Phiên đấu với chủ đề “Hội họa miền Nam Việt Nam và cảm hứng lãng mạn phương Đông”, có 9 trong tổng số 26 tác phẩm đã được bán thành công, với tổng giá trị giao dịch lên đến 148.800 USD. Phiên mở màn năm mới của Lý Thị đã mang lại nhiều hứng khởi cho những người yêu nghệ thuật, hứa hẹn khởi sắc cho thị trường mỹ thuật.
Tác phẩm “Idylle” của họa sĩ Vũ Cao Đàm được bán với giá 33.500 USD
Nhiều hứa hẹn với hội họa miền Nam
Trước phiên đấu giá, bà Lý Bích Ngọc, người sáng lập Nhà đấu giá Lý Thị bày tỏ: “Trong tiến trình của nghệ thuật hiện đại Việt Nam, những tiếng nói và đóng góp của các tác giả miền Nam Việt Nam chưa được nhìn nhận xác đáng, điều này là một thiếu sót rất đáng tiếc. Đánh giá đúng vai trò và tôn vinh giá trị nghệ thuật của hội họa miền Nam sẽ bổ khuyết thêm một giai đoạn quan trọng đang còn thiếu sót vào lịch sử nghệ thuật Việt Nam. Với 20 trong tổng số 26 tác phẩm thuộc các tác giả miền Nam, đây được xem là phiên đấu giá quy tụ đông đảo nhất những tác giả thành danh tại miền Nam Việt Nam từ những năm trước 1975”. Bà Bích Ngọc khẳng định, tác phẩm của các tác giả miền Nam chắc chắn sẽ là một thành tố mới nổi, góp thêm nhiều giá trị cho thị trường nghệ thuật Việt Nam trong tương lai.
Không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn, các tác phẩm ngay lập tức đã thu hút giới sưu tập. Bức sơn dầu “Thủy tạ Thảo cầm viên Sài Gòn” của họa sĩ Hiếu Đệ vẽ trước 1975 được mua nhanh chóng giá 5.200 USD, khá “dễ thở” so với mức khởi điểm 5.000 USD. Bức “Cá vàng” của họa sĩ Uyên Huy bán 4.100 USD (khởi điểm 4.000 USD). Tranh sơn dầu “Thiếu nữ” của họa sĩ Dương Sen (thuộc sở hữu của ông bà Trần Thị Thu Hà và Đặng Hải Sơn - chủ phòng tranh Tự Do nổi tiếng một thời) bán giá 3.800 USD (khởi điểm 3.500 USD). Khó khăn hơn, các nhà sưu tập đã phải tranh nhau quyết liệt để được sở hữu các tác phẩm: tranh màu nước “Lơ thơ tơ liễu buông mành, con oanh học nói trên cành mỉa mai” (vẽ năm 1996) của họa sĩ Nguyễn Quỳnh, sơn dầu “Điều bí ẩn” (vẽ năm 2007) của họa sĩ Hồ Hữu Thủ và bức sơn dầu “Thiếu nữ và hoa sen” vẽ năm 2013 của họa sĩ Nguyễn Trung. Phải qua 6-7 bước giá, cuối cùng bức tranh của họa sĩ Nguyễn Quỳnh chốt giá 10.000 USD (khởi điểm 6.000 USD), tranh của họa sĩ Hồ Hữu Thủ bán giá 6.200 USD (khởi điểm 5.000 USD) và tranh của họa sĩ Nguyễn Trung bán 20.000 USD (khởi điểm 15.000 USD).
Cuộc đua quyết liệt nhất phải kể đến tác phẩm “Trên đồi sương”, vẽ trước năm 1975 của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Lối vẽ rất riêng của vị kiến trúc sư nổi tiếng đã tạo một lực hút bất ngờ. Phải đến bước giá thứ chín, bức tranh mới thuộc về một nhà sưu tập vắng mặt, chốt giá 12.000 USD (mức khởi điểm 8.000 USD).
Các danh họa chiếm vị trí cao nhất
Không nằm ngoài dự đoán, các danh họa bậc thầy của mỹ thuật Việt Nam, những thế hệ đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương chiếm vị trí cao nhất phiên đấu. Theo đó, tác phẩm sơn dầu trên vải lụa và ván “Tĩnh vật hoa” của danh họa Lê Phổ (vẽ năm 1955, lot 24) có giá khởi điểm là 50.000 USD. Bậc thầy Vũ Cao Đàm lần đầu tiên góp mặt tại sàn đấu giá Lý Thị với 2 bức: sơn dầu trên toan “Idylle” (vẽ năm 1969, lot 25) giá khởi điểm 30.000 USD, mực và thuốc nước trên lụa “Chân dung thiếu nữ” (vẽ năm 1933, lot 26) có mức giá khởi điểm cao nhất 52.000 USD. Kết quả, bức “Idylle” của danh họa Vũ Cao Đàm chốt giá 33.500 USD, bức “Tĩnh vật hoa” của danh họa Lê Phổ gõ búa mức giá 54.000 USD, thuộc về một nam chủ nhân xin được không nêu tên - một nhà sưu tập trẻ khá tiếng tăm.
Bức sơn dầu “Thiếu nữ và hoa sen” vẽ năm 2013 của họa sĩ Nguyễn Trung
Một nhà sưu tập trẻ (thế hệ 8X), lần đầu tiên tham gia đấu giá tại sàn Lý Thị chia sẻ, anh làm trong ngành xây dựng và rất thích tác phẩm của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. “Tôi mơ ước được sở hữu tác phẩm của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, nhưng tiếc là tham gia đấu giá chưa thành công”, anh nói. Tân chủ nhân của bức “Idylle” là một nữ doanh nhân ở quận 1, TPHCM. Chia sẻ sau phiên đấu, chị cho biết: “Tôi đến dự phiên đấu với chủ ý quan sát chứ không nghĩ là mình sẽ mua tranh. Tuy nhiên, khi nhìn thấy bức “Idylle”, tôi đã lập tức bị mê hoặc. Tên tuổi Vũ Cao Đàm và nguồn gốc của tác phẩm mà tôi xem qua chính là bảo chứng giá trị nhất cho bức tranh tuyệt vời này. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được sở hữu tác phẩm”. Sắp tới đây, Vũ Cao Đàm sẽ góp mặt ở phiên đấu quốc tế đầu tiên 2018 tại Hồng Công - Trung Quốc.
Đối với các nước phát triển, việc đầu tư cho một tác phẩm mỹ thuật, ngoài tình yêu nghệ thuật, còn là một kênh đầu tư an toàn và còn có thể sinh lợi rất hiệu quả. Trong khi ở Việt Nam, việc sưu tập tranh và nhất là xem nghệ thuật là một kênh đầu tư (tương tự như bất động sản, thị trường chứng khoán…) vẫn còn là điều rất mới mẻ. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, thực tế hiện nay đã có nhiều biến chuyển. Ngoài niềm phấn khích, một tín hiệu vui sau phiên đấu giá, chính là hiện nay thị trường mỹ thuật trong nước đã thực sự xuất hiện một lớp các nhà sưu tập trẻ thế hệ 7X, 8X thực sự quan tâm đến mỹ thuật, yêu mến văn hóa và nghệ thuật truyền thống. “Điều này cho chúng ta một cái nhìn đầy lạc quan trong tương lai, những tác phẩm nghệ thuật quý giá của Việt Nam sẽ được các thế hệ trẻ trân trọng, lưu giữ”, bà Bích Ngọc nói.