Theo đó, phạm vi lập quy hoạch có diện tích 1.049.701m2, được xác định theo bản đồ khoanh vùng Khu vực bảo vệ I và Khu vực bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn.
Ranh giới lập quy hoạch gồm phía Đông giáp đường Trường Sa và các khu nghỉ dưỡng (resort) ven biển; phía Tây giáp sông Cổ Cò; phía Nam giáp sông Cổ Cò và khu dân cư hiện trạng; phía Bắc giáp đường Phạm Hữu Nhật và khu tái định cư Hòa Hải 2.
Việc quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn hướng đến 6 mục tiêu: Quản lý và bảo vệ danh thắng Ngũ Hành Sơn hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ du lịch; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành không gian văn hóa, không gian tổ chức lễ hội kết hợp điểm vui chơi giải trí đặc sắc của TP Đà Nẵng; kết nối với các điểm di tích, danh thắng nổi tiếng khác của TP Đà Nẵng và các địa phương lân cận tạo chuỗi sản phẩm du lịch, là điểm đến quan trọng trên hành trình du lịch “Con đường Di sản miền Trung”.
Đồng thời, việc quy hoạch còn xác định ranh giới và các khu vực bảo vệ, phát huy giá trị của danh thắng Ngũ Hành Sơn; định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật (nâng cấp và xây mới) phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị; định hướng kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị danh thắng Ngũ Hành Sơn và khu vực vùng đệm gắn với phát triển du lịch bền vững.
Ngoài ra, tạo điều kiện, cơ chế, nguồn lực thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển bền vững tại khu vực.
Nội dung quy hoạch gồm quy hoạch phân khu chức năng; quy hoạch không gian, kiến trúc cảnh quan; định hướng phát triển du lịch; quy hoạch hạ tầng kỹ thuật; nhóm dự án thành phần và phân kỳ đầu tư; giải pháp, cơ chế thực hiện quy hoạch.
Trong đó, Hệ thống bia Ma Nhai có biện pháp bảo quản đúng với phương pháp chuyên ngành, đồng thời đầu tư hệ thống chiếu sáng. Lập bản sao lưu trữ di sản tư liệu bia Ma Nhai và có giải pháp trưng bày, giới thiệu tới công chúng bằng các hình thức phù hợp. Xây dựng bài thuyết minh điện tử, xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản tư liệu này.
Từ năm 2023 đến 2026, tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư và cắm mốc giới khoanh vùng bảo vệ khu danh thắng; bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích, cảnh quan môi trường thiên nhiên gắn với danh thắng Ngũ Hành Sơn; tôn tạo hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật trong khu vực bảo vệ. Bên cạnh đó, triển khai một số thành phần trong xây dựng các khu chức năng, công trình hỗ trợ phát huy giá trị di tích và hạ tầng kỹ thuật cũng như một số dự án nghiên cứu nhằm phát triển, bổ sung các sản phẩm dịch vụ du lịch.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Đà Nẵng công bố quy hoạch, tiến hành cắm mốc giới, di dời các hộ dân trong khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn theo hồ sơ quy hoạch được duyệt; cập nhật ranh giới, diện tích Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn vào hồ sơ khoa học xếp hạng di tích và Quy hoạch TP Đà Nẵng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của TP Đà Nẵng phù hợp với từng thời kỳ...
Trước đó, Báo SGGP đã có bài "Những “trang sử đá” ở Ngũ Hành Sơn" đăng ngày 17-3-2023 phản ánh Ma Nhai - văn bia khắc trực tiếp trên núi đá tại danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là 1 trong 9 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh. Tuy vậy, khuất sau hình hài của đá và rêu phong, việc “đánh thức” báu vật này vẫn là bài toán nan giải.