Trên tinh thần đó, Bộ TN-MT đang soạn thảo định mức chi phí tái chế (Fs). Phản hồi từ nhiều doanh nghiệp cho thấy, đây là quy định phù hợp thực tiễn để vừa bảo vệ môi trường hiệu quả, vừa hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình. Nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng, mức phí dự thảo của Bộ TN-MT đối với một số vật liệu tái chế còn cao, thậm chí vượt xa so với định giá thị trường của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam và một số nước ở Tây Âu.
Bà Phạm Thị Ngọc, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho biết, với vật liệu tái chế là giấy, dự thảo của Bộ TN-MT ngày 26-7-2023 định giá Fs là 1.938 đồng/kg (hệ số 0,2), trong khi đó Fs do Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam định giá khoảng 1.900 đồng/kg; đối với nhựa cứng PET, HDPE, Bộ TN-MT đề xuất Fs là 3.958 đồng/kg (hệ số 0,4), con số này do Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam định giá là 3.750 đồng/kg... Đối với giấy carton, ngành sữa cần khoảng 336.000 tấn/năm,và theo mức phí trong dự thảo thì doanh nghiệp sẽ mất khoảng 738 tỷ đồng để xử lý, trong khi phế liệu giấy carton có thể tái chế tốt và kinh doanh sản phẩm tái chế được. Còn ông James Ollen, Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam), nhận định, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Amcham Việt Nam rất ủng hộ việc tái chế bao bì, sản phẩm thải bỏ để bảo vệ môi trường. Song, trong dự thảo của Bộ TN-MT vẫn có một số vật liệu đang có Fs cao hơn nhiều mức trung bình Fs của 13 nước Tây Âu.
Fs cao sẽ dẫn đến việc giá cả hàng hóa tăng cao, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Do đó, cơ quan chức năng cần xem xét lại định mức Fs phù hợp cho từng loại bao bì. Nên chăng, với các vật liệu có giá trị tái chế thu hồi được lớn hơn chi phí tái chế như bao bì nhôm, sắt, giấy carton, bao bì nhựa cứng… nhà tái chế đã có lãi thì Fs nên bằng 0.