Trói buộc yêu thương nhanh chóng thu hút khán giả dù chỉ mới lên sóng 3 tập phim, những mâu thuẫn thế hệ trong một gia đình khiến công chúng bị cuốn theo các tình tiết xung đột không chỉ có trên phim mà rất thật với thực tế cuộc sống. Nhưng ở tập 2 của phim, khi vào công ty làm việc, nam diễn viên chính được nhân viên chào hỏi nhưng không hay. Sau đó, thay vì thoại một câu xin lỗi như thông thường, nam chính trong phim lại nói: “Anh sorry nha!”, câu thoại khiến không ít người xem như tôi cảm thấy khó chịu.
Những câu thoại kiểu lai căng, hoặc nói một cách dài dòng, triết lý nhưng ý chung lại huề vốn… rất dễ gặp trong các phim truyền hình hiện nay. “Muốn biết người bạn thích là ai, hãy xem người mà bạn mong nhớ lúc họ đi xa”, một câu thoại trong bộ phim trên Đài Truyền hình Vĩnh Long ở khung giờ phát sóng buổi chiều khiến người xem hụt hẫng. Câu nói được nữ diễn viên chính thoại, tưởng chừng mang ẩn ý sâu xa nhưng cuối cùng đọng lại chỉ là một ý kiến huề vốn không hơn không kém.
Hoặc có những bộ phim khiến khán giả không khỏi bực mình bởi diễn viên thoại liên tục, người xem cảm thấy mệt mỏi theo mạch nội dung của phim. Không phải ngẫu nhiên mà người ta lại có câu “phim thật, kịch nghệ”. Một vở kịch trên sân khấu, để lại dấu ấn đậm sâu trong lòng khán giả bởi những ánh mắt, cử chỉ hay một câu nói đậm chất nghệ thuật sân khấu. Còn phim truyền hình ăn khách ở chỗ phim như thật, như chính cuộc đời, bởi xuyên suốt vài chục tập phim, người xem có thể tìm thấy những câu chuyện tình đời, tình người, thậm chí là hình ảnh chính mình qua các nhân vật, tình huống trong phim.
Có nhiều yếu tố cộng hưởng lại để làm nên một bộ phim hay và lời thoại của diễn viên là một trong những yếu tố quan trọng đó. Mạch cảm xúc và nội dung của phim có thể lôi cuốn được khán giả, nhưng còn cần phải có những câu thoại đúng lúc, đúng chỗ và đúng ý theo từng tình tiết. Một bộ phim hay không thể để diễn viên thoại liên tục những câu thoại ngắn, thoại kiểu nửa tây nửa ta, hoặc những câu nói thể hiện sự sâu sắc nhưng đọng lại chỉ là một ý kiến huề vốn hoặc tệ hơn là chẳng có ý nghĩa gì…
Hơn thế nữa, phim truyền hình là sản phẩm dài tập, tiếp cận khán giả trong nước là chủ yếu thì tại sao chúng ta phải biên kịch những câu thoại lẫn lộn tiếng nước ngoài, trong khi kho tàng từ điển tiếng Việt dư khả năng ngôn từ để miêu tả? Không chỉ là giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, giữ gìn những nếp xưa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng là một yếu tố phim truyền hình nên chú trọng và cân nhắc để kéo khán giả. Bởi người ta có thể tò mò trước những điều mới lạ, nhưng để rung cảm thật sự thì cần phải có sự gần gũi, tương đồng và văn hóa truyền thống của dân tộc chính là sự gần gũi, tương đồng đó.