Các đơn vị này có tỷ lệ giải ngân chậm, tính tới ngày 15-6 chỉ đạt dưới 20%, sau khi được đôn đốc, tình hình giải ngân có chuyển biến, một số đơn vị đạt trên 20%.
Cụ thể, tính tới ngày 17-7: Bộ KH-ĐT tỷ lệ giải ngân 13,3%; Bộ Ngoại giao 5,1%; Bộ Y tế 16%; Ủy ban Dân tộc 61%; Thông tấn xã Việt Nam 8,5%; Hội Cựu chiến binh Việt Nam 4,5%; Hà Nội 33,4%; TPHCM 26%; Đà Nẵng 24,7%; Bình Dương 20,9%; Bình Phước 28,1%; Tây Ninh 22,9%. Riêng Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ giải ngân theo báo cáo của Bộ Tài chính là 5,8%, nhưng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, so với số vốn đã được Thủ tướng quyết định giao thì đã đạt trên 56%.
Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, một trong những điểm nghẽn của tăng trưởng là giải ngân vốn chậm. Chúng ta đã phải trả lãi vay để huy động nguồn lực mà tiền đọng lại không tiêu được. Vốn dư gửi tại Kho bạc Nhà nước lúc nào cũng khoảng 120.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chuyển lời phê bình của Thủ tướng tới các bộ, cơ quan, địa phương có vốn giải ngân chậm. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, trong đó có 13 đơn vị trên phải có giải pháp mạnh nhất để tập trung giải ngân quyết liệt. Nếu năng lực nhà thầu thi công không đáp ứng được thì thay thế nhà thầu. Nếu bộ phận cán bộ theo dõi năng lực không tốt hoặc có vướng mắc thì sắp xếp, thay thế cán bộ. Nếu do mặt bằng thì phải trực tiếp chỉ đạo giải phóng mặt bằng. Tinh thần là thủ trưởng các đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo, không thể chấp nhận việc có tiền, có vốn mà không tiêu được do thủ tục của chúng ta, do không chỉ đạo quyết liệt.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, sắp tới, Thủ tướng Chính phủ có thể sẽ trực tiếp đi kiểm tra một số công trình chậm giải ngân và cả một số công trình “đã giải ngân nhưng tiến độ lại chậm, tức là để phòng tránh chuyện lấy tiền về đem gửi vào ngân hàng”. Nếu có thì không thể chấp nhận được. Tới tháng 10, đơn vị nào không giải ngân đạt yêu cầu thì Chính phủ dứt khoát sẽ điều chuyển vốn, không giao vốn cho đơn vị đó trong năm sau.