Ngày 24-7, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Bình Định đã đưa vụ án phá rừng quy mô lớn nhất tại tỉnh này ra xét xử sơ thẩm lần thứ 2; lần này có đầy đủ các bị cáo, bị can, nhân chứng…
Sau khi Viện kiểm sát (VKS) đọc cáo trạng, lần lượt 3 nhóm trực tiếp tham gia “phá trắng” trên 64ha rừng tại xã An Hưng (huyện An Lão) ra đối chất trước những câu hỏi của Chủ tọa phiên tòa.
Nhóm thứ nhất, bao gồm các bị cáo Lê Văn Thiệt và Nguyễn Văn Ri. Dưới sự chỉ đạo của Lê Văn Thiệt, Nguyễn Văn Ri thuê người chặt phá 37,53ha rừng sản xuất (trữ lượng rừng bị phá 2.868,10m³, giá trị rừng bị thiệt hại là 1.942.177.500 đồng).
Bị cáo Thiệt cho biết, trước đó, Công ty CP Đầu tư - Kinh doanh tổng hợp Thương Thảo có gửi đơn đến các cơ quan chức năng huyện An Lão xin phép được khai thác và trồng lại 250ha rừng trên địa bàn xã An Hưng.
Từ năm 2013 đến 2017, bị cáo giữ diện tích rừng 100ha/250ha này. Sau đó, nhiều người dân đã lên chặt phá rừng. Bị cáo vì sợ người dân chặt, phá vào vùng rừng mình giữ nên cũng cho người khai thác.
Bị cáo Nguyễn Văn Ri cũng xác nhận, sau khi lên kiểm tra rừng thì thấy có nhiều người dân phá rừng nên về báo cho Lê Văn Thiệt.
Được chỉ đạo của Lê Văn Thiệt, Nguyễn Văn Ri thuê người chặt, phá rừng. Số gỗ chặt phá tại vùng rừng, được đưa về Nhà máy dăm Trường Sơn (Hoài Nhơn) để làm củi.
Nhóm Thứ 2, gồm các bị cáo: Lê Hồng Đức (SN 1977), Lê Xuân Hậu (SN 1986) Nguyễn Nguyên Thực, Võ Dần (SN 1949), đã chung tiền thuê nhân công phát thực bì, cưa hạ cây rừng trái phép tại khoảnh 7 và khoảnh 8, tiểu khu 1, xã An Hưng (huyện An Lão) với 17,81ha rừng phòng hộ (trữ lượng rừng bị thiệt hại 1.791,70m³, giá trị rừng bị thiệt hại là 1.934.700.300 đồng).
Các bị cáo đều cho biết, do không biết đó là “rừng cấm”, rừng có chức năng phòng hộ mà chỉ nghĩ là rừng sản xuất nên phá.
Nhóm thứ 3 gồm: Võ Ngọc Triển, Nguyễn Cứ và Phan Dễ (cùng ở huyện Hoài Nhơn), đứng ra chung tiền, thuê người phá rừng tại 7 khu vực thuộc khoảnh 7 và khoảnh 8, tiểu khu 1, xã An Hưng để trồng keo với 6,99ha, trong đó rừng có chức năng phòng hộ là 6,21ha và 0,78ha rừng có chức năng sản xuất (trữ lượng rừng bị thiệt hại là 676,30m³, giá trị rừng bị thiệt hại là 714.957.300 đồng).
Nhóm này cho biết, thấy nhiều người đến chặt phá rừng để trồng cây công nghiệp thì hùa theo, chặt phá rừng.
Tương tự, cá nhân ông Phan Dễ (cùng ở huyện Hoài Nhơn), tự ý phát rừng để trồng keo tại khoảnh 7, tiểu khu 1, xã An Hưng; diện tích rừng phòng hộ bị phá là 1,85ha (trữ lượng rừng là 186,10m³, giá trị rừng bị thiệt hại là 200.965.500 đồng).
Bị cáo Phan Dễ cũng khai, thấy nhiều người phá rừng nên hùa theo để phá, chiếm đất trồng cây công nghiệp.
Buổi chiều cùng ngày, sau buổi xét hỏi, các bị cáo yêu cầu xác định lại diện tích rừng bị phá. Các bị cáo cho rằng chưa được cơ quan điều tra cho biết việc xác định thực tế tại hiện trường, diện tích rừng bị phá là bao nhiêu?! Ngoài ra, các bị cáo khiếu nại về mức giá giám định giá trị rừng.
HĐXX thấy rằng yêu cầu các bị cáo là chính đáng nên chấp nhận trả hồ sơ cho cơ quan điều tra tiếp tục điều tra bổ sung và giám định giá trị rừng; xác định lại diện tích rừng bị phá.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 này, bị cáo Nguyễn Văn Ri cho rằng mình bị truy tố oan vì chỉ làm theo sự chỉ đạo của lãnh đạo công ty, mà cụ thể là ông Lê Văn Thiệt. Bị cáo Ri đề nghị HĐXX xem xét giảm án cho mình vì làm theo chỉ đạo.
Tuy vậy, đại diện VKS chất vấn lại, chức năng của bị cáo tại công ty do ông Thiệt làm giám đốc là lái xe, không phải khai thác, trồng rừng tại sao bị cáo lại nghe theo chỉ đạo này?