Phim kinh dị trở lại

Phim kinh dị trở lại

Rục rịch mãi, ngày 23-11-2007 tới, hai tập phim “Ngôi nhà bí ẩn” và “Suối oan hồn” (dài 45 phút/tập, hãng Chánh Tín Film sản xuất), sẽ chính thức ra rạp, đánh dấu sự trở lại của dòng phim kinh dị. Tiếp sau đó, vào dịp Noel 2007, “Mười” (sản phẩm hợp tác của hãng Phước Sang và Billy Pictures – Hàn Quốc) sẽ khởi chiếu ở Việt Nam. Theo dự đoán, nếu các bộ phim này thành công về doanh thu sẽ trở thành “động lực” khiến nhiều nhà sản xuất khác làm phim kinh dị. Nhưng mọi thứ không hẳn suôn sẻ...

Mượn ma nói chuyện người…

Phim kinh dị trở lại ảnh 1

Poster phim “Mười”.

Ngôi nhà bí ẩn (các diễn viên chính: Ngô Thanh Vân, Đào Bá Sơn, Hồng Sơn, Mạc Can) xoay quanh câu chuyện của nữ đạo diễn trẻ tên Trúc quyết tâm làm một bộ phim để chứng minh “trên đời này không có ma”. Trúc đã tìm đến một ngôi nhà bí ẩn mà người ta đồn đại là có một hồn ma oan ức vẫn lẩn quất bên trong… để rồi chính cô phải hoảng sợ với những điều tận mắt chứng kiến.

Suối oan hồn (diễn viên chính: Hiền Mai, Mai Trần, Lê Bình, Huy Khánh, Nguyễn Chánh Tín) lại là câu chuyện về những cái chết bí ẩn xảy ra trong khu vực một con suối đẹp và hoang vắng… Ngôi nhà bí ẩn và Suối oan hồn đều quay ở Đà Lạt, trong một ngôi biệt thự bỏ hoang từng đồn thổi có ma và một dòng suối cực kỳ hoang vu.

Hai tập phim này không dùng kỹ xảo đặc biệt, dàn dựng bối cảnh và hóa trang đều theo phương pháp thủ công, những cảnh ma xuất hiện trong một không gian mờ ảo, tối tăm hay ánh trăng khuyết sáng tối lỗ chỗ, bao trùm một không khí lạnh lẽo, thâm u… văng vẳng tiếng gào thét, tiếng hú ghê rợn từ đâu đó vọng về… Nhưng thực chất câu chuyện trong phim Suối oan hồn và Ngôi nhà bí ẩn là dùng chuyện ma để tỏ lòng người.

Hồn ma lẩn quất trong Ngôi nhà bí ẩn thực ra là một ông bác sĩ người Pháp bị bệnh da liễu làm biến dạng gương mặt, không dám để người thân và hàng xóm biết về bệnh tình của mình. Ông tự nhốt mình trong phòng kín, cho đến một đêm khuya nọ, người vợ vô tình nhìn thấy, hoảng sợ mà ngã từ lầu cao xuống đất… Suối oan hồn thì vạch trần những âm mưu của một tay nhà giàu muốn mua rẻ khu đất của dì Út nên cố tình làm ma nhát bà…

Phim Mười ra rạp vào tháng 7 ở Hàn Quốc nhưng chỉ như “hòn đá ném xuống ao bèo”, không gây được tiếng vang nào ngoài sự tấm tắc của công chúng về bối cảnh Việt Nam lạ và đẹp. Mười kể về nỗi oan khiên có từ năm 1896 của Mười, một cô gái trẻ đẹp làm nghề dệt lụa. Mười yêu và được chàng họa sĩ tài hoa nọ yêu lại, để rồi sau đó phải chịu đòn ghen khủng khiếp từ người vợ của anh ta.

Bị hành hạ đau đớn từ thể xác đến tận tâm hồn, Mười phải tự vẫn, để lại lời nguyền rằng, mỗi đêm rằm cô sẽ trở lại, đến bên người mình yêu thương để đòi nợ những nỗi đau phải chịu đựng. Chàng họa sĩ đã lợi dụng tình cảm của Mười để bảo toàn mạng sống cho vợ mình, bằng cách giam linh hồn Mười vào trong chính bức chân dung của cô đang vẽ dở.

100 năm sau, lời nguyền huyền bí của Mười được xáo tung trở lại khi Jae Eun – cô gái Hàn Quốc muốn trở thành tiểu thuyết gia, quyết khám phá và đưa câu chuyện huyền thoại này vào tác phẩm của mình… Cảnh quay trong phim Mười khá đẹp với bối cảnh Việt Nam thơ mộng, tuy màu sắc hơi âm u, của động Phong Nha, của Đà Lạt. Tuy nhiên bản phim Mười này đậm chất Hàn Quốc, hơn chục diễn viên Việt Nam xuất hiện trên phim rất ngắn, nhiều nhất như Anh Thư (vai Mười) cũng chỉ được mươi phút.

Thất vọng nhiều hơn vì xem phim mà không có cảm giác sợ, ngoại trừ vài cảnh tra tấn quá dã man, thậm chí cả khi nhân vật trên phim la hoảng mà người xem vẫn có thể… bật cười. Chưa kể nội dung phim thật khó hiểu. Khi biết có bản phim Mười… lậu từ cách đây 3 tháng, chủ hãng Phước Sang đã “trấn an” rằng, bản phim Mười chiếu ở Việt Nam sẽ là một bản phim khác và “không cổ súy chuyện mê tín dị đoan, chỉ dùng chuyện tâm linh để nói về lòng bao dung, độ lượng của con người”. Thôi thì có thể đổ thừa rằng, xem qua bản DVD nên không thấy hết hiệu quả về âm thanh, hình ảnh của phim, nhân vật nói tiếng Hàn nên khó hiểu câu chuyện!

Sự trở lại thận trọng

Phim kinh dị từng có ở Việt Nam trước năm 1975 là loạt phim “Chuyện lúc không giờ”, từng khiến nhiều khán giả sợ đến nỗi không dám ra khỏi nhà vào ban đêm, nhưng loại này nghiêng về khuynh hướng kịch - truyền hình. Sau năm 1975 là Xác chết trên cao nguyên - Chiếc mặt nạ da người (1992-1993) do nhóm Nguyễn Chánh Tín sản xuất, dạng phim video khá ăn khách thời đó. Khoảng 2-3 năm trở lại đây, phim kinh dị được nhập khẩu khá nhiều vào Việt Nam, và có doanh thu đáng kể so với các dòng phim khác.

Bởi vậy, khoảng cuối năm 2005, một số dự án làm phim kinh dị bắt đầu “rộ” lên. Tuy nhiên, những dự án mở màn như Khách sạn không đèn (đạo diễn Bá Vũ) vẫn còn nằm trên giấy do những yếu tố liên quan đến kinh phí sản xuất, kỹ thuật làm phim và cả hệ thống rạp chiếu. Lúc đó, không ít người tỏ ra thiếu tin tưởng về tương lai của dòng phim này ở Việt Nam.

Những dự án làm phim kinh dị lại được “xô” lên từ cuối năm 2006, đầu năm 2007, đánh dấu bằng việc hai hãng Phước Sang và Chánh Tín Film đưa Mười, Ngôi nhà bí ẩn và Suối oan hồn vào sản xuất chính thức, và Ngủ với hồn ma, Khánh sạn không đèn của Việt Cast dự tính bấm máy vào khoảng tháng 10 và 11-2007. Theo dự định, Mười và Ngôi nhà bí ẩn – Suối oan hồn tung ra vào dịp phim hè 2007 vừa rồi, nhưng vì những lý do khác nhau nên đều hoãn ngày ra rạp.

Tuy nhiên, phim kinh dị Việt Nam chưa ra rạp đã ồn ào vì vô khối chuyện liên quan bởi từ đầu năm 2007 đến nay, xuất hiện liên tục trên hệ thống rạp chiếu phim ở Việt Nam khá nhiều bộ phim kinh dị của nước ngoài, nhiều nhất là Mỹ và Hàn Quốc. Đơn cử như trong tháng 11 này, có đến 3 bộ phim nước ngoài thuộc thể loại kinh dị, ly kỳ và rùng rợn là Nhà trọ ma quái, Căn phòng bí ẩn, Vũ khí sinh học… cùng “giành khách” với Ngôi nhà bí ẩn và Suối oan hồn. Tháng 12, phim Mười cũng sẽ “đua” với vài ba bộ phim kinh dị khác.

