Những “thượng đế” thiếu ý thức
Mấy ngày nay, mạng xã hội dậy sóng với màn “bóc phốt” của chủ một khách sạn ở Đà Nẵng khi gặp phải 2 vị khách trẻ lén mang thú cưng vào phòng thuê rồi để nó vô tư phóng uế, cắn nát nhiều đồ đạc của khách sạn.
Ngay cả đồ cá nhân sau khi sử dụng, hai vị khách này cũng xả lung tung, bừa bộn. Khi trả phòng, chủ khách sạn góp ý, họ còn tỏ thái độ thiếu thiện chí, rồi bỏ đi.
Trước đó, chủ một homestay ở Đà Lạt cũng từng lên cơn “tăng xông” khi thấy homestay của mình bị một nhóm khách trẻ thuê nguyên căn và sử dụng như phá.
Theo chủ homestay này, phòng ốc và không gian chung chỉ được giữ sạch sẽ ngày đầu để chụp hình đăng Facebook, còn những ngày sau đó, nhóm khách sẵn sàng bày bừa ra mọi nơi, dùng khăn tắm để lau sàn, nấu cháy nồi, không dọn dẹp sau khi ăn uống, nhậu nhẹt…
Khi bị chủ homestay yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại trên, nhóm bạn trẻ không những không tỏ ra hối lỗi mà còn “trả thù” bằng cách đánh giá chất lượng của homestay không tốt trên các trang dịch vụ du lịch.
Có thể thấy, thời gian qua, không ít người trẻ bị than phiền về cách ăn ở, về ý thức giữ gìn vệ sinh. Đáng nói, nhiều người sẵn sàng bỏ hàng giờ để trang điểm thật kỹ càng, trau chuốt từ hàng mi mắt đến bộ móng chân gọn gàng, trang phục phải thật cuốn hút nhưng phía dưới chân, rác chất thành đống, đồ ăn lưu cữu từ ngày này qua ngày khác, chén dĩa được chất chồng sau nhiều bữa ăn với quan điểm “đóng cửa lại thì ai biết đấy là đâu, miễn ra ngoài mình sạch sẽ, thơm tho là được”.
Khi lối sống bừa bộn ấy thành thói quen thì một bộ phận người trẻ không chỉ ở bẩn nơi mình sinh sống mà sẵn sàng xả rác, bày bừa ra bất cứ đâu mà họ tới.
Không chỉ nơi dân dã kiểu homestay mà cả những khách sạn 4, 5 sao, thậm chí là quản lý khách sạn ở nước ngoài cũng từng than trời vì là nạn nhân của những “thượng đế” Việt thiếu ý thức.
Ảo tưởng sức mạnh của đồng tiền
Hầu hết mọi người đều bất bình với hành vi xả rác, bày bừa bãi của những bạn trẻ nói trên, nhất là khi lối sống ấy không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân họ mà còn làm phiền đến người khác.
Phạm Quỳnh Nhi (ngụ quận 11) còn cho rằng việc xả rác, sử dụng đồ dùng không đúng mục đích ở khách sạn, homestay còn là hành vi phá hoại tài sản của người khác.
Song, cũng có nhiều quan điểm cho rằng, ai làm việc của người nấy, tất cả đều có giá của nó.
“Các bạn cứ nói người khác, tôi nghĩ, mỗi người mỗi việc. Ở nơi công cộng thì việc dọn dẹp đã có công nhân vệ sinh lo, họ hưởng lương từ thuế của người dân thì phải phục vụ người dân là chuyện bình thường. Còn ở nhà nghỉ, khách sạn, người ta bỏ tiền ra thuê dịch vụ để đi du lịch cho thoải mái, sao lại bắt người ta phải dọn dẹp. Chẳng phải trong giá phòng đã có chi phí dọn dẹp hay sao?”, tài khoản T.M trên Facebook nêu quan điểm.
Quan điểm của T.M không sai về quy luật nhưng lại chưa đúng về mặt giá trị đạo đức cũng như tính nhân văn, tính cộng đồng ở mỗi con người.
Trong khi đó, các khách sạn, nhà nghỉ hoặc địa điểm kinh doanh dịch vụ cho thuê phòng đều có điều khoản giữ gìn vệ sinh và bảo quản đồ dùng nhưng khi các khách hàng vi phạm điều này lại rất khó xử lý.
John Pham, chủ một homestay ở Nha Trang cho biết, điểm kinh doanh của mình không ít lần trở thành bãi rác của khách trẻ nên tự xây dựng một quy tắc riêng, chấp nhận lùi lại một nhịp trong thị trường dịch vụ cho thuê phòng đang phải cạnh tranh rất khốc liệt như hiện nay.
Theo John Pham, sau khi khảo sát để tìm hiểu về lý do người trẻ vô tư xả rác trong phòng thuê khi đi du lịch, anh thấy không ít người cho rằng họ bỏ tiền ra thuê phòng, thuê dịch vụ thì việc ở thế nào là chuyện của họ, còn chuyện dọn dẹp là của phía đơn vị kinh doanh.
Chưa từng gặp phải khách ở bẩn như nhiều khách sạn khác nhưng Nguyễn Hùng Sơn (kinh doanh khách sạn ở Vũng Tàu) cũng đưa ra giả thuyết: “Giả sử, các bạn sẽ là người đến sau, là người sử dụng các vật dụng đã từng bị thú cưng phóng uế hay khăn tắm từng dùng làm giẻ lau nhà cho dù khách sạn đó đã giặt giũ, dọn rửa thì các bạn sẽ nghĩ gì?”.
Rõ ràng, ai cũng muốn mình được phục vụ sản phẩm tốt nhưng chính mình lại không sử dụng tốt những sản phẩm ấy thì sớm muộn cũng sẽ là nạn nhân của sự dơ bẩn.