Và trên “đường băng” ấy, một trong những “vận động viên” dẻo dai, bền bĩ, luôn vươn lên vì “màu cờ sắc áo”, chính là từ nguồn lực tư nhân - một biểu hiện của sự đồng lòng cùng với Chính phủ và chính quyền các cấp trong cuộc chiến chống dịch, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh nhân dân.
Với bất kỳ một đại dịch toàn cầu, trách nhiệm gánh vác mang tính sống còn hầu như không thuộc về riêng ai. Sự am hiểu, sáng tạo và bám sát thực địa không ngưng nghỉ của các nhà dịch tễ, y khoa; thái độ tôn trọng khoa học và sự quyết đoán, kiên trì của các nhà lãnh đạo; tinh thần hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng tổ chức kinh tế, quỹ phi lợi nhuận, cá nhân cùng sự đồng thuận của người dân.
Với Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng, hai mục tiêu song hành là an toàn sức khỏe và an sinh xã hội trước và trong khi xảy ra đại dịch, ngay từ đầu đã là sự tiếp sức của nhiều nguồn lực xã hội. Đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước đối với quỹ phòng chống dịch Covid-19, quỹ vaccine, gói hỗ trợ an sinh là minh chứng cho nguồn lực nhân dân.
Nó không chỉ là sự tiếp nối đạo lý tương thân tương ái từ xưa đến nay mà còn là một thái độ tin cậy, đồng thuận, sẻ chia với trách nhiệm xã hội cùng chính quyền. Đáp lại, bộ máy chính quyền đã có những động thái gì để ít nhất không chỉ là một lời cảm ơn, nó cần hơn thế một sự chia sẻ, hành động tiếp sức trở lại để tiếp tục nuôi dưỡng nguồn lực xã hội - tư nhân này trong cuộc chiến “sống chung an toàn với virus”.
Thực tế, ngay từ đầu chiến dịch chống trả biến chủng Delta, ủng hộ chủ trương của Chính phủ và của chính quyền TPHCM, nhiều bệnh viện tư nhân, phòng khám đã tình nguyện tham gia ở hầu khắp các hoạt động phòng chống dịch. Sự góp sức, từ đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế đến mặt bằng cơ sở, dịch vụ kỹ thuật, đã giảm tải cho hệ thống bệnh viện công lập, giảm áp lực cho gánh nặng ngân sách của chính quyền và phủ rộng hơn, đi sâu hơn về cơ sở nhằm chăm lo sức khỏe toàn dân.
Nhưng khi dịch bệnh kéo dài, diễn biến ngày càng phức tạp, việc chung sức không thể kéo dài khi mọi nguồn chi trả của khối tư nhân đều tự thân… doanh nghiệp, chủ đầu tư. Cơ chế tài chính nào cho phép các bệnh viện tư nhân được phép thu giá dịch vụ điều trị đối với bệnh nhân Covid-19 vốn dĩ chưa hề xuất hiện trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm?
Có hay không một phép tính công bằng hơn cho các đơn vị y tế tư nhân khi họ được thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người mắc Covid-19 ở mức sàn của Bộ Y tế đưa ra (vốn được ngân sách thanh toán) ở các khoản tiền giường, tiền khám bệnh, thuốc, máu, dịch truyền… Đối với các khoản nằm ngoài phạm vi chi trả của ngân sách nhà nước, như tiền phòng, tiền ăn, sử dụng dịch vụ tiện ích theo yêu cầu của người bệnh thì đơn vị được thu theo mức đã đăng ký (giá) với Sở Y tế?
Đó là những đề bài từ thực tế của thành phố rất cần được các bộ ngành tháo gỡ để “dưỡng sức” mà đi tiếp, sống chung trong môi trường có virus. Nếu hoạt động an sinh cần đến sự hỗ trợ, giúp đỡ được xem là phép ứng xử của đạo lý thì tìm cách thức tháo gỡ, xử lý trên từng quy định còn ít nhiều vướng mắc cần được thể hiện bằng phép tắc mang tính pháp lý.
Bởi, cũng từ thực tế, có một bộ phận người dân, là bệnh nhân Covid-19 lẫn các bệnh khác, trong thời điểm này có nhu cầu, điều kiện được chăm sóc, điều trị với dịch vụ y tế tốt nhất có thể.
Đáp ứng nguồn cung cho thành phần bệnh nhân này, một mặt giảm áp lực điều trị ở bệnh viện công, mặt khác “nhường” bệnh viện công với mức chi phí thấp hơn cho những bệnh nhân không đủ điều kiện kinh tế, khó khăn… Trong sự phân hóa tất yếu ấy, giải pháp công bằng cho cả một lộ trình sống chung - tiếp sức sắp tới, là vậy.