Phẫu thuật thẩm mỹ: Nhu cầu chính đáng nhưng thiếu an toàn

Theo phản ánh của bạn đọc, liên tiếp thời gian gần đây, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra nhiều vụ tai biến, thậm chí có trường hợp tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng công tác quản lý lĩnh vực này hiện đang bộc lộ nhiều lỗ hổng, bất cập hoặc có sự lơ là, trong khi thực tế nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng nhiều.

Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu TPHCM đang xử lý một ca tai biến thẩm mỹ do tiêm chất làm đầy
Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu TPHCM đang xử lý một ca tai biến thẩm mỹ do tiêm chất làm đầy

4 ngày có 3 ca tai biến

Thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, chỉ trong vòng 4 ngày (từ ngày 1-6 đến ngày 4-6), trên địa bàn thành phố đã xảy ra 3 ca tai biến nặng do phẫu thuật thẩm mỹ, phải chuyển lên các bệnh viện tuyến cuối cấp cứu, trong đó có 1 ca tử vong. Trường hợp tử vong là N.T.T.H. (33 tuổi), đến Phòng khám chuyên khoa Thẩm mỹ thuộc Công ty TNHH Bệnh viện Thẩm mỹ Quốc tế Thailand Hospital (số 86-88 Pasteur, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) để được tư vấn và thực hiện nâng mũi bằng vật liệu silicon, sụn vành tai.

Sau khi được gây tê bằng thuốc thì chị H. xuất hiện triệu chứng tê quanh miệng, đắng miệng, nhìn mờ, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt. Nghi chị H. bị sốc phản vệ, bác sĩ phòng khám tiến hành hồi sức chống sốc và chuyển chị đến Bệnh viện Nhân dân 115, nhưng chị H. đã tử vong. Trước đó, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) đã tiếp nhận người bệnh V.T.A.Đ. (31 tuổi) nhập viện trong tình trạng nhồi máu não diện rộng bán cầu trái do thuyên tắc mỡ sau phẫu thuật thẩm mỹ.

Trước đó, người bệnh này thực hiện dịch vụ hút mỡ bụng, cấy mỡ vào vùng trán và thái dương tại Phòng khám chuyên khoa Thẩm mỹ thuộc Công ty TNHH Viện thẩm mỹ Nguyên Anh (số 467 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10). Sau khi thực hiện dịch vụ, người bệnh có biểu hiện lừ đừ, tiếp xúc chậm, không nói được, yếu tay, chân bên phải và được nhân viên phòng khám đưa cấp cứu. Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cũng vừa có báo cáo sự cố y khoa liên quan người bệnh N.T.H.L. (46 tuổi) bị biến chứng sau tiêm chất làm đầy (filler) tại Thẩm mỹ viện ToNy An An (số 515 Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10).

Theo các bác sĩ, tai biến thẩm mỹ không còn là tình trạng hiếm gặp. Do sự phát triển của lĩnh vực này quá nhanh, nhu cầu làm đẹp ngày càng nhiều khiến các cơ sở thẩm mỹ mọc lên như “nấm sau mưa”, gây ra nhiều hệ lụy khó lường và khiến nhiều “thượng đế” gánh chịu những hậu quả nặng nề cả về sức khỏe lẫn nhan sắc.

Kiểm tra là ra sai phạm

Theo bác sĩ Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, thời gian qua, đơn vị thường xuyên phối hợp với các phòng chức năng của Công an TPHCM và chính quyền địa phương kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều cơ sở, cá nhân cung cấp dịch vụ kỹ thuật thẩm mỹ không phép. Và cứ kiểm tra là ra sai phạm: nhiều cơ sở, cá nhân cố ý tổ chức hoạt động khám chữa bệnh khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động; một số cơ sở đăng ký kinh doanh với các loại hình dịch vụ thẩm mỹ (phun, xăm, thêu trên da), cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu… nhưng quảng cáo và thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc hay các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể.

Thậm chí, có cơ sở đã trá hình phòng khám, bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở đào tạo nghề để đào tạo lén lút, thực hiện các dịch vụ liên quan thẩm mỹ. Nhiều cơ sở hoạt động trá hình rất tinh vi dưới hình thức cơ sở spa, chăm sóc da hoặc hoạt động trong các căn hộ chung cư không có biển hiệu, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, như: đặt lịch hẹn qua điện thoại, tiếp nhận và thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ tại các khách sạn, nhà riêng..., tiềm ẩn nguy cơ gây nên nhiều tai biến nghiêm trọng ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng của người dân. “Khi tiếp cận các thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, không nên vội vàng tin ngay mà cần có sự kiểm chứng thông tin thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là cổng tra cứu thông tin của Sở Y tế, để tránh những biến chứng đáng tiếc.

Khi phát hiện hay nghi ngờ cơ sở làm đẹp trái phép hoặc có dấu hiệu vi phạm, người dân có thể gọi điện thoại đường dây nóng số 0989.401.155, hoặc tải ứng dụng “Y tế trực tuyến” cung cấp thông tin để Thanh tra Sở Y tế kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định”, bác sĩ Hồ Văn Hân khuyến cáo. Theo GS-TS-BS Đỗ Quang Hùng, cố vấn Bệnh viện Chợ Rẫy, các cơ sở spa chỉ được phép hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc da; còn các kỹ thuật làm đẹp có xâm lấn thì chỉ những phòng khám chuyên khoa về thẩm mỹ, da liễu mới được phép thực hiện. Do đó, người dân muốn làm đẹp thì nên tìm hiểu kỹ cơ sở có uy tín, có sự cấp phép của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế.

Liên quan đến người bệnh bị tử vong sau phẫu thuật thẩm mỹ tại Phòng khám thuộc Công ty TNHH Bệnh viện Thẩm mỹ Quốc tế Thailand Hospital (số 86-88 Pasteur, phường Bến Nghé, quận 1), chiều 6-6, Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, đang tiếp tục làm rõ hoạt động khám chữa bệnh tại đây, đồng thời yêu cầu phòng khám tạm ngưng cung cấp dịch vụ để tiếp tục làm rõ các hoạt động chuyên môn trong khám chữa bệnh. Còn tại Thẩm mỹ viện ToNy An An (số 515 Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10), khi cơ quan chức năng kiểm tra và làm việc, đại diện cơ sở không hợp tác, bỏ ra về, không ký biên bản kiểm tra y tế. Thanh tra sở đã đề nghị ngưng việc cung cấp dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có giấy phép hoạt động và đề nghị Phòng Y tế quận 10, UBND phường 2, quận 10 (TPHCM) hỗ trợ giám sát việc ngưng hoạt động tại cơ sở trên.

Tin cùng chuyên mục