Mọi chuyện trong phim bắt đầu từ cái chết đầy kỳ lạ tại Xóm Bóng. Nạn nhân là một cô gái tuổi 30, sống tự lập và bị giết chết bằng cách rút hết máu trong người. Hung thủ còn đặt nạn nhân nằm ngay ngắn tựa như một tư thế tế thần kinh điển. Mọi manh mối tại hiện trường có vẻ quá yếu để truy bắt hung thủ.
Do đó, đội trưởng đội trọng án K13 – Thiếu tá Thái (Thạch Kim Long) quyết định mời Hoàng (Mã Hiểu Đông) - một sinh viên cao học Luật chuyên ngành Tội phạm học về cộng tác phá án. Trong quá trình tham gia điều tra, Hoàng nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của tên sát nhân có biệt tài thôi miên, thao túng tâm lý người khác.
Từ đây, cơ quan điều tra phát hiện ra một chuỗi án mạng ly kỳ có mối liên kết ngầm với nhau. Mỗi bước phá án giúp Hoàng hiểu thêm về kẻ chủ mưu đằng sau, trở thành người am hiểu kẻ sát nhân nhất. Đỉnh điểm, tên sát nhân xác lập Hoàng sẽ thành nạn nhân kế tiếp.
Kẻ sát nhân cô độc là dự án tiếp theo của Hãng phim đài truyền hình TPHCM (TFS). Theo NSƯT Lý Quang Trung - Giám đốc hãng phim: “Qua bộ phim, khán giả một lần nữa cảm nhận được "chất"= đặc sản của phim truyền hình TFS với các khung hình, góc máy trau chuốt đầy sáng tạo, tác phẩm mang giá trị nghệ thuật cao. Ngôn ngữ kể chuyện của Kẻ sát nhân cô độc đậm chất nghệ thuật điện ảnh”.
Được coi là sự thể nghiệm, điểm nổi bật của Kẻ sát nhân cô độc chính là khéo léo khai thác sâu các khía cạnh tâm lý tội phạm trong thể loại phim hình sự.
Bộ phim không chỉ có những tình tiết gây cấn, các pha hành động rượt đuổi mãn nhãn mà còn khắc họa chân dung tâm lý tội phạm một cách sâu sắc. Tính cách, tâm lý, sự xung đột, mâu thuẫn của các nhân vật đều giúp đẩy câu chuyện lên cao trào, tạo thành những nút thắt – gỡ hợp lý.
Phim kể cho khán giả về các góc khuất tâm lý của tội phạm cũng như đời sống tinh thần của những chiến sĩ điều tra phá án. Bên cạnh cuộc chiến hình sự gay go thì mặt trận đấu tranh tâm lý cũng cũng căng não không kém.
Tuy khai thác về đề tài tội phạm, phim vẫn truyền tải những giá trị nhân văn và tình yêu. Thông qua các vụ án, bộ phim kêu gọi mọi người hãy quan tâm đến sức khỏe tinh thần của mình và những người xung quanh. Trong Kẻ sát nhân cô độc, khán giả sẽ “gặp” những rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến hiện nay như: trầm cảm, trầm cảm sau sinh, hội chứng sợ đám đông...
Và khi thiếu vắng sự quan tâm hay không được chữa trị kịp thời thì những căn bệnh này sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Bên cạnh đó, thông điệp về tình yêu chân chính cũng được chuyển tải xuyên suốt bộ phim. Cái ác không thể nhân danh tình yêu mà tồn tại. Tình yêu không thể đem ra bào chữa cho những tội lỗi.
Ngoài ra, Kẻ sát nhân cô độc còn mang đến cho khán giả một cái nhìn bao dung với đầy đủ vai trò, trách nhiệm và sự hy sinh bản thân của các chiến sĩ công an. Đằng sau những chuyên án đặc biệt là sự hy sinh của các chiến sĩ, của gia đình, vợ con họ và đôi khi là cả tính mạng của mình cùng người thân xung quanh.
Phía sau những nụ cười rạng rỡ, những tấm huân chương lấp lánh là hình ảnh những người vợ công an mòn mỏi chờ cơm chồng, những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm cha con. Những thiệt thòi đó, họ – những người chiến sĩ – đã chọn và dấn thân để giữ gìn trật tự an ninh xã hội, đảm bảo sự an toàn và bình yên cho mọi người.
Bộ phim của đạo diễn Trần Đức Long, kịch bản Any Nguyễn (dựa trên ý tưởng của nhà báo Nguyễn Chương), có sự tham gia diễn xuất của dàn diễn viên dày dặn kinh nghiệm: Mã Hiểu Đông, Huỳnh Trường Thịnh, Huyền Thạch, Thạch Kim Long, Ngô Công Lý, Công Ninh, Mai Huỳnh, Lâm Hải Sơn…
Phim dài 30 tập lên sóng lúc 22 giờ từ thứ hai đến thứ năm hàng tuần trên kênh HTV9 từ ngày 28-10.