Phát biểu tại Hội nghị tập huấn tiếp tục triển khai nhiệm vụ “Từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức gần đây, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, cho rằng, hoạt động lý luận văn học, nghệ thuật còn xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, giảm sút tác dụng tích cực đối với sáng tác. Chỉ riêng trong lĩnh vực văn học, tiếng nói của các nhà phê bình được nhìn nhận là rất quan trọng đối với tác giả lẫn bạn đọc. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, phê bình và sáng tác đã song hành chưa, hay cả hai “không thuộc về nhau”?. Báo SGGP giới thiệu ý kiến ngắn của các nhà văn cùng bạn đọc xung quanh vấn đề này.
Từ xưa đến nay, có những tác phẩm không mấy đặc sắc, nhưng nhờ phê bình mà trở nên ầm ĩ, nổi tiếng. Ngược lại, có những tác phẩm hay, nhưng nằm im vì không được phê bình để mắt đến. Nếu ví von tác phẩm văn chương như cái trống, cái chiêng; thì phê bình chính là người đánh trống khua chiêng ấy. Nói như vậy để thấy vai trò của phê bình. Nhà phê bình vừa là một người đọc (thưởng thức tác phẩm) bình thường, vừa là người đọc có tâm, có trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây là nêu ra được cái đặc sắc của tác phẩm cho công chúng cùng thưởng thức, luận bàn. Trách nhiệm là trách nhiệm chung với nền văn học.
Thực ra thì với một tác phẩm văn chương có giá trị thật sự, tự nó sẽ có sức sống riêng, những âm thanh sẽ được cất lên trong không gian của nó, chứ không phải được đánh trống khua chiêng trên các sân khấu. Cá nhân tôi rất kính trọng các nhà phê bình, nhưng là “kính nhi viễn chi” mà thôi.
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa:
Truyện ngắn đầu tiên của tôi dự thi trên Văn nghệ Quân đội là Hương thôn dã, lúc đó nhà phê bình Phan Tuấn Anh đã viết một bài về truyện ngắn này. Khi đọc được bài viết đó, tôi thực sự có động lực để viết thêm những truyện ngắn về đề tài lịch sử. Hay như khi tôi công bố tập truyện Con chim phụng cuối cùng, cũng có một số nhà phê bình đọc và chỉ ra những hạn chế của tác phẩm, tôi ghi nhận và sau này, nếu có viết một tác phẩm lịch sử khác, tôi sẽ thay đổi hướng viết hay tiết chế bản thân để trang văn phù hợp với người đọc hơn.
Gần đây ở Việt Nam, có một số phà phê bình đã đi kịp với tác phẩm như Hoàng Đăng Khoa, Mai Anh Tuấn, Phan Tuấn Anh. Đây là những người thường đọc và viết bài. Nhưng để gọi là song hành với sáng tác thì vẫn chưa. Nhà phê bình cũng giống như một người đọc, ở đây là người đọc cao cấp. Khi có người đọc thì nhà văn mới có động lực để sáng tác. Vì vậy, tôi chờ đợi ở những người đọc cao cấp này, mong đội ngũ này ngày càng đông hơn. Khi nhà văn viết ra, nhà phê bình đọc và thẩm định, từ cái nền thẩm định đó, nhà văn mới có thể cân chỉnh tác phẩm của mình, hoặc là có thể điều tiết lại để viết tốt hơn.
Nhà văn Huỳnh Trọng Khang:
Hiện nay số lượng tác phẩm ra đời mỗi ngày là rất lớn, khối lượng công việc của nhà phê bình vì thế mà cũng nặng nhọc hơn, vừa phải bắt kịp cái mới, vừa phải đảm bảo chất lượng các tác phẩm phê bình của mình. Đối với tôi, một môi trường văn học lý tưởng là khi một tác phẩm ra đời, nhận được những lời phê bình và có những phản biện. Những bài phê bình chuyên sâu thường cho tác giả cảm giác nhà phê bình còn nhìn thấy cả những cái “ngoài mình” mà bản thân tác giả chưa thấy được, điều đó khiến tác giả cảm thấy rất thú vị.
Phê bình trước đây và bây giờ luôn là bạn đồng hành của người sáng tác. Phê bình đến từ các nhà chuyên môn, hay chỉ là phê bình từ độc giả đều là vốn quý để nhà văn đúc kết kinh nghiệm, chỉnh sửa những sai sót, hoàn thiện mình hơn ở những tác phẩm kế tiếp.
Nhà văn Võ Diệu Thanh:
Nhà phê bình là những người sáng tạo song hành cùng nhà văn. Với góc nhìn của nhà phê bình đúng nghĩa, tác phẩm lại được sáng tạo thêm một lần, có khi huyền ảo, có khi rất rõ nét. Nhà phê bình và nhà sáng tác sẽ phối hợp để cuộc chơi văn chương sôi động và hấp dẫn hơn. Nhà phê bình gợi ý những góc nhìn độc đáo cho độc giả để độc giả có thể cảm nhận tác phẩm đa chiều và đầy đặn nhất, là trung gian tốt để đưa độc giả đến với tác phẩm văn chương đích thực và cũng là người nâng dần gu thẩm mỹ cho độc giả. Muốn được như vậy, nhà phê bình phải tìm cho mình một tiếng nói khách quan, sáng tạo và hấp dẫn.
Bản thân tôi, một nhà văn lặng lẽ ở nông thôn, việc viết sách như một người nội trợ âm thầm cống hiến. Nhà phê bình với tôi như một người bạn tri âm tri kỷ trong việc chỉ ra những được mất của mỗi tác phẩm, mỗi thời kỳ. Sự ghi công rất tích cực và cần thiết đó, tôi nhận được không phải từ một người mà rải rác từ những độc giả thân quen, những học viên cao học đang làm luận văn và một số nhà phê bình chuyên nghiệp.