nhảy vào các web lậu. Điều đó còn chưa kể, nhiều web xem phim lậu không đặt máy chủ ở Việt Nam nên việc giải quyết càng khó khăn gấp bội.
Về mặt lý thuyết, các biện pháp ngăn chặn các trang web vi phạm đã có, thậm chí rất bài bản, nhưng chưa phát huy tác dụng. Vậy nên, vi phạm đến đâu mới tiến hành xử lý đến đó. Cách xử lý của các đơn vị sở hữu bản quyền Diên hy công lược có lẽ cũng chỉ là giải pháp tình thế. Việc tạm dừng phát sóng trên các nền tảng online để tạo nên sự đồng bộ liệu có thể áp dụng ở các trường hợp về sau này? Thực tế cho thấy, mỗi nền tảng đều có đối tượng khán giả nhất định và việc độc quyền cũng chưa hẳn sẽ hút toàn bộ khán giả về phía mình bởi mỗi người có cách thưởng thức khác nhau: hoặc thích phụ đề hoặc thích bản lồng tiếng. Trong nhiều trường hợp, việc ép khán giả vô hình trung lại gây ra tác dụng ngược.
Bài toán đặt ra để các đơn vị cung cấp chính thống không lép vế trước các web lậu, tất cả nằm ở câu chuyện nội dung. Chỉ khi nào có những nội dung hay, hấp dẫn, cập nhật lúc đó mới đủ khả năng hút người xem về phía mình, tránh tình trạng mất bò mới lo làm chuồng. Bà Sohni Kaur, Giám đốc chiến lược và phát triển Netflix châu Á - Thái Bình Dương, khẳng định: “Việc vi phạm bản quyền là bởi khách hàng không thể đợi nếu các nội dung ấy không có cùng lúc tại các quốc gia”. Có lẽ đến lúc các đơn vị trong nước cần nhanh nhạy hơn trong việc nắm bắt thị trường để sớm có những động thái hợp tác, mua bản quyền và phát không quá trễ so với phiên bản gốc.
Ngay sau Diên hy công lược, một bộ phim về cung đấu khác - Hậu cung Như Ý truyện cũng sẽ được ra mắt trên phạm vi toàn thế giới, trong đó có nền tảng YouTube. Bài học từ Diên hy công lược có lẽ, sẽ không cần nhắc lại.