Bệnh nhân là chị P.T.T. (sinh năm 1968, ngụ tại Thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) nhập viện cấp cứu 1 tuần trước đó trong tình trạng đau bụng dữ dội, cao huyết áp kèm triệu chứng khó thở, nôn mửa.
Sau khi thăm khám, xét nghiệm, siêu âm bụng, chụp CT, ekip bác sĩ hội chẩn xác định có khối u nang buồng trứng bên phải rất to, xoắn, hầu như che hết vùng hạ vị nên phải chỉ đinh phẫu thuật cắt khối u.
Hơn 2 giờ phẫu thuật, ekip bác sĩ đã phẩu thuật thành công cắt khối u nang với kích thước khoảng 20x16x15cm, nặng hơn 1kg ra khỏi cơ thể người bệnh. Năm ngày sau phẫu thuật, hiện tình trạng bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.
Được biết, chị P.T.T. đã “sống chung” với khối u nang gần 30 năm, kể từ khi sinh con gái đầu lòng. Với tâm lý sợ đụng “dao kéo”, chị nhất quyết không phẫu thuật dẫn đến tình trạng ngày càng nặng hơn với kích thước khối u ngày càng tăng dẫn đến các biến chứng phải nhập viện cấp cứu.
Nếu không phẫu thuật, khối u có thể vỡ gây viêm phúc mạc khó điều trị lành, đồng thời khối u có thể hoại tử gây nhiễm độc và tử vong. Thời gian trước đó, chị đã đi khám vài nơi, vì mỗi lần lên cơn đau chị uống thuốc giảm đau thấy hiệu quả tạm thời nên vẫn không muốn phẫu thuật. Mãi đến lần này, cơn đau dữ dội và nhập viện, ê-kíp bác sĩ đã tư vấn, động viên và khuyên nhủ thuyết phục, cuối cùng chị P.T.T. cũng quyết định “hợp tác” để “chia tay” với khối u này.
Theo Thạc sĩ – Bác sĩ Lê Thị Hải Yến – Trưởng khoa sản bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc 1 (Bình Dương), U nang buồng trứng là khối u sinh dục thường gặp ở buồng trứng bao gồm: u cơ năng, không ác tính, lạc nội mạc, chiếm 25 - 30 % các trường hợp u đường sinh dục. Ngoài việc tác động đến sức khỏe, sinh hoạt và làm việc, khối u gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản của chị em phụ nữ. Bệnh xuất hiện ở mọi đối tượng từ bé gái tuổi dậy thì đến người già 80 tuổi, đa số lành tính, có một số loại u nang buồng trứng ác tính. Siêu âm là phương pháp thường dùng và có độ chính xác cao trong việc chẩn đoán và phân loại u nang buồng trứng. Tùy trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các kỹ thuật cận lâm sàng khác như chụp CT, MRI, xét nghiệm ROMA… để đánh giá liên quan với các cơ quan lân cận và nguy cơ ác tính. |