Trên tay họ là tờ báo SGGP, giấy đã ố vàng, số ra ngày 24-5-1999, tức đã 18 năm trước, ở trang Nhịp cầu Bạn đọc có đăng bài Vì sao lại xây chốt dân phòng trên lòng đường và bít mặt tiền nhà của dân?
Hệ lụy từ 18 năm trước
Nội dung bài báo đó nêu sự việc như sau: Ngày 30-3-1999, khu phố 9 phường Tân Định đã cho xây chốt dân phòng trên vỉa hè đường Mã Lộ (con đường nhỏ nằm trong lòng chợ Tân Định, nối thông 2 đường Nguyễn Hữu Cầu và Bà Lê Chân) áp lưng vào tường của bô rác cũ (ngang 6m, dài 3m), chiếm 2/3 chiều ngang bức tường bô rác cũ, chắn cửa ra vào của 5 hộ dân sinh sống ở đây suốt hơn 20 năm nay.
Hệ lụy từ 18 năm trước
Nội dung bài báo đó nêu sự việc như sau: Ngày 30-3-1999, khu phố 9 phường Tân Định đã cho xây chốt dân phòng trên vỉa hè đường Mã Lộ (con đường nhỏ nằm trong lòng chợ Tân Định, nối thông 2 đường Nguyễn Hữu Cầu và Bà Lê Chân) áp lưng vào tường của bô rác cũ (ngang 6m, dài 3m), chiếm 2/3 chiều ngang bức tường bô rác cũ, chắn cửa ra vào của 5 hộ dân sinh sống ở đây suốt hơn 20 năm nay.
Cư dân không đồng tình với việc xây dựng chiếm dụng vỉa hè, đã khiếu nại với phường và quận. Sau đó Phòng Quản lý đô thị quận 1 đã lập biên bản và buộc đình chỉ thi công. Cũng vào thời điểm ấy, Chủ tịch UBND phường Tân Định xác nhận việc xây chốt dân phòng là do khu phố tự làm, phường không có chủ trương. Vậy mà chốt dân phòng đó vẫn tồn tại. Sau bài báo đó, mọi việc rơi vào im lặng. Bao nhiêu lá đơn kêu cứu đều bị chìm vào quên lãng. Đến khoảng năm 2001, chốt dân phòng bỏ hoang, một số người từ nơi khác tự ý vào đây ở, người dân phản ánh, phường đã đẩy đuổi. Nhưng mãi đến bây giờ chốt dân phòng vẫn còn đó và trở thành cái… bô rác mới, rác rưởi tràn lan, chuột chết cũng được ném vào đó, hôi thối, ẩm ướt… Thấy tình cảnh của 5 hộ ở sau chốt dân phòng phải sống trong môi trường đầy ô nhiễm, những người hàng xóm tốt bụng đã giúp họ làm đơn tiếp tục kêu cứu, xin đập bỏ chốt dân phòng và bức tường bô rác cũ. Nhưng phường không đồng ý, cho rằng bức tường bô rác và chốt dân phòng thuộc thẩm quyền quản lý của quận. Người dân gửi đơn lên Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1, và nơi này đã có văn bản số 1037 ngày 27-4-2017 khẳng định công ty không quản lý bức tường bô rác cũ và chốt dân phòng đó. Người dân đã đến Phòng tiếp dân của UBND quận 1 để hỏi ngọn ngành. Nơi đây cho biết sự việc này là thuộc trách nhiệm của chính quyền phường Tân Định và “quận đã chỉ đạo phường giải quyết dứt điểm”. Trong khi trước đó, UBND phường lại đổ trách nhiệm cho quận, rồi đến nay phường vẫn im lặng và không có một văn bản nào trả lời cho dân.
Cảnh sống khốn khổ của 20 người
Cảnh sống khốn khổ của 20 người
Hộ bà Võ Thị Mỹ Hạnh phải ra vào nhà bằng một chiếc thang
Sau khi tiếp nhận đơn kêu cứu của 5 hộ dân ở số 28K (có 4 hộ cùng số nhà) và 28E, chiều ngày 29-5-2017, chúng tôi đã đến thực tế tại đây. Đường Mã Lộ dài chưa đến 100m, là khu vực buôn bán cá tôm, rau củ quả. Đi qua sạp cá tôm phía bên trái chốt dân phòng, lách người vào con hẻm chỉ rộng chừng 40cm là đến nơi ở ngột ngạt của 3 hộ chung số nhà 28K. Bề ngang mỗi căn chỉ chừng 1,5m và bề dài hơn 3m. Phía sau bức tường của bô rác cũ ẩm thấp lâu ngày bốc mùi ngai ngái là lối đi chung của 3 hộ, chỉ rộng chừng 30cm, tối đen, phải lách nghiêng người mới vào được. Căn đầu tiên là gia đình bà Trần Bé Tư, rộng hơn 4m², phải cơi nới thêm sàn gác. Không còn trống chỗ nào để treo, máng những vật dụng cần thiết cho gia đình gần chục người, trong đó có 3 - 4 đứa trẻ. Căn của cô Cẩm Thủy ở trong cùng, cửa vào khoảng 50cm và tối đen như mực, giơ tay lên là đụng trần. “Nhà em cũng như 2 căn này, nhỏ xíu hà, chỉ có mấy mét vuông thôi. Tối nằm ngang nằm dọc như cá mòi, ưu tiên cho con nít, còn người lớn phải ra sạp chợ ngủ”, cô Cẩm Thủy cười miệng méo xệch. Cả 3 hộ chỉ hơn mười mét vuông mà có đến 20 người sinh sống.
Phía bên phải chốt dân phòng là nhà bà Võ Thị Mỹ Hạnh, diện tích 2,4m x 4m với 9 người sinh sống. Án ngữ trước nhà bà là bức tường cũ của bô rác, đi ra đi vào phải nhờ chiếc thang sắt. Hôm tuần rồi, con dâu bà là chị Trang sắp đến ngày sinh nên gia đình bàn nhau đập phần tường bô rác cũ trước cửa để chị dễ ra vào, nhưng phường đã ngăn, buộc bà phải xây lại bức tường. bên cạnh là hộ bà Trần Thị Ngọc cũng “thảm” không kém: lối vào nhà chỉ chừng 30cm, là nơi “chui ra chui vào” của hơn chục người với không gian chật chội, ẩm thấp… Chiều ngày 29-5, chúng tôi đến UBND phường Tân Định để xin gặp lãnh đạo phường, nhưng nhân viên văn phòng yêu cầu để lại số điện thoại rồi “sẽ liên hệ sau”. Quận 1 là địa phương rất xông xáo trong việc dọn dẹp việc chiếm dụng lòng lề đường, sao chỉ có bức tường bô rác cũ và chốt dân phòng đã bỏ hoang gần 16 năm vẫn cứ tồn tại, đẩy người dân vào cảnh sống ô nhiễm, ngột ngạt, lẽ nào cứ kéo dài giữa lòng một khu phố văn hóa?