(SGGPO).- Ngày 23-12, ngày thứ 7 phiên xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó Phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - viết tắt VietinBank, chi nhánh TPHCM) chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng của 15 ngân hàng, công ty, cá nhân diễn ra với phần thẩm vấn để làm rõ về các tài sản kê biên trong vụ án.
Đòi giùm tài sản
Trình bày với hội đồng xét xử (HĐXX), ông Nguyễn Duy Quang - chồng bị cáo Nguyễn Thị Lành xin HĐXX xem xét lại, trong 5 quyển sổ tiết kiệm bị kê biên có 2 quyển sổ với tổng số tiền là 5,9 tỷ đồng được mở tại VietinBank năm 2011 là của ông, từ thu nhập ông có được trong công việc. Thế nhưng ông lại không chứng minh được đây là tài sản riêng của mình.
Đại diện Viện KSND tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa giải thích cho ông Quang biết rằng, việc kê biên tài sản là để đảm bảo cho việc thi hành án của bị cáo Lành, nếu trong quá trình thi hành án ông có thể chứng minh đó là tài sản của mình thì vẫn có thể được trả lại.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Kim Bình (cháu gái bị cáo Nguyễn Thiên Lý) xin bỏ lệnh kê biên đối với sổ tiết kiệm trị giá 19,13 tỷ đổng mở tại EximBank. Quyển sổ tiết kiệm này được kê biên nhằm đảm bảo việc thi hành án của bị cáo Thiên Lý. Theo bà Bình, sổ tiết kiệm tuy đứng tên của bà nhưng đó là tiền của mẹ bà, cũng là chị ruột bị cáo.
Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Quảng Đức Tuyên hỏi: “Tiền của mẹ chị, vậy tại sao mẹ chị không đòi mà chị đòi?”. Bà Bình trả lời: “Vì sổ tiết kiệm do tôi đứng tên giùm cho mẹ tôi”. Chủ tọa phiên tòa nói: “Vậy nếu tòa trả cho chị, chị xài hết số tiền này mà không đưa cho mẹ chị, lúc đó mẹ chị kiện đòi tòa vì tòa đã trả cho sai người thì làm sao?”.
Chủ tọa cũng hỏi bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như về kháng cáo đề nghị tòa án cấp phúc thẩm trả lại một căn villa thuộc dự án Nam Hai Resort (tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) có diện tích gần 3.000 m², trị giá 43 tỷ đồng cho mẹ bị cáo. Chủ tọa phiên tòa đặt vấn đề: “Nếu đây là tài sản của mẹ bị cáo, tại sao bị cáo lại đem bán cho người khác?” – “Bị cáo không bán, chỉ đem đi thế chấp”, bị cáo Như trả lời. Chủ tọa: “Tài sản đã thế chấp, tòa trả lại rồi sẽ thế nào? Vấn đề này HĐXX sẽ xem xét”.
Tiền bị tuyên trả quá ít
Tuy nhiên, phần “nóng” tại phiên xử sáng nay xoay quanh phần thẩm vấn để làm rõ khoản tiền hưởng lợi bất chính từ việc cho vay nặng lãi.
Bị TAND TPHCM xét xử sơ thẩm tuyên phạt 2 năm tù về tội “Cho vay lãi nặng” (tổng hợp với mức án 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thành 9 năm tù giam), bị cáo Nguyễn Thị Lành không kháng cáo, nhưng vẫn bị triệu tập ra tòa để làm rõ vấn đề này. Theo án sơ thẩm tuyên, bị cáo Lành phải nộp sung quỹ Nhà nước 150 tỷ 035 triệu đồng – được xác định là tiền thu lợi bất chính.
Công tố viên công bố lời khai của bị cáo Lành tại cơ quan điều tra, phù hợp kết quả đối chất với bị cáo Huyền Như, với số liệu sao kê trên tài khoản và sổ sách ghi chép, theo đó số tiền lãi bị cáo Như phải trả cho bị cáo Lành là hơn 1.186 tỷ đồng.
Được gọi lên thẩm vấn, bị cáo Như tiếp tục khẳng định đó mới chính là con số tiền lãi bị cáo đã phải trả. Khi được hỏi có biết lý do vì sao tòa án cấp sơ thẩm chỉ tuyên nộp sung quỹ Nhà nước 150 tỷ đồng, bị cáo Lành cho rằng đó là vị bị cáo được cấn trừ 820 tỷ đồng Như còn nợ.
- Chủ tọa phiên tòa hỏi: Bị cáo có chấp nhận số tiền thu lợi bất chính là 150 tỷ đồng này?
- Bị cáo Nguyễn Thị Lành: Dạ có
- Chủ tọa: Đương nhiên là chấp nhận, vì quá nhỏ so với số liệu được xác định trong quá trình điều tra.
Thừa nhận nếu bị tuyên phải trả 150 tỷ đồng thì sẽ có lợi hơn bị tuyên trả 1.186 tỷ đồng, nhưng bị cáo Lành cho biết có tuyên bao nhiêu thì bị cáo cũng không còn khả năng khắc phục!
“Số tiền hưởng lợi bất chính nhiều, nhưng tòa án sơ thẩm chỉ tuyên nộp lại có 150 tỷ đồng, vấn đề này HĐXX sẽ xem xét lại”, chủ tọa phiên tòa nhận định.
Một trường hợp hưởng lãi nhiều nhưng bị tuyên nộp sung quỹ Nhà nước ít khác là Phạm Văn Chí (không kháng cáo). Dù quá trình điều tra xác định ông Chí hưởng tiền lãi từ việc cho bị cáo Huyền Như vay nặng lãi là 5,9 tỷ đồng nhưng bản án sơ thẩm chỉ tuyên buộc ông Chí nộp lại 570 triệu đồng. Khi nghe ông Chí trình bày ông là người cho vay trung gian, nhận tiền giùm người khác để cho bị cáo Huyền Như vay, ông chỉ được hưởng 0,5% lãi suất từ việc cho vay này, chủ tọa phiên tòa giải thích: “HĐXX không cần biết nguồn tiền cho vay từ đâu, chỉ cần biết anh đã dùng số tiền này để cho Huyền Như vay và nhận tiền lãi từ Huyền Như thì anh phải chịu trách nhiệm với số tiền lãi vay đã được xác định”.
Chủ tọa phiên tòa cũng nhận định thêm: “Xử thì phải xử cho đến nơi đến chốn. Hành vi của anh làm rối loạn an ninh tiền tệ, anh được tuyên 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Cho vay lãi nặng” là đã quá nhẹ nên không kháng cáo phải không? Anh đã nộp 570 triệu đồng để thi hành án chưa?”, ông Chí cho biết vẫn chưa nộp số tiền này.
ÁI CHÂN
>> Lời khai mâu thuẫn giữa Huyền Như và chủ nợ
>> Các nhân viên ngân hàng thừa nhận làm sai
>> Phạm tội do tin tưởng Huyền Như >> Cho vay - bắc cầu, đòi nợ - trực tiếp >> Truy hỏi trách nhiệm của ngân hàng