Phiên chợ có 1 không 2
Chợ Gò Trường Úc (hay chợ Gò) đã thành lễ hội truyền thống, diễn ra giữa thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước, Bình Định), cách TP Quy Nhơn 8km. Chợ có nhiều nét độc đáo, riêng biệt. Phiên chợ không hề có sản phẩm đắt tiền mà chủ yếu là sản vật cây lá vườn quê của cư dân ven sông Kôn tự sản xuất.
Đặc biệt, trong phiên chợ người bán không hề nói thách và người mua cũng không trả giá, mọi người chỉ mua bán nhỏ nhẹ, từ tốn và niềm nở như để trao xuân "lấy lộc" đầu năm mới. Nhiều món hàng quê được đem ra mua bán, trao đổi tại chợ Gò trong đó có các đặc sản như: nem Chợ Huyện, rượu nếp Trường Úc, bánh trái…
Món hàng được mua bán nhiều nhất tại chợ là trầu cau, muối, quả sung và các loại trái cây, lá “lấy lộc” cầu may. Mỗi món hàng, người mua chỉ bỏ ra vài ngàn đến vài chục ngàn đồng để mua mỗi thứ một ít.
Chợ Gò cũng lồng ghép nhiều trò chơi truyền thống như: biểu diễn võ cổ truyền Bình Định, hô bài chòi, múa lân, đánh cờ, đập bong bóng và các trò chơi dân gian … Bởi nhiều nét truyền thống, độc đáo trên mà chợ Gò được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xếp hạng 100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Tống năm nay đã 64 tuổi nhưng vẫn giữ truyền thống tham gia chợ Gò. Hỏi về gốc gác chợ Gò, bà Tống lắc đầu không biết nhưng theo lời bà thì chợ tồn tại hàng trăm năm, là dịp để người mua và người bán cầu mong điều may mắn, lấy lộc đầu năm.
“Từ 5 giờ sáng tôi đã mang vài bó rau muống, ít chùm sung, trầu cau, muối… đến chợ để trao đổi, mua bán lấy lộc cầu may”, bà Tống chia sẻ.
Chợ Gò tưởng nhớ nghĩa sĩ trận "thủy chiến" ?
Đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh hoặc tìm lời giải về nguồn gốc hay lý do vì sao chợ Gò chỉ họp 1 lần trong năm. Tuy nhiên, theo 1 số cao niên người bản địa, chợ Gò có nguồn gốc từ thời quân lính nhà Tây Sơn, nhưng không ai rõ năm nào, xuất phát vào thời điểm nào.
Tương truyền, xưa quân lính Tây Sơn về đóng ở Trường Úc để nghênh chiến với quân nhà Nguyễn từ phía Nam qua cửa Thị Nại (khoảng năm 1800). Để quân lính bớt nhớ nhà, xoa dịu đau thương mất mát trong dịp tết đến thì người dân bản địa chọn ngày mùng 1 Tết tổ chức các trò chơi dân gian, họp chợ ngay bãi thao trường trên gò đất Trường Úc.
Nhiều người dân trong vùng cũng đổ đến để tham gia biểu diễn các tiết mục nghệ thuật, trò chơi truyền thống. Các lò võ cổ truyền Bình Định cũng đến biểu diễn, giao lưu võ võ thuật tạo khí thế. Nhờ đó tạo nên không khí vui tươi, ấm áp động viên các binh sĩ ngày tết. Chợ hò reo xôm tụ rợp người, rợp cờ đến cuối chiều tàn thì vãn.
Cũng vì thế mà hàng năm chợ Gò đều khởi lên ngày mùng 1 Tết và trở thành nét truyền thống của cư dân trong vùng, để tưởng nhớ nghĩa quân Tây Sơn trong trận “thủy chiến” đầm Thị Nại năm xưa.
Về sau, chợ trở thành nơi để người dân trao đổi hàng hóa, mua bán mặt hàng cây nhà lá vườn và “lấy lộc” cầu may. Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, thăm hỏi sức khỏe, hàn huyên những kỷ niệm…
>>>Một số hình ảnh ghi nhận tại chợ Gò mùng 1 Tết Giáp Thìn 2024: