Phiên chất vấn sáng 5-11: Xác định tự chủ một phần hay tự chủ toàn diện
SGGPO
Sáng 5-11, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội bắt đầu với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan về quản lý trung tâm y tế cấp huyện. Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo, trả lời về tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập. Sau đó Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tiếp tục trả lời các câu hỏi ĐB đặt ra tại buổi chất vấn chiều 4-11.
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn về lĩnh vực nội vụ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận xét, lần đầu tiên trả lời chất vấn nhưng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã nắm rõ, chỉ rõ được nhiều bất cập trong lĩnh vực, những vấn đề còn gây bức xúc trong xã hội. Việc trả lời mạch lạc, rõ ràng, thẳng thắn nhận trách nhiệm, đề xuất nhiều giải pháp với Quốc hội và Chính phủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối bên trong của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, gắn với cơ cấu lại đội ngũ, khắc phục tình trạng giảm biên chế cào bằng. Đồng thời xây dựng vị trí việc làm, bảng mô tả công việc và khung vị trí việc làm; triển khai hiệu quả đề án tự chủ. Năm 2023 trình cấp có thẩm quyền về cải cách chế độ tiền lương. Khẩn trương ban hành định mức biên chế phù hợp vùng miền, lĩnh vực…
Dự kiến giảm 17 tổng cục, 8 cục và 145 vụ
Báo cáo trước Quốc hội về các vấn đề ĐB quan tâm, trong đó có nội dung liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã có phải là “quá vội vàng”, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, đây là chủ trương lớn, quan trọng, thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương, Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã lập đoàn giám sát chuyên đề về việc này, qua đó đánh giá việc thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị đã bước đầu hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đề ra. Kết quả đã giảm 8 huyện 561 xã, góp phần tinh gọn bộ máy, giảm chi ngân sách nhà nước. Những hạn chế đã được các ĐB đặt câu hỏi, trao đổi tại diễn đàn Quốc hội.
Tới đây, Chính phủ sẽ trình đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 22-25, định hướng 2030, hoàn thiện chính sách với cán bộ ở nơi sắp xếp, nhất là với các cán bộ dôi dư.
Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh trao đổi về vấn đề tinh giản biên chế. Ảnh: QUANG PHÚC
Liên quan đến sắp xếp, tổ chức bộ máy của các bộ ngành, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết việc này đã được triển khai với quyết tâm cao, rà soát chức năng nhiệm vụ, đảm bảo không chồng chéo. Đến nay, Chính phủ đã ban hành 15 nghị định liên quan đến các bộ, còn 11 bộ ngành sẽ có nghị định về tổ chức bộ máy thời gian tới. Việc sắp xếp này sẽ giúp giảm 17 tổng cục, 8 cục và 145 vụ.
Về vấn đề tinh giản biên chế, theo Phó Thủ tướng Thường trực, đến nay đã giảm được 27.530 biên chế công chức (đạt 10,01%), giảm 236.366 biên chế viên chức (11,67%). Tuy nhiên việc tinh giản biên chế còn mang tính cơ học, tới đây Chính phủ sẽ chỉ đạo tiếp tục tinh gọn bộ máy, đổi mới công tác đánh giá… Về giáo dục, y tế, Chính phủ cũng rất quan tâm bố trí đội ngũ cán bộ đáp ứng được nhu cầu, với tinh thần có học sinh phải có giáo viên đứng lớp, có bệnh nhân phải có cán bộ y tế.
Có quyết định 20 năm chưa được bổ sung, thay thế
Về tiêu chuẩn cán bộ theo Quyết định 04 của Bộ Nội vụ ban hành từ năm 2004 mà gần 20 năm chưa thấy thay thế như ĐB Trần Thị Thu Hằng nêu, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhìn nhận, những năm qua hệ thống chính trị, đặc biệt là các địa phương đã đặc biệt quan tâm chăm lo đội ngũ cán bộ cấp xã nên chất lượng đã được nâng lên rõ rệt.
Cả nước có 82% cán bộ công chức cấp xã có trình độ đại học, là kết quả nỗ lực vượt bậc của 63 tỉnh thành trong nhiều năm. Nhưng cũng phải nhìn từ thực tiễn là nguồn đầu vào chưa được như công chức. Tới đây Bộ cũng sẽ tham mưu cho Chính phủ thay thế Quyết định 04 này vì đã lỗi thời không còn phù hợp.
ĐB Vương Thị Hương (Hà Giang) nêu ý kiến về giảm biên chế. Ảnh: QUANG PHÚC
Trả lời ĐB Vương Thị Hương (Hà Giang) về quan điểm của Bộ trưởng về việc giảm 10% biên chế ở các vùng khó khăn, Bộ trưởng cho rằng Kết luận 40 giao nhiệm vụ giảm 5% công chức, 10% viên chức. Nhiều địa phương đang nhầm lẫn khái niệm “giảm biên chế viên chức” và “giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước”. Ở đây, chủ trương là giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Sẽ có nghị định mới về thu hút nhân tài
Trả lời ĐB Lê Nhật Thành (Hà Nội) về hoạt động giám sát của HĐND TP khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Theo Bộ trưởng, mô hình này thực hiện từ 1-7-2021, sau 3 năm sẽ tiến hành sơ kết. Đến nay, những nơi không tổ chức HĐND quận, phường đã rất quan tâm để HĐND TP thực hiện giám sát. Trước mắt, các địa phương căn cứ quy định pháp luật để giám sát ở cấp phường, quận đạt yêu cầu. Bộ sẽ phối hợp với 3 địa phương để xem xét đánh giá 3 năm thực hiện chính quyền đô thị một cách kỹ lưỡng, toàn diện.
Trả lời ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đăk Nông) về khó khăn hạn chế khi thực hiện Nghị quyết 140, Bộ trưởng cho biết, trong Nghị quyết 86 về thu hút nhân tài có đưa ra mục tiêu đến 2020 sẽ thu hút 1.000 sinh viên xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ. Thực chất chúng ta thu hút chưa được nhiều. Đến ngày 30-6-2022, cả nước mới thu hút được 258 sinh viên xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ. Do vậy, việc thực hiện Nghị quyết 140 cũng còn hạn chế dù có nhiều chính sách tốt. Nhiều nơi cũng chưa thực sự quyết tâm tuyển dụng theo Nghị định 140. Một số bộ, ngành Trung ương rất quan tâm, như Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ cũng tuyển được 2 lần, một lần được 10, một lần được 7 người. Những người được tuyển dụng làm việc tốt, tiếp cận công việc rất nhanh, là nguồn nhân lực chất lượng cao, nổi trội trong nền công vụ.
ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đăk Nông) đặt vấn đề về hạn chế khi thực hiện Nghị quyết 140. Ảnh: QUANG PHÚC
Bộ sẽ đánh giá lại toàn diện, từ đề án quốc gia thu hút và trọng dụng nhân tài mà tới đây Thủ tướng sẽ ban hành, Bộ sẽ xây dựng Nghị định mới, kết hợp cả Nghị định 140. “Dù không thể so sánh với khu vực tư về thu hút nhân tài, nhưng chúng ta cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để thu hút và tạo môi trường làm việc tốt nhất cho nhân tài trong khu vực công”, Bộ trưởng nói, đồng thời cho biết Bộ Nội vụ cũng đang rất trăn trở về vấn đề này.
Sẽ đánh giá toàn diện sau 5 năm tự chủ
Không phải không làm được, nếu quyết tâm nỗ lực, có đầy đủ cơ chế thì có thể thực hiện được. Cho nên với đơn vị sự nghiệp y tế và các đơn vị khác mới đạt kết quả bước đầu, vẫn còn hạn chế. Kết quả tổng thể vẫn khiêm tốn, chưa đạt mục tiêu. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân là chưa hoàn thiện được thể chế đồng bộ, nhất quán để thúc đẩy tự chủ, như các luật: Đấu thầu, Đất đai, Khám Chữa bệnh, Giáo dục đại học… còn bất cập. Hay những văn bản dưới luật cũng phải sửa, như Nghị định 99, hoặc phải ban hành mới như định mức kinh tế kỹ thuật, quy hoạch đơn vị sự nghiệp như thế nào để có cơ sở thực hiện tự chủ. Hay tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công ích cũng chưa hoàn thiện.
Hai năm qua, Việt Nam ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, nên các đơn vị sự nghiệp, nhất là đơn vị y tế gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự hướng dẫn của cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng trong vấn đề tự chủ chưa thực sự ráo riết, quyết liệt. Bản thân đơn vị sự nghiệp, một số người đứng đầu cũng chưa quyết liệt.
Quang cảnh phiên chất vấn sáng 5-11. Ảnh: QUANG PHÚC
Bộ trưởng dẫn lại phát biểu của ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) về tự chủ y tế: Nếu không tự chủ là chúng ta thất bại, thiếu quyết tâm, thiếu phương pháp, có phần bạc nhược.
Từ đó, Bộ trưởng nêu một số giải pháp, tới đây Bộ sẽ tham mưu Chính phủ đánh giá toàn diện sau 5 năm thực hiện tự chủ, để tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản để khơi thông tự chủ. Đồng thời đề nghị các bộ ngành địa phương, các đơn vị sự nghiệp cũng phải quyết tâm, dù khó khăn cũng có thể thực hiện được, ít nhất là tự chủ một phần.
Còn 8 đơn vị đại học vẫn dùng ngân sách
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trả lời ĐB Huỳnh Thị Ánh Sương về khó khăn vướng mắc sau khi sắp xếp lại huyện đảo Lý Sơn, không còn chính quyền cấp xã nữa. Từ đó việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân gặp khó khăn. Bộ trưởng cho biết, theo Nghị quyết, những thẩm quyền trước đây của cấp xã thì nay thuộc cấp huyện.
Trả lời ĐB Nguyễn Danh Tú về đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp, Bộ trưởng nhấn mạnh, tự chủ đơn vị sự nghiệp là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Nhiều năm qua, tự chủ đã đạt được những kết quả rất đáng kể, thay đổi tư duy nhận thức về việc này, từng bước hoàn thiện thể chế chính sách để thúc đẩy tự chủ, nhất là các đơn vị sự nghiệp kinh tế, y tế, giáo dục đại học.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tiếp tục trả lời các câu hỏi ĐB đặt ra tại buổi chất vấn chiều 4-11. Ảnh: QUANG PHÚC
Hiện nay tự chủ tài chính, tự chủ chi đầu tư, chi thường xuyên đã đạt 6,6% số đơn vị. Trong số 47.000 đơn vị sự nghiệp công lập, tự chủ toàn phần đạt 18,7%. Như vậy là chưa đạt mục tiêu của Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương (mục tiêu là 100%). Nhưng trong một số lĩnh vực đã đạt kết quả tốt, như tự chủ giáo dục đại học, có 108/232 đơn vị đại học đã đảm bảo tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư, đảm bảo chi thường xuyên (46%), số tự chủ một phần cũng rất lớn, chỉ còn 8 đơn vị đại học vẫn phải phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
Từ thành công của tự chủ giáo dục đại học, các đơn vị đã cơ cấu lại tổ chức bộ máy tinh gọn hơn, tập trung cho đội ngũ giảng viên, có nơi giảm tới 20% đầu mối bên trong của đơn vị. Cùng đó là sự năng động sáng tạo, liên kết để nâng cao giáo dục đại học. Bên cạnh đó, phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cho giáo dục đại học đã giảm đi và vẫn còn vướng mắc giữa thực tiễn và Luật Giáo dục đại học.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời tại phiên chất vấn sáng 5-11. Ảnh: QUANG PHÚC
Trả lời về tự chủ tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60 thay thế Nghị định 16, trong đó xác định tự chủ một phần hay tự chủ toàn diện. Với các dịch vụ thiết yếu thì nhà nước đảm bảo kinh phí. Cùng với thực hiện tự chủ tài chính thì hoàn thiện chính sách đất đai (có phải nộp tiền thuê đất hay không…), hay đấu thầu để thực hiện các dịch vụ công. Hiện có một vướng mắc nữa là các đơn vị sự nghiệp công lập trước đây có một số thí điểm về tự chủ toàn phần nhưng huy động nguồn lực xã hội hóa thì gặp khó khăn, như Bệnh viện Bạch Mai, K, Việt Đức. Hiện nguồn thu khó khăn, liên doanh liên kết cũng khó khăn nên các đơn vị xin chỉ tự chủ một phần. Tôi cho rằng đó cũng là hợp lý, để làm sao phục vụ người dân tốt nhất. Tiến tới khi có nguồn thu ổn định và phát triển thì tiến tới tự chủ toàn phần.