Như Báo SGGP đã đưa tin, trong phiên tòa diễn ra vào ngày 24-1, nguyên đơn - họa sĩ Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh) đã trình bày 2 yêu cầu chính khi theo đuổi vụ kiện này suốt 12 năm.
Đó là công nhận ông Lê Linh là tác giả duy nhất của các hình tượng nhân vật: Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo trong bộ truyện Thần đồng đất Việt từ tập 1 đến tập 78 và không thừa nhận bà Phan Thị Mỹ Hạnh là đồng tác giả; đề nghị Công ty Phan Thị chấm dứt việc tạo ra và sử dụng biến thể khác nhau của những hình tượng này.
Tại phiên xét xử ngày 25-1, ông Lê Linh cho rằng, mình là tác giả duy nhất của hình tượng 4 nhân vật trên, đồng thời ông vừa sáng tác truyện vừa sáng tác tranh từ tập 1 đến tập 78. Từ tập 79 trở đi, việc Công ty Phan Thị tiếp tục thuê người khác vẽ để xuất bản bộ truyện Thần đồng đất Việt là hành vi xâm phạm quyền nhân thân của tác giả được quy định tại Khoản 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, phía bị đơn lại cho rằng, bà Phan Thị Mỹ Hạnh mới là tác giả duy nhất của hình tượng 4 nhân vật đã được đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả.
Theo đó, hình tượng 4 nhân vật: Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo là sản phẩm tinh thần của bà Mỹ Hạnh, được bà tham khảo, học hỏi và phát triển từ bộ truyện Bảy viên ngọc rồng và sách Trang phục Việt Nam - Đoàn Thị Tình xuất bản năm 1986. Họa sĩ Lê Linh chỉ là người lao động có hợp đồng tại Công ty Phan Thị, thực hiện công việc được công ty giao phó.
Dự kiến, tòa sẽ tuyên án vào ngày 1-2.