Phê bình chuyên nghiệp đang mất dần chỗ đứng

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý và đội ngũ sáng tác, phê bình đều chung nhận định, trong khi “phê bình mạng” đang ồn ào thì lý luận phê bình văn học nghệ thuật (VHNT) chuyên nghiệp lại dần mất chỗ đứng.

Phê sao không mất lòng ai

Là người gắn bó với nghệ thuật vừa với tư cách diễn viên, vừa trên cương vị quản lý, NSND Lê Tiến Thọ thẳng thắn chỉ ra, nếu giai đoạn trước năm 1985 “cái roi” lý luận phê bình đã giúp “con ngựa” sáng tác phi nhanh hơn, thì nay công tác lý luận phê bình dường như đang đứng ngoài cuộc, bàng quan không tham dự. Đội ngũ phê bình vốn đã mỏng lại thêm tâm lý “thương cảm” nên những bài được gọi là phê bình thì phần lớn theo tỷ lệ 7 khen - 3 góp ý để không mất lòng ai. Phê bình mà như không phê bình…

Cùng chung nhận định, PGS-TS Phạm Quang Long cho rằng, phê bình hiện nay nhợt nhạt bởi quá ít những phê bình đích thực, phê bình đúng thực trạng tác phẩm. Quá nhiều kiểu phê bình thù tạc, giao đãi. Tính hiệu quả của các bài phê bình ấy yếu đã đành mà còn gây tác hại. Độc giả phần đông đọc theo nhu cầu, nhưng khi đọc phê bình lại thấy quá khác với những gì mình tiếp nhận, sẽ hình thành một tâm lý xa lánh, chán đọc phê bình. Người đọc không muốn đọc phê bình. Nhà văn đọc thấy vô bổ. Nhưng điều nguy hại nữa là nó tạo ra những giá trị giả của một hoạt động tinh thần vốn rất cần cho con người. Nó gây hại cho xã hội từ chỗ tưởng chừng vô hại ấy.

Nguyên nhân dẫn đến việc khen chê nhàn nhạt không phải người cầm bút không nhận ra, song như TS Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương, phân tích, thì đó là cộng hưởng của nhiều lý do.

n6a-608.jpg
Đất rừng phương Nam, bộ phim chịu áp lực lớn từ “phê bình mạng” nhưng lại vắng bóng lý luận, phê bình chuyên nghiệp. Ảnh: ĐPCC

“Để có bài viết lý luận phê bình cũng nhọc nhằn lắm nhưng nhuận bút chỉ được khoảng 1 triệu đồng, trong khi đó mức thù lao dành cho kịch bản tính tới hàng chục triệu cho một tập phim. Thêm nữa, thời điểm khi mà mạng xã hội có thể tấn công bất cứ ai thì người có ý kiến khác biệt, hay trái chiều sẽ luôn phải đối mặt với nguy cơ bị “ném đá”, vô cùng rủi ro mà không phải ai cũng có được bản lĩnh vững vàng để đương đầu với “sóng gió” mạng như vậy…”, TS Ngô Phương Lan giãi bày.

Trong khi các nhà phê bình đang cân nhắc, lo ngại sự bủa vây của các “anh hùng bàn phím” thì đã xuất hiện một nhân tố mới là “phê bình mạng” với các Tiktoker, Facebooker... Như TS Huỳnh Vũ Lam nhận định, có thể hiểu đây là phê bình “liều mạng”, phê bình “văng mạng”, đu “trend”… bất chấp việc có thưởng thức tác phẩm hay không. Song sức lan tỏa của phê bình mạng lại rất khủng khiếp, đem lại nhiều hậu quả khôn lường.

“Đã đến lúc những người làm phê bình VHNT cần phải đổi mới tiếp cận bạn đọc, mạnh dạn viết gọn lại, xé nhỏ vấn đề, hòa theo nhịp xu hướng để mong vớt lại những giá trị đích thực của VHNT trên dòng chảy mạng xã hội”, TS Huỳnh Vũ Lam nhấn mạnh.

Lo toan “cơm áo”… khiến nhiều người bỏ cuộc chơi

Theo GS Phong Lê, chính vào lúc phê bình yếu tính chuyên nghiệp nhất thì đời sống sáng tác lại bề bộn, muôn màu muôn vẻ nhất. Lý giải sự thiếu hụt này, nhà văn Phong Điệp phân tích: Muốn có một sản phẩm lý luận phê bình chất lượng, người viết cần rất nhiều thời gian và sức lực để nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích, luận giải... Nhưng sản phẩm dù đã hoàn thành song không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm được nơi công bố. Người viết vốn đã nhọc nhằn trong quá trình sáng tạo, lại phải vất vả tìm đầu ra cho đứa con tinh thần của mình.

Chính vì thế cũng dễ thông cảm, chia sẻ tâm lý chán nản, kém nhiệt huyết với nghề của nhiều người làm công tác lý luận phê bình. Không đủ sự kiên trì để đi tiếp con đường khó - khô - khổ, chưa kể nỗi lo toan cuộc sống nên một số người chấp nhận “bỏ cuộc chơi”. Hoặc để tồn tại, nhiều người đành thỏa hiệp với xu hướng phê bình báo chí, chạy theo thời sự, đáp ứng nhu cầu nhất thời của truyền thông, quảng bá…

Theo NSND Lê Tiến Thọ, để khắc phục được tình trạng thiếu đội ngũ lý luận phê bình VHNT, đặc biệt là đào tạo được lực lượng hoạt động chuyên nghiệp nhằm thực hiện tốt định hướng phát triển công tác lý luận phê bình thời gian tới, cần có đề án quy hoạch và phát triển công tác lý luận phê bình; có chính sách đầu tư, chế độ nhuận bút, giải thưởng cho tác phẩm, công trình chất lượng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước, các hội chuyên ngành cần có cơ chế bảo vệ, hỗ trợ các nhà lý luận phê bình…

Để tập trung “vực” hoạt động lý luận phê bình VHNT lên ngang tầm với sáng tác, đáp ứng nhu cầu hiện nay, cùng với việc thu hút nhân lực đào tạo từ bậc phổ thông sau đó tiếp tục đào tạo ở bậc đại học, sau đại học, PGS-TS Trần Luân Kim, nhà phê bình điện ảnh đề xuất, cần có chế độ trọng dụng, tôn vinh và có những chính sách ưu đãi vinh danh, khen thưởng, động viên kịp thời nhằm khích lệ tài năng, duy trì được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu. Từ đó, giúp công tác lý luận phê bình giữ vai trò vừa là vũ khí đấu tranh chống cái xấu, cái ác, lạc hậu, vừa góp phần nuôi dưỡng tâm hồn con người bằng cái chân, thiện, mỹ…

Tin cùng chuyên mục