Khó trăm bề
Trước ngày bấm máy chính thức (15-7), đạo diễn Đỗ Đức Thịnh, người thực hiện bộ phim cổ trang Quỳnh, chia sẻ thẳng thắn: “Tại Việt Nam, làm phim dã sử, lịch sử, cổ trang khó gấp 10 lần so với các thể loại khác. Bởi bối cảnh, phục trang... của chúng ta không nhiều. Do đó, đoàn làm phim phải làm lại từ đầu và gần như toàn bộ”.
Cùng quan điểm đó, bà Ngô Thị Bích Hiền, Phó Chủ tịch Công ty BHD, cho biết, dự án Việt hóa bộ phim Vì sao đưa anh tới vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị trước khi chính thức bấm máy. “Bên cạnh việc đầu tư cho sản xuất, chúng tôi cũng mất khá nhiều thời gian tìm kiếm diễn viên, bối cảnh, xây dựng kịch bản Việt hóa sao cho phù hợp với lịch sử, văn hóa Việt Nam”. Ê kíp thực hiện phim đã nhờ đến sự hỗ trợ, tư vấn từ chuyên gia, các nhà sử học, cũng như một số nhóm bạn trẻ nghiên cứu về lịch sử… để có thể lựa chọn triều đại lịch sử phù hợp với bối cảnh và câu chuyện của bộ phim. “Theo đó, Vì sao đưa anh tới bản Việt sẽ chọn khoảng thời gian vào thế kỷ 19, dưới thời vua Tự Đức. Một số bối cảnh chính cho thời kỳ này cũng đã được chọn xong để xây dựng bối cảnh chính cho phim”.
Từ trước đến nay đa phần các phim cổ trang nổi tiếng của điện ảnh Việt: Phạm Công - Cúc Hoa, Lá ngọc cành vàng, Đêm hội Long Trì, Lục Vân Tiên, Ngọn nến hoàng cung, Lều chõng, Khát vọng Thăng Long, Long thành cầm giả ca... đều do nhà nước đầu tư, sản xuất. Thời gian gần đây, một số công ty sản xuất phim tư nhân cũng bước chân vào thể loại này nhưng mức độ còn khá dè dặt, số lượng phim cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay như: Tây Sơn hào kiệt, Mỹ nhân kế, Thiên mệnh anh hùng...
Những phim cổ trang Việt từng gây dấu ấn với khán giả
Diễn viên Ngô Thanh Vân, người từng có hai dự án liên tiếp mang màu sắc cổ trang, giả tưởng là Ngày nảy ngày nay và Tấm Cám: Chuyện chưa kể, cho biết việc các nhà làm phim tư nhân ngại đề tài này có nhiều lý do: Việt Nam không có phim trường riêng cho thể loại này, đầu tư về trang phục, bối cảnh tốn kém... Để thực hiện Tấm Cám: Chuyện chưa kể, riêng phần phục trang có 4 nhà thiết kế gồm Trịnh Hoàng Diệu, Thủy Nguyễn, Mai Lâm, Tùng Vũ cùng góp sức vào các công đoạn thực hiện. “Mỗi dự án cổ trang thường bị so sánh, bình luận về tính thuần Việt, do đó chúng tôi cố gắng tìm các chất liệu, trang phục mang đậm văn hóa Việt, điển hình là áo yếm”, đạo diễn Đức Thịnh cho biết.
Là đề tài khó nhưng đổi lại được khán giả rất chờ đón nên các nhà sản xuất bắt đầu cho thấy nhiều hơn sự mạnh dạn khi bước chân vào thể loại này. Cuối năm 2017, Ngô Thanh Vân công bố trong 3-5 năm tới sẽ sản xuất loạt phim về cổ tích, thần thoại Việt Nam: Trạng Tí, Thánh Gióng, Thạch Sanh, Sơn Tinh - Thủy Tinh... Diễn viên, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cũng công bố cô bắt tay với đạo diễn Victor Vũ để thực hiện dự án Sơn Tinh, Thủy Tinh. Phương Nam Phim vẫn đang miệt mài thực hiện loạt phim Cổ tích Việt Nam phát trên sóng truyền hình.
Liệu cơm gắp mắm
Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từng than thở: “Nếu chỉ có 20 tỷ đồng làm phim cổ trang sẽ rất khó. Chúng tôi muốn có nhiều thứ, cố gắng hết sức nhưng vẫn là điều không tưởng trong bối cảnh điện ảnh Việt. Nếu có 30-40 tỷ đồng sẽ khác”. Còn theo đạo diễn Đức Thịnh: “Kinh phí sản xuất đội lên là câu chuyện bình thường, do đó nhà sản xuất phải tìm mọi cách, liệu cơm gắp mắm”.
Về kinh phí sản xuất, hầu hết các bộ phim cổ trang đều có mức cao hơn so với mặt bằng thị trường. Thời điểm thực hiện Thiên mệnh anh hùng, mức kinh phí 25 tỷ đồng được coi là cao bậc nhất của điện ảnh Việt. Mỹ nhân kế cũng tiêu tốn 17 tỷ đồng, Tây Sơn hào kiệt hay Ngày nảy ngày nay là 12 tỷ đồng. “Chúng tôi dự kiến, kinh phí thực hiện Quỳnh sẽ dao động từ 22 - 25 tỷ”, đạo diễn Đức Thịnh cho biết.
Có nhiều cách khác nhau để giải bài toán khó khi thực hiện các bộ phim ở thể loại này. Nhiều ê kíp thường cố gắng tập trung vào các cảnh nội, hạn chế đại cảnh. Trong bối cảnh công nghệ, kỹ thuật làm phim ngày càng phát triển cũng mở ra cho các đoàn phim những giải pháp tối ưu hơn như sử dụng kỹ xảo. Với chỉ 30 người lính, 1 con ngựa, ê kíp Tấm Cám: Chuyện chưa kể đã tạo nên một trận chiến hoành tráng. Bối cảnh cung điện, lễ hội trong phim đều mang đậm dấu ấn kỹ xảo. Đạo diễn Đức Thịnh bổ sung: “Chúng tôi dự kiến sẽ sử dụng 20%-30% kỹ xảo cho phim, đặc biệt là với các đại cảnh, ngoại cảnh”. Hiện nay, các đoàn phim đều sử dụng kỹ thuật diễn phông xanh, sau đó sẽ áp dụng kỹ xảo để có các cảnh quay như ý muốn.
Khi được hỏi cần làm những gì và đâu là yếu tố tiên quyết để có một bộ phim cổ trang thành công, bà Ngô Thị Bích Hiền cho biết: “Để làm một bộ phim cổ trang, lịch sử… hấp dẫn khán giả, không phải là điều dễ dàng. Bởi không gian, thời gian, bối cảnh khác quá nhiều so với thời điểm hiện tại. Do đó, ngoài việc đầu tư chi phí sản xuất, việc phản ánh đúng tinh thần lịch sử, cách xây dựng bối cảnh, cách tạo hình nhân vật và quan trọng là cách tiếp cận, kể câu chuyện đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ở thời đại internet, khán giả có thể tìm hiểu nhanh về các sự kiện, diễn biến của lịch sử. Thế nên, làm thế nào để câu chuyện lịch sử đó hấp dẫn lại nằm ở cách tiếp cận và cách kể chuyện của người làm phim. Do đó, một kịch bản tốt là điều kiện tiên quyết góp phần lớn trong thành công của bộ phim”.
Cũng đề cập đến yếu tố kịch bản để có cách kể thông minh, phù hợp với tiềm lực sản xuất, đạo diễn Đức Thịnh nhấn mạnh: “Khâu tiền kỳ phải được thực hiện chu đáo, xác định cái gì mình làm được và không được. Tất cả đều phải dựa trên thực tế để không đòi hỏi quá mức so với lực sản xuất và trong giới hạn kinh phí cho phép”.