“Chùa” không phép
Xuống sân bay Vân Đồn lúc 15 giờ, theo đường cao tốc nhánh Vân Đồn - Uông Bí còn tươi mới nhựa đường, lưu lượng người tham gia giao thông còn vắng sau đợt phong tỏa do dịch Covid-19 ở cả khu vực này, chỉ 50 phút sau, xe đã đưa chúng tôi đến Công viên Văn hóa Cao Sơn Lưu Thủy tại phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh).
Nằm ngay dưới chân núi Linh Sơn, phía trước là vịnh Bái Tử Long tuyệt đẹp, Công viên Văn hóa Cao Sơn Lưu Thủy như một đảo nhỏ xanh mát. Ngay lối vào từ cổng phụ là khu nhà chánh điện, được thiết kế theo kiến trúc chùa cổ Việt. Phía trong công viên là khoảng đất rộng khoảng hơn 3ha, có nhiều công trình được xây dựng mô phỏng tháp Bút, tháp Phúc Duyên, Văn Miếu, cổng dẫn lên vọng cảnh đài in đậm dòng chữ phía trên: “Linh Sơn tự”.
Chánh điện “chùa” nằm khuất phía sau núi Linh Sơn, nhìn về hướng núi Vũng Đục, Hòn Một. Bà V., người trông coi “chùa”, dẫn chúng tôi tham quan cảnh vật nơi đây, giới thiệu: Công viên này được xây dựng từ năm 2003, lúc đầu có tên là chùa Linh Sơn, sau được sư trụ trì đặt lại là chùa Từ Tâm.
“Chùa hiện do Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý?”, chúng tôi hỏi.
Bà V., gạt tay, nói: “Gần 20 năm nay vẫn do Công ty CP Than Cao Sơn quản lý”.
“Hiện, thầy trụ trì chùa là ai?”.
“Thầy Giác Thành. Hiện thầy đang đi học. Mùng 1, ngày rằm hàng tháng, hay các lễ lớn thầy mới về làm lễ, phật tử về đông lắm”, bà V. cho biết.
Chúng tôi đến UBND phường Cẩm Sơn, Chủ tịch UBND phường Hoàng Tuấn Khanh, cùng Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Huế tiếp chúng tôi. Ông Khanh nói: “Trên địa bàn chỉ có chùa Phả Thiên, không có chùa nào khác”.
“Còn chùa Từ Tâm nữa?”, chúng tôi hỏi.
“Đó là Công viên Văn hóa Cao Sơn Lưu Thủy thuộc Công ty CP Than Cao Sơn quản lý”, ông Khanh trả lời.
“Đây là ngôi chùa mà. Trước kia có đại đức Minh Lâm trụ trì, hiện nay là một vị sư”, chúng tôi nói thêm.
“Anh đừng nói trước kia, tôi không biết. Hiện nay không có sư trụ trì nào ở đây, và cũng không có hoạt động tôn giáo nào ở đây. Tôi vừa xuống dưới đó, không thấy có sư và cũng không có cúng tụng gì”, ông Khanh khẳng định.
Chúng tôi thông tin thêm: “Nhiều năm qua, trong các lễ lớn hay mùng một, ngày rằm hàng tháng người dân khắp nơi về chùa cúng lễ đông lắm mà”.
Ông Khanh dửng dưng: “Cái đó tôi không biết!”…
Ở xã Diễn An, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) có một “ngôi chùa” mọc lên trên khu đất 5ha, nguyên trước kia là một khu rừng. Từ năm 2017 - 2019, ngôi chùa này nhiều lần bị UBND xã Diễn An xử phạt về các hành vi san lấp, xây dựng trái phép. Thế nhưng, không hiểu sao ngôi chùa vẫn tồn tại đến nay.
“Ngôi chùa” có tên Linh Sơn Tự, được xây dựng theo lối kiến trúc chùa cổ với 7 gian, bên trong là các trụ gỗ và những bức tượng to... Trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn có 2 “ngôi chùa” không phép tại huyện Thanh Chương và Nghi Lộc với giá trị đầu tư hơn 120 tỷ đồng. Trong đó, “chùa” Linh Sâm ở xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương được xây trên khu đất thuộc Di tích lịch sử quốc gia Đền Hữu. Năm 2020, UBND huyện Thanh Chương đã kỷ luật 4 cán bộ xã vì để “ngôi chùa” xây dựng không phép này, trong đó có bí thư đảng ủy và 1 phó chủ tịch UBND xã.
