Chủ đề của hội chợ phim Hồng Công 2004 (diễn ra từ 23-6 đến 25-6-2004) là sự hội tụ của đa truyền thông kỹ thuật số trong điện ảnh. Chính vì thế, các gian hàng tham gia hội chợ cũng như các cuộc hội thảo năm nay tập trung vào việc giới thiệu các ứng dụng kỹ xảo, âm nhạc trong phim…
Ngay trong ngày đầu tiên, cuộc hội thảo xoay quanh việc đưa công nghệ kỹ thuật số vào điện ảnh diễn ra đã thu hút khá đông người trong giới làm phim châu Á. Trong buổi nói chuyện này, đạo diễn Robert Minkoff (từng làm bộ phim Stuart Little và Lion King) tâm sự: “Người ta thường đùa với tôi rằng, làm đạo diễn phim hoạt hình 3D thật sướng, bạn có diễn viên mà không phải nghe họ phàn nàn hay cãi lại. Thật ra, chúng tôi có những diễn viên múa rối để thực hiện các động tác của các diễn viên ảo và làm việc với họ đôi khi còn nhức đầu hơn cả với diễn viên thật. Đó là chưa kể, trong phim của tôi, các diễn viên thật phải đóng với một diễn viên “chuột” không có mặt ở trường quay”.
Trong hội chợ, khách tham quan được chứng kiến tận mắt cũng như thử các phương tiện làm kỹ xảo như màn hình phông xanh, máy scan 3 chiều v.v… Buổi chiếu phim bế mạc hội chợ, bộ phim McDull, Princess de la Bun đã chinh phục khán giả vì sự đáng yêu, dễ thương và xúc động về nội dung cũng như kỹ thuật vẽ hoạt hình không thua kém phim Hollwyood của Hồng Công.
Chính phủ Hồng Công đã cho xây dựng 1 khu liên hợp mang tên Trung tâm truyền thông kỹ thuật số (DMC – Digital Media Center) ở Cyberport bao gồm studio làm kỹ xảo (gồm quay phông xanh cũng như ứng dụng chương trình Motion capture – những công nghệ làm kỹ xảo thông dụng nhất hiện nay), làm hậu kỳ (dựng phim và thu âm) và thư viện lưu trữ các tài liệu về kỹ xảo điện ảnh. Vì đây là trung tâm của Chính phủ Hồng Công đầu tư nên các sản phẩm của Hồng Công đều được giảm giá khi làm ở đây, trong khi sinh viên các khoa điện ảnh được sử dụng các dịch vụ cho bài tập của mình miễn phí.
Có thể ghi nhận sự tiến bộ về mặt kỹ xảo của các bộ phim Hồng Công gần đây. Điển hình nhất là Breaking News của Đỗ Kỳ Phong với cảnh mở màn rất ấn tượng, được không ít các nhà phê bình điện ảnh đánh giá là một trong những cảnh phim xuất sắc của năm sau khi phim trình chiếu tại LHP Cannes 2004: một cảnh phim về vụ nổ súng ở một khu nhà chung cư kéo dài gần 8 phút không hề cắt cảnh, máy quay len lỏi qua từng hành lang, căn phòng, quay từ trên cao xuống mặt đường v.v… mà chỉ có thể dùng kỹ xảo mới làm được. Tiêu biểu là bộ phim Thiên cơ biến với sự góp mặt của Thành Long, Chân Tử Đan, 2 nữ ca sĩ nhóm Twins, Trần Quán Hy và Trần Tổ Minh (con trai Thành Long), với những pha tung chưởng cực kỳ hấp dẫn.
Trong hội chợ lần này, có hai chủ đề đáng chú ý khác: Tầm quan trọng của âm nhạc trong đa truyền thông và phim độc lập châu Á. Cả ba chủ đề lớn này cho thấy Hội chợ phim Hồng Công không chỉ dừng ở một nơi mua bán phim ảnh mà còn là nơi để các nhà làm phim, phát hành phim cùng trao đổi kinh nghiệm và nhận thức xu hướng làm phim trong khu vực cũng như thế giới.
Đặc biệt, mảng phim độc lập châu Á cho thấy sự phát triển của điện ảnh châu Á đang dần tiến lên chuyên nghiệp như điện ảnh Hollywood, nơi mà phim ảnh thương mại (làm ra với mục đích đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của số đông khán giả) tung hoành nhưng vẫn tỏ rõ sự tôn trọng với các tác phẩm sáng tạo của cá nhân (dòng phim độc lập là dòng phim của những người dám tự bỏ tiền ra làm để thể hiện “cái tôi”, thỏa mãn cái tôi với những ý tưởng táo bạo mà các hãng phim lớn không bỏ tiền ra sản xuất mà chủ yếu chờ đợi phản ứng của khán giả để mua lại, làm nhà phát hành).
Các nhà làm phim độc lập tại Hội chợ phim Hồng Công xem đây là một cơ hội để họ có thể tiếp thị phim ảnh của mình với các nhà phát hành trên khắp thế giới và không ngừng tận dụng cơ hội này, như việc tổ chức các buổi chiếu, mời các nhà phát hành và nhà báo đến xem phim, tham gia buổi tiệc cocktail cùng người làm trong lĩnh vực truyền thông để tiếp cận, đưa thông tin về phim của họ đến cho các nhà phát hành.
Có lẽ, các nhà quản lý điện ảnh Việt Nam cũng nên nhìn lại để học hỏi, bởi chúng ta đang làm phim do Nhà nước bỏ tiền ra (tương tự các hãng phim lớn) nhưng chỉ để thỏa mãn “cái tôi” của vài cá nhân mà quên đi khán giả cũng có nhu cầu được giải trí bằng điện ảnh. Cũng chính vì thế, phim của Việt Nam vẫn chưa bán được cho các nước bạn tại hội chợ vì sự nhùng nhằng trong tiêu chí làm phim bên cạnh vấn đề kỹ thuật phim của ta quá kém…
PHAN DIÊN ANH