Tháng 8-2007, Cục Điện ảnh đã ra công văn số 308-ĐA/PBP hạn chế nhập và sản xuất phim ma. Những bộ phim kinh dị “made in Việt Nam” vì thế cũng được kiểm duyệt khá kỹ càng. Phim Mười của hãng Phước Sang được phép phát hành nhưng những cảnh bẻ ngón tay, cắt gót chân, nhỏ axít lên người và nhiều chi tiết bị cắt bớt. Đồng thời, Cục Điện ảnh có công văn yêu cầu trong quá trình quảng bá, tiếp thị và trình chiếu Mười phải ghi rõ “phim không dành cho trẻ em dưới 16 tuổi”. Không ít khán giả ca thán, cắt như thế còn gì là phim kinh dị? Còn các chủ rạp thì “ngại” vì đối tượng xem phim chủ yếu là giới trẻ mà hạn chế thì phim sẽ không có lãi.

Chủ trương của Chánh Tín Film là làm phim để công chúng từ già trẻ lớn bé đều có thể xem phim và chủ trương “mượn chuyện ma nói chuyện người”, thiện thắng ác, chính thắng tà. Nhưng hãng này đã phải cẩn thận đến mức gửi băng video phim nháp lên nhờ Hội đồng thẩm định của Cục Điện ảnh tư vấn trước khi chuyển sang Thái Lan làm hậu kỳ và bắn sang bản phim nhựa, để tránh phải quá tốn kém khi sửa chữa. Kết quả tư vấn của Hội đồng thẩm định là phải cắt bỏ một số cảnh. Còn Nụ hôn thần chết để “chắc ăn” đã bỏ không quay đại cảnh đại hội thần chết như kịch bản ban đầu và nghiêng về yếu tố hài - tình cảm.

Sự chuyển hướng mới của phim Việt Nam theo dòng kinh dị sẽ không suôn sẻ do những quy định liên quan đến khán giả, nhất là Luật Điện ảnh chưa có hệ thống phân loại phim cụ thể và rõ ràng. Doanh thu của phim cũng là điều gây nhiều trở ngại cho nhà sản xuất. Phim kinh dị nước ngoài ăn khách, có lãi, một phần vì kinh phí mua bản quyền thấp hơn nhiều lần so với phim sản xuất trong nước.

Hãng Chánh Tín Film cho biết, sau khi phát hành ở Việt Nam sẽ đem Ngôi nhà bí ẩn và Suối oan hồn chiếu ở hải ngoại, nếu thu đủ vốn 2 tỷ sẽ bấm máy tiếp những tập phim tiếp theo trong sê ri “Chuyện lúc nửa đêm” như: Những khuôn mặt mèo, Kẻ không đầu, Ngã ba tử thần, Núi dữ, Người phân thân, Chiếc xe lăn, Mối thù thiên thu, Suối than khóc… Nhưng nếu lỗ, Chánh Tín Film sẽ quay về làm phim tình cảm. Một số hãng phim rục rịch làm phim kinh dị tuy còn nghe ngóng tình hình ra rạp của Mười và Ngôi nhà bí ẩn, Suối oan hồn… nhưng vẫn khẳng định sẽ tiếp tục làm phim. Hãng Phước Sang đã ký hợp đồng với Công ty Thiên Thi làm phim thần tượng dạng kinh dị - tình cảm có tên Hồn ma, dự tính chiếu vào hè 2008.

Dù thế nào, dòng phim kinh dị này trước sau cũng phát triển ở Việt Nam, trở thành một dòng phim riêng - một điều bình thường như ở các nền điện ảnh khác. Chỉ có điều các nhà sản xuất buộc phải chọn lọc những kịch bản có nội dung giàu chất nhân văn, hợp với quan niệm và suy nghĩ của người Việt để tránh những dư luận không tốt, hoặc gây ngộ nhận về chuyện “mê tín dị đoan”.

PHÚC NHƯ THỦY

Tin cùng chuyên mục