
Bệnh nhân N.T.H. (17 tuổi) nhập viện trong tình trạng đau thắt lưng phải kéo dài nhiều tuần. Qua thăm khám lâm sàng kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng như siêu âm và chụp CT, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị ứ nước thận phải độ II do bất thường niệu quản sau tĩnh mạch chủ dưới. Đây là một trường hợp dị tật bẩm sinh hiếm gặp, với tỷ lệ 1/1.500.
Bình thường, niệu quản chính là ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, vị trí nằm ở ngoài tĩnh mạch chủ dưới nhưng ở bệnh nhân này, niệu quản lại chạy vòng ra phía sau tĩnh mạch chủ dưới, tạo thành một cấu trúc bất thường ngay từ khi hình thành bào thai.
Sự bất thường đường tiết niệu khiến dòng chảy nước tiểu bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn. Theo thời gian, sự chèn ép kéo dài làm thận ứ nước, giãn đài bể thận, niệu quản phía trên phình to và có nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát. Nếu không được phát hiện sớm, chức năng thận có thể bị suy giảm nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến mất chức năng thận một cách âm thầm.
Nhận thấy đây là trường hợp cần can thiệp sớm, ekip bác sĩ Ngoại khoa đã tiến hành hội chẩn và quyết định phẫu thuật chuyển niệu quản về vị trí bình thường, loại bỏ sự chèn ép và tái lập lưu thông đường tiểu.
Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi trong hơn 3 giờ đồng hồ. Sau phẫu thuật 5 ngày, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định, chức năng thận dần cải thiện và bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường.
Theo BS-CKI Phạm Kim Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng, các dị tật niệu quản hiếm gặp như niệu quản sau tĩnh mạch chủ dưới thường ít có triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn sớm. Người bệnh chỉ phát hiện khi đã có biến chứng như đau vùng hông lưng kéo dài, thận ứ nước hoặc nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát. Vì vậy, khi có các dấu hiệu bất thường về đường tiết niệu, người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám sớm để được điều trị kịp thời.