Trên núi Tam Đảo, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), thời gian qua xuất hiện một “ngôi chùa” mang tên Chùa Vàng. Đặc biệt, “ngôi chùa” xây trái phép ở vị trí đắc địa trên núi Tam Đảo này không có sư trụ trì, và cũng không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý. Không những vậy, “ngôi chùa” còn được xây ngay dưới chân cột phát sóng truyền hình Tam Đảo, cao 5 tầng, với thiết kế lạ, mái cong đầu đao.
Theo lời kể của người dân, năm 2007, khi công trình được dựng lên, chính quyền địa phương có đến đình chỉ vài lần, nhưng sau đó nó vẫn tồn tại, tổ chức cúng bái vào mùng 1, ngày rằm hàng tháng, thu hút du khách khắp nơi đến chiêm bái, dâng lễ.
TPHCM: Hàng trăm “chùa lạ” thản nhiên tồn tại
“Cứ tới đầu hẻm 446, tỉnh lộ 7, xã Trung Lập Hạ (huyện Củ Chi), hỏi thầy Long con bà Ri, ai cũng biết”. Theo lời giới thiệu của chị Sáu, ngụ xã Trung Lập Hạ, chúng tôi tìm gặp “thầy Long”, như lời đồn đại của nhiều người về một ông “sư trẻ thần thánh”. Thực hư như thế nào được chúng tôi ghi nhận qua câu chuyện gặp “thầy Long” dưới đây:
“Thầy pháp danh là gì ạ?”.
“Thầy là Đại đức Thích Đồng Long, trụ trì chùa Liên Trì”.
“Chùa xây lâu chưa ạ?”.
Chúng tôi đang hỏi bỗng một phụ nữ trạc 50 tuổi từ trong bước ra, chen vào: “Tôi là mẹ thầy Long. Chùa có hai mẹ con ở đây thôi. Chùa xây gần 10 năm rồi, lúc thầy mới hơn 10 tuổi. Thầy cũng muốn mở rộng chùa mà chưa có kinh phí”.
“Chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam hả thầy?”, chúng tôi hỏi tiếp.
“Chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất”, mẹ “thầy Long” nói.
“Thầy quê ở đâu?”.
“Thầy quê ở đây, đất nhà, cứ xây chùa lên, ai đến cúng thì cúng”…
Chúng tôi gặp chính quyền địa phương. Ông Phan Hồng Trí, Phó Ban Công tác Mặt trận ấp Trung Hòa, xã Trung Lập Hạ, cho chúng tôi biết: “Thầy Long tên thật là Phạm Trần Công Trình, năm nay 21 tuổi, đã tu tập gì đâu. Năm 2018, “thầy Long” có lôi kéo một số thanh niên địa phương đi biểu tình, gây rối trật tự ở trung tâm thành phố. Chính quyền gọi lên xử lý. Thời gian gần đây, Long thường mời một số người nơi khác về cúng, lễ, nhưng sau đó đều bị chính quyền can thiệp. Ngay tấm bảng hiệu “chùa Liên Trì” đặt trước cổng chùa cũng đã bị chính quyền yêu cầu hạ xuống, vì chùa chưa được pháp lý công nhận”…
Tại ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) cũng có một “ngôi chùa” bị hạ bảng hiệu, vì là “chùa lạ” do một “thầy” từ nước ngoài về, tự đặt tên chùa là “Hoằng Pháp Trung ương” và tự phong Thượng tọa Thích Tâm Phúc, trụ trì chùa.
Đến ấp Láng Cát, hỏi đường vào “chùa thầy Phúc”, ai cũng biết. Một phụ nữ trạc 30 tuổi, chỉ: “Cuối đường tới ngã ba rẽ phải vào mấy chục mét là gặp chùa bên trái”. Tới trước sân đã nghe tiếng “thầy Phúc” rao giảng phật pháp trước camera điện thoại của các YouTuber.
“Đêm qua thầy Phúc bị mất 4 con voi đá đó”, một tay máy nói với chúng tôi.
“Thầy Phúc” liền giải thích: “4 con voi cổ này có hơn 1 tỷ đồng chứ nhiêu, đồ bỏ. Đồ của thầy đồ cổ nhiều lắm, bày đầy trong tủ kia kìa, toàn đồ đồng cổ có giá trị từ nước ngoài mang về. Thầy tu lâu năm ở nước ngoài, có quyết định công nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam Ma Ha Zin. Về Việt Nam nó chưa chịu cho vô giáo hội, nó đòi tiền cao quá, lúc đầu đòi 500 triệu đồng, sau cả mấy tỷ đồng, mình không có đủ nên không vô nữa”, “thầy Phúc” nói.
“Chùa này xây lâu chưa thầy?".
“Xây 3 năm rồi. Thầy tu bên Campuchia, mới về hơn năm nay”.
“Đất chùa rộng quá sao thầy không xây thêm ra”.
“Đất ông bà để lại hơn 2.000m. Tôi đang tính mua hết bên kia, đối diện là 60.000m, kế bên là 30.000m, họ nói giá 5 triệu đồng/m2. Mua làm trung tâm nuôi trẻ mồ côi, bệnh viện, trường đại học Phật giáo. Thầy đợi học xong tiến sĩ rồi làm, còn hơn 1 năm nữa, đang cần tiền để học tiếp. Thầy là người thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Ma Ha Zin mà về đây, nếu được công nhận họ chỉ cho làm phó chủ tịch nên thầy không chịu…”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, “thầy Phúc” tên thật là Nguyễn Minh Phúc, sinh năm 1983, tự đặt pháp danh Thích Tâm Phúc, trú tại 144/45 Giòng Cát, ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung, tự đặt tên “chùa” là “Hoằng pháp Trung ương”.
Thời gian qua, ông Phúc gây xôn xao trên YouTube với một số hình ảnh, phát ngôn nói rằng: nhà sư ăn thịt động vật, thậm chí còn làm clip ăn thịt chó; đồng thời nói về Giáo hội Phật giáo Việt Nam bằng từ ngữ thiếu chuẩn mực.
Theo chỉ dẫn của Thượng tọa Minh Bình, Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Bình Chánh, chúng tôi về ấp 3, xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh) tìm hiểu về hoạt động của các “ngôi chùa gia đình” tại đây. Đến “chùa” Phát Thành tại số C14/40, chúng tôi gặp ông Ba Lợi, phật tử chùa.
“Thầy trụ trì pháp danh là gì ạ?”.
“Thầy Thiều Hai. Tui thứ ba, là em rể Thầy Hai. Trụ trì chùa là ông Thiều Văn Y, giờ ổng lớn tuổi rồi giao lại cho Thầy Hai, là con nối nghiệp”.
“Gia đình Thầy Hai ở tại chùa luôn à?”. “Cũng ngay sát đây thôi. Thầy có 3 người con, 1 gái, 2 trai, vợ thầy ở nhà nội trợ”.
Vào chánh điện, chúng tôi gặp Thầy Hai đang tụng kinh. “Anh lễ Phật đi, tôi cúng ban thờ ngoài kia”, thầy Hai nói.
“Thầy pháp danh là gì ạ?”.
“Tôi có pháp danh nhưng cứ gọi Thầy Hai đi. Chùa này có gần 100 năm rồi, do ông bà để lại. Tôi đắp y tỳ kheo đi cúng tụng vậy thôi chứ vẫn để tóc, chỉ ăn chay ngày rằm, mùng 1 hàng tháng. Chùa chưa vào Giáo hội…”.
Cũng tại xã Bình Chánh còn có “chùa” Pháp Tạng do Thượng tọa Thích Khoan Kế, nối nghiệp cha làm trụ trì. Ni sư Thích nữ Chúc Hải, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Bình Chánh, xác nhận với chúng tôi: “Thượng tọa Thích Khoan Kế cùng vợ và con cháu ăn ở, sinh hoạt trong chùa, từ đời cha ông tới nay”.
“Là sư trụ trì chùa mà có con cháu đề huề, ăn ở trong chùa, có phạm luật không ạ?”, chúng tôi hỏi.
“Tôi biết chùa này tới 3 đời trụ trì rồi, đều là truyền lại đời trước sang đời sau”, ni sư Thích nữ Chúc Hải trả lời.
Thượng tọa Minh Bình, Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Bình Chánh, cho biết: “Huyện có 85 ngôi chùa thì chỉ có mấy chùa không có gia đình, phần lớn còn lại là “chùa gia đình”. Một số “chùa gia đình” nằm ngoài kiểm soát của Giáo hội, khó biết bên trong họ có làm gì sai không”. Cũng theo Thượng tọa Minh Bình, trên địa bàn huyện Bình Chánh còn có hơn 100 am, cốc, thất do tăng ni được gia đình, phật tử cúng tặng đất tự ý xây lên rồi trương bảng chùa. “Về pháp lý, tăng ni đều của Giáo hội, nhưng chùa xây trên đất chưa chuyển đổi mục đích tôn giáo, chưa được Giáo hội công nhận, bổ nhiệm trụ trì. Số này cũng rất khó quản lý”, Thượng tọa Minh Bình nói. |