Phim âm thanh: Nét mới cho đời sống văn chương

Ngoài hai lĩnh vực có mối quan hệ lâu dài và mật thiết với văn chương là điện ảnh và sân khấu, gần đây, với sự phát triển của công nghệ, các tác phẩm văn chương đã có thêm đời sống mới với hình thức Audio Movie (phim âm thanh).

Trải nghiệm mới cho tác phẩm cũ

Ra mắt vào năm 2016, đến nay, kênh YouTube Hùng ca sử Việt đã có 142.000 người theo dõi, hơn 280 video được đăng tải. Rất nhiều tác phẩm văn học theo thể loại dã sử được cải biên thành phim âm thanh, thu hút lượng nghe lớn như: Cầm hồ hàm tử quan (Phạm Vĩnh Lộc), Bát Nàn công chúa (Lê Hoàng Phi Yến), Mạc Thiên Tứ (Trần Kinh Hòa), Loạn tam vương (Tiêu Hà)…

Người sáng lập Hùng ca sử Việt là đạo diễn lồng tiếng Đạt Phi, ông cũng chính là người lồng tiếng cho nhiều tác phẩm hiện đang được phát trên kênh Hùng ca sử Việt. Theo chia sẻ của đạo diễn Đạt Phi, xuất phát từ việc… không có tiền, nên ông cùng các cộng sự đã nảy ra ý tưởng làm phim âm thanh để mọi người dễ nghe, dễ hiểu. “Có một thực tế là điện ảnh nước ta còn chưa có được những bộ phim lịch sử như của Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Trong khi đó, nhóm chúng tôi có thế mạnh về âm thanh, đào tạo ra nhiều học trò có giọng nói hay, từng lồng tiếng cho các bộ phim nổi tiếng. Trong cái khó ló cái khôn, chúng tôi muốn sản xuất những bộ phim hoàn toàn bằng âm thanh, qua đó có thể truyền tình yêu lịch sử đến mọi người, nhất là các bạn trẻ. Và thế là Hùng ca sử Việt được ra đời”, đạo diễn Đạt Phi cho biết.

U6a.jpg
Một chương trình trò chuyện về phim âm thanh được tổ chức gần đây tại TPHCM được nhiều bạn trẻ quan tâm

Tiếp nối Hùng ca sử Việt là kênh Người kể chuyện phim. Do đi sau nên đến hiện tại, kênh mới đang có 23 videos với gần 1.800 người theo dõi. Hiện mới có 2 tác phẩm thuộc thể loại trinh thám được cải biên thành phim âm thanh là Trường hợp số 7 và Ánh sáng & bóng tối. Các tác phẩm này được chia thành nhiều tập khác nhau, mỗi videos đều có trên 1.000 lượt xem.

Là thính giả thường xuyên của kênh Hùng ca sử Việt, chị Phương Anh (ngụ phường An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết: “Lần đầu tiên được nghe phim âm thanh, ngay lập tức tôi đã cảm thấy rất thú vị và hào hứng. Bởi khác với sách nói, khi thưởng thức phim âm thanh, người nghe không chỉ biết được nội dung câu chuyện mà còn cảm nhận tác phẩm bằng hiệu ứng của âm thanh, tiếng động, lời thoại nhân vật. Đặc biệt, mỗi tác phẩm của phim âm thanh có nhiều diễn viên vào vai các nhân vật khác nhau, giúp người nghe cảm nhận rõ hơn về nhân vật”.

Phù hợp với xu thế

Theo chia sẻ của đạo diễn Đạt Phi, Hùng ca sử Việt không phải là một dự án giảng dạy hay phổ cập kiến thức lịch sử. Những người thực hiện xây dựng cốt truyện giả tưởng dựa trên những nhân vật và sự kiện có thật trong lịch sử Việt Nam, được phóng tác, hư cấu thêm để tạo nên cảm xúc và sự sinh động. Các tác phẩm sẽ được đặt những cái tên khơi gợi sự tò mò của người nghe như Lý Thường Kiệt đại phá Ôn Châu thành, Lý Thường Kiệt đại chiến Như Nguyệt giang

“Điều này góp phần giúp các bạn yêu lịch sử, yêu nhân vật lịch sử Việt Nam hơn. Rồi từ đó, khơi gợi sự tìm kiếm, vào thư viện tìm hiểu sách để đọc. Cách chúng tôi làm là đốt lên ngọn lửa, hun đúc thêm tinh thần yêu nước, làm cho các bạn yêu thích từng nhân vật lịch sử Việt Nam hơn”, đạo diễn Đạt Phi chia sẻ.

Hiện tại, Hùng ca sử Việt đang trong quá trình sản xuất tác phẩm Thánh dực dũng nghĩa, được cải biên từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn trẻ Thành Châu, với định dạng hoạt hình 3D của họa sĩ Nguyễn Văn Bắc. Còn kênh Người kể chuyện phim chuẩn bị cho ra mắt phim âm thanh Thay lời người chết, cải biên từ tác phẩm cùng tên của nhà văn trẻ Đỗ Quang Vinh.

Nhà văn trẻ Đỗ Quang Vinh thuộc thế hệ 9X, hiện sống và làm việc tại TPHCM. Anh là tác giả của nhiều tác phẩm văn học đã được xuất bản như: Mèo, Tôi, búp bê máy và những chuyến hành trình, Vết cắt vùng mơ, Biến mất, Trường hợp số 7. Theo Đỗ Quang Vinh, phim âm thanh là cơ hội để tác phẩm của mình đến được với nhiều người hơn. Và nó cũng phù hợp với thời đại hiện nay, khi người ta cần sự đa nghiệm, có thể làm nhiều việc cùng lúc.

“Phim âm thanh hay phim điện ảnh nói chung sẽ không giết chết văn chương mà sẽ cho văn chương một cơ hội mới. Bởi thực sự nếu người nghe thích thú với câu chuyện từ phim âm thanh thì họ sẽ tìm đến tác phẩm gốc để đọc cũng như đối chiếu nếu cần”, nhà văn trẻ Đỗ Quang Vinh chia sẻ.

Dù gặp không ít khó khăn trong thời gian đầu nhưng đến thời điểm hiện tại, cùng với sự quan tâm ngày càng cao của khán thính giả, các kênh phim âm thanh đang nhận được nhiều sự chú ý. Hùng ca sử Việt sau thời gian khá chật vật nay đang nhận được những tín hiệu tích cực từ cộng đồng và được YouTube trao nút bạc vào tháng 7-2021. Từ thực tế của kênh Hùng ca sử Việt, đạo diễn Đạt Phi tin tưởng: “Loại hình này chắc chắn còn phát triển hơn nữa, được nhiều người đón nhận và ủng hộ”.

Tin cùng chuyên